Giáo dục đóng vai trò quan trọng trong phòng ngừa lao động trẻ em

Đảm bảo giáo dục bao trùm đóng vai trò rất quan trọng trong phòng, chống lao động trẻ em. Giúp trẻ ẹm có cơ hội học hành còn đóng vai trò quan trọng với chất lượng của nguồn nhân lực trong tương lai.
Trẻ em vẽ tranh với thông điệp ngăn chặn lao động trẻ em. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Trẻ em vẽ tranh với thông điệp ngăn chặn lao động trẻ em. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh việc trẻ em phải lao động sớm đã và đang để lại hậu quả nặng nề, ảnh hưởng đến sự phát triển hài hòa của trẻ, cản trở việc tiếp cận và thụ hưởng nền giáo dục phù hợp, cản trở việc chuẩn bị một tương lai tốt hơn cho chính các em. Lao động trẻ em cũng làm mất đi các quyền của trẻ em và tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế, xã hội, nhất là chất lượng của nguồn nhân lực trong tương lai.

Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo phòng ngừa giảm thiểu lao động trẻ em và bảo đảm an sinh xã hội trong lộ trình thực hiện Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG 8.7) do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp cùng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tổ chức ngày 20/6 tại Hà Nội.

Hội thảo nằm trong chuỗi sự kiện hưởng ứng Ngày quốc tế phòng, chống lao động trẻ em (12/6) với chủ đề là “Lao động trẻ em và bảo trợ xã hội.”

Theo bà Vũ Thị Kim Hoa, Phó cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), tình hình lao động trẻ em tại Việt Nam thấp hơn các nước trong khu vực châu Á Thái Bình Dương 2% và toàn cầu 4,2% (năm 2016). Năm 2018, Việt Nam có trên 1 triệu lao động trẻ em từ 5-17 tuổi, chiếm khoảng 5,4%, trong khi đó năm 2012 là trên 1,7 triệu em, chiếm 9,6%, điều này là minh chứng rõ rệt cho những nỗ lực phòng, chống lao động trẻ em tại Việt Nam.

[Bảo đảm an sinh xã hội góp phần giảm nguy cơ gia tăng lao động trẻ em]

Mặc dù đã đạt được nhiều tiến bộ nhưng công tác phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em vẫn còn không ít khó khăn, thách thức, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Lao động trẻ em có nguy cơ tăng trở lại, tập trung trong lĩnh vực nông nghiệp, ở những nơi khó can thiệp, nhất là trong hộ gia đình, các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, khu vực phi chính thức và có nguy cơ cao tham gia chuỗi cung ứng. Lao động trẻ em ảnh hưởng tiêu cực đến việc học tập, phát triển thể chất và tâm lý của trẻ em do tiếp xúc môi trường độc hại nguy hiểm.

Giáo dục đóng vai trò quan trọng trong phòng ngừa lao động trẻ em ảnh 1Hội thảo phòng ngừa giảm thiểu lao động trẻ em và bảo đảm an sinh xã hội trong lộ trình thực hiện Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG 8.7). (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bà Lesley Miller, Phó trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam nhấn mạnh giáo dục bao trùm và có chất lượng cao đóng vai trò rất quan trọng trong phòng, chống lao động trẻ em đồng thời giúp các ẹm có cơ hội học hành để các em có thể phát triển. Bên cạnh đó, vai trò của cán bộ công tác xã hội trong việc kết nối giữa gia đình của trẻ em cũng như những đối tượng cần trợ giúp với các cấp xã, phường, quận, huyện.

Chia sẻ tại hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho biết trong thời gian qua, công tác phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em  luôn được Đảng, Quốc hội, Chính phủ quan tâm đầu tư. Việt Nam đã tham gia, phê chuẩn các điều ước quốc tế nhằm bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ 2 trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em.

Việt Nam cũng đã phê chuẩn Công ước số 182 của ILO về việc cấm và những hành động tức thời để loại bỏ những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất, Công ước số 138 của ILO về tuổi tối thiểu làm việc. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 782/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em trái quy định pháp luật giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Đặc biệt, trong đại dịch COVID-19 vừa qua, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã tham mưu ban hành và triển khai nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ khẩn cấp trước mắt cũng như lâu dài cho trẻ em bị nhiễm COVID-19, trẻ em mồ côi do COVID-19...

Bà Ingrid Christensen, Giám đốc ILO Việt Nam đánh giá cao sự điều phối và phối hợp nhịp nhàng của các cơ quan liên quan, bộ, ngành của Việt Nam và các tổ chức quốc tế đã đóng góp một phần quan trọng trong thực hiện những Mục tiêu của SDG 8.7. Bà Ingrid Christensen cho rằng an sinh xã hội đóng vai trò quan trọng, đặc biệt là sau những tác động của COVID-19 đối với những nhóm dễ bị tổn thương nhất trong xã hội, với những gia đình đang phải đối mặt với cú sốc về kinh tế.

“Việc xây dựng và thực hiện các gói an sinh xã hội đối với các hộ gia đình, chúng ta có thể giúp cho nhiều gia đình và nhiều trẻ em sẽ được giúp đỡ để không trở thành lao động trẻ em. Hy vọng trẻ em sẽ được tạo điều kiện tốt nhất để được đến trường, được học hành đầy đủ vì điều này trước hết mang lại lợi ích cho các em và cả xã hội trong tương lai,” bà Ingrid Christensen nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục