Gian nan vất vả cuộc chống buôn lậu vùng biên

Mặc dù không phải là một địa bàn trọng điểm về buôn lậu, nhưng Cao Bằng vẫn đang phải gồng mình lên chống hàng thẩm lậu về xuôi.
Mặc dù không phải là một địa bàn trọng điểm về tình trạng buôn lậu, nhưng Cao Bằng vẫn đang phải gồng mình lên chống hàng thẩm lậu về xuôi. Đội phó Đội Kiểm soát Hải quan Cao Bằng, ông Vũ Ngọc Phi cho hay: Thực tế, có những chuyên án, anh em cán bộ phải mất hàng tháng trời để theo dõi, mật phục.

Và vì thế, cuộc chiến chống buôn lậu vẫn đang nóng lên từng giờ ở vùng địa đầu Đông Bắc Tổ quốc này.

Khác với các vùng giáp biên như Lạng Sơn, Móng Cái, Lào Cai… công tác chống buôn lậu tại Cao Bằng có những đặc điểm rất riêng. Ngồi trong căn phòng tuềnh toàng của Đội Kiểm soát, anh Phi cho hay: “Nếu như ở các địa phương khác, hàng lậu rất đa dạng thì ở Cao Bằng chủ yếu là hàng hóa phục vụ cư dân biên giới theo chính sách của Nhà nước. Lợi dụng điều này, các chủ hàng thường thuê bà con vác hàng về, xé lẻ sau đó mới tập kết về xuôi.”

Cũng chính bởi đặc điểm này, nên công tác phòng chống buôn lậu ở đây cũng vô cùng gian nan. Các cán bộ hải quan Cao Bằng phải tìm cách “chặt” dần từng chân rết nhỏ của mạng lưới đưa hàng thẩm lậu vào nội địa. Thực tế, có những chuyên án, anh em cán bộ phải mất hàng tháng trời để xây dựng cơ sở, lập mạng lưới thông tin, thậm chí ăn rừng, ngủ suối để triệt phá.

Trong ấn tượng của Đội phó Phi vẫn còn vẹn nguyên ký ức về những tháng ngày cùng anh em phá chuyên án ma túy ngày nào.

Đó là những ngày tháng 4, trời Cao Bằng nóng như đổ lửa. Gió từ nước bạn hầm hập thổi sang khiến cho người ngồi trong phòng mà cũng mướt mát mồ hôi.

“Cũng chính thời điểm này, anh em cán bộ Đội kiểm soát nhận được thông tin dưới cơ sở báo về một đường dây vận chuyển, buôn bán ma túy ngay trong lòng thành phố,” anh Phi kể.

Ngay lập tức, kế hoạch thả lưới được hình thành. Một loạt cán bộ được cử xuống địa bàn, ăn nằm cùng dân, hóa trang thành lực lượng xe ôm và cửu vạn để nắm bắt thêm thông tin. Rõng rã suốt gần 5 tháng trời, quy luật di chuyển, “ăn hàng” của đối tượng cơ bản đã được lập xong.

“Đến cuối tháng 9, nhận được nguồn tin đối tượng sẽ vận chuyển hàng ra khỏi địa bàn thành phố, Đội quyết định hành động,” anh Phi nhớ lại.

Một mặt, cán bộ Đội Kiểm soát nhanh chóng liên hệ với Phòng Công an ma túy, Công an tỉnh Cao Bằng; mặt khác hơn chục người của cả đội được cắt cử tỏa dọc địa bàn nghi vấn.

“Qua quy luật, chúng tôi biết đối tượng sau khi rời nhà sẽ có mặt ở một quán cơm gần đó. Ngay lập tức, một đồng chí được cử làm xe ôm, cũng đến quán để ăn cơm và uống rượu. Ở vòng ngoài, vòng vây gồm Công an và hải quan cũng dần được thít chặt,” người đội phó da ngăm đen vừa nhâm nhi ngụm trà vừa kể lại.

Tới 11 giờ cùng ngày, đối tượng bắt đầu di chuyển ra khỏi quán cơm, tay mang theo một túi xách. Hắn thuê xe ôm đi được hơn 1 cây số thì xuống xe. Khoảng 30 phút sau, đối tượng lại tiếp tục bắt một xe khác để đi. Cả đội hơn chục con người nín thở theo dõi.

1 giờ trôi qua, không khí căng như dây đàn. Ai trong đoàn liên ngành cũng chỉ sợ bị xổng mất con cá lớn mà anh em đã giăng lưới hơn 4 tháng trời. Đến đầu giờ chiều, bỗng đối tượng thấy động và bỏ chạy.

Ngay lập tức, cả đội tức tốc đuổi theo. Sau quãng đường hơn 7km, đối tượng đã bị bắt giữ với tang vật là 1 bánh heroin. Khám nhà đối tượng, cơ quan chức năng thu giữ thêm 3 bánh nữa.

Cũng là câu chuyện về ma túy, anh Hà, một thành viên của Đội Kiểm soát lại kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện có lẽ không ai hình dung ra được. Rằng, để có thể xây dựng được cơ sở, nguồn tin, lắm lúc anh em phải lặn lội vào tận những bản xa các huyện Hạ Lang, Trùng Khánh, Trà Lĩnh… Đi miết qua những miệt rừng, sóng điện thoại cũng mất, ăn uống tự lo.

“Chính nhờ việc xây dựng cơ sở tốt nên hầu hết các vụ vận chuyển ma túy qua địa bàn tỉnh Cao Bằng đều được ngăn chặn từ đầu,” anh Nam nói.

Không chỉ vậy, các cán bộ hải quan luôn thường xuyên phải đối mặt với nguy hiểm. Tiêu biểu nhất, chỉ mới đây thôi, trong quá trình truy đuổi một đối tượng buôn lậu, các cán bộ hải quan đã phát hiện trong xe có một khẩu K54, 1 khẩu súng thể thao đã cưa nòng cùng gần 50 viên đạn.

“Đối mặt với các đối tượng luôn sử dụng vũ khí nóng, nhưng ngược lại, anh em hải quan lại có rất hạn chế các quyền và phương tiện để tự bảo vệ mình nên công việc càng khó khăn hơn,” Đội phó Phi tâm sự thật.

Nhưng, chừng ấy khó khăn, chừng ấy những nguy hiểm hàng ngày vẫn chẳng thể khiến họ mất đi nhiệt tình với công việc. Bởi nói như các anh, cuộc chiến phía trước vẫn còn rất dài. Và hơn ai hết, các anh hiểu rằng, chỉ có cách tạo công ăn việc làm, vận động bà con đi theo con đường chân chính mới thực sự đẩy lùi được nạn buôn lậu ở tỉnh vùng biên này./.

Bài 2: “Chống hàng lậu: Lại vẫn phải từ khâu dân vận”


Xuân Sơn (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục