Ủy viên phụ trách lĩnh vực công nghiệp của Liên minh châu Âu (EU), ông Thierry Breton, cho biết EU sẽ áp đặt các quy định mới liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm giải quyết những lo ngại về rủi ro của công cụ chatbot nổi tiếng ChatGPT và đảm bảo người dùng ở châu Âu có thể tin tưởng công nghệ AI.
Đây là bình luận đầu tiên của một quan chức cấp cao EU đưa ra trong bối cảnh lo ngại về công cụ chatbot ChatGPT do OpenAI phát triển.
GPT (Generative Pre-training Transformer) là một mạng lưới thần kinh AI (ANNs) được đào tạo trên khối lượng lớn văn bản trực tuyến để tạo ra các phản hồi tự nhiên, giống con người.
Do đó, nó có thể trả lời các câu hỏi phức tạp, viết truyện cười, viết mã máy tính, viết bài luận cấp đại học, giải thích các khái niệm khoa học ở nhiều cấp độ. ChatGPT hiện được phát hành miễn phí.
Tuy nhiên, công cụ này cũng đặt ra nhiều vấn đề về nguy cơ thông tin sai lệch và gian lận về học vấn.
Ủy viên châu Âu Breton cho rằng những rủi ro do ChatGPT gây ra đã nhấn mạnh sự cần thiết phải áp đặt các quy định về công nghệ AI mà ông đã đề xuất vào năm ngoái để thiết lập một tiêu chuẩn toàn cầu.
Ông nhấn mạnh các giải pháp công nghệ AI có thể mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng, nhưng cũng có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Do đó, quan chức này kêu gọi đưa ra một khung pháp lý vững chắc để đảm bảo ChatGPT đáng tin cậy.
Theo nghiên cứu của UBS, số người dùng công cụ ChatGPT đã cán mốc 100 triệu người/tháng, chỉ 2 tháng sau khi phần mềm AI này được ra mắt, khiến đây trở thành ứng dụng cho người dùng phát triển nhanh nhất trong lịch sử.
Nghiên cứu của UBS dẫn số liệu của công ty phân tích Similar Web cho biết khoảng 13 triệu người đã dùng ChatGPT mỗi ngày trong tháng 1, gấp đôi so với tháng 12/2022.
Thống kê của Sensor Tower cho thấy nền tảng chia sẻ video ngắn TikTok cần 9 tháng sau khi phát hành toàn cầu để đạt 100 triệu người dùng, trong khi Instagram mất tới 2,5 năm, còn ứng dụng dịch Google Translate là 6,5 năm. Trong khi đó, ChatGPT chỉ mất 2 tháng và chưa ra mắt trên phạm vi toàn cầu.
“Trong 20 năm theo dõi sự phát triển của Internet, chúng tôi chưa ghi nhận một phần mềm nào có tốc độ phát triển người dùng nhanh như vậy,” các nhà phân tích của UBS cho hay.
[Ra mắt 2 tháng, ChatGPT khuynh đảo thế giới với 100 triệu người dùng]
Ngày 2/2, OpenAI tung ra gói đăng ký 20 USD/tháng cho phiên bản ChatGPT Plus, cung cấp cho người dùng dịch vụ ổn định hơn, nhanh hơn cùng các tính năng tiên tiến so với bản miễn phí.
Các nhà phân tích tin rằng ChatGPT sẽ giúp OpenAI giành được lợi thế đi đầu trước những công ty phát triển AI khác.
OpenAI cho biết mô hình ChatGPT được đào tạo bằng kỹ thuật máy học có tên là ‘Học tăng cường từ phản hồi của con người’ (Reinforcement Learning from Human Feedback - RLHF).
Hệ thống này được thiết kế để cung cấp thông tin và trả lời các câu hỏi thông qua giao diện đàm thoại.
Theo OpenAI, ChatGPT có thể “mô phỏng đối thoại, trả lời các câu hỏi theo mạch, thừa nhận sai lầm, phản đối các cơ sở không chính xác và từ chối các yêu cầu không phù hợp.”
Tuy nhiên, tương tự nhiều phần mềm trí tuệ nhân tạo khác, ChatGPT cũng vấp phải nhiều ý kiến trái chiều sau khi ra mắt.
Quan ngại về mặt đạo đức là vấn đề chung của nhiều chuyên gia đề cập khi nhắc đến ứng dụng chatbot của OpenAI.
Công nghệ AI có thể khiến kéo dài các thành kiến xã hội như phân biệt chủng tộc, giới tính và văn hóa…
Các “đại gia công nghệ” bao gồm Google và Amazon trước đây đã thừa nhận rằng một số dự án thử nghiệm với AI của họ là “rắc rối về mặt đạo đức” và có những hạn chế.
Tại một số công ty, con người đã phải can thiệp và khắc phục sự tàn phá về mặt đạo đức của AI.
Các chuyên gia cho rằng một nguồn tạo ra thông tin cũng có thể tạo ra thông tin sai lệch. Máy móc được lập trình bởi con người và có thể trở thành phương tiện phản ánh những định kiến của họ./.