Giới chuyên gia tại Anh nhận định về nguy cơ tái nhiễm Omicron

Thống kê cho thấy trước tháng 11/2021, Anh chỉ ghi nhận chưa đầy 1% số ca tái nhiễm, tuy nhiên, điều này đã trở nên phổ biến hơn sau khi biến thể Omicron xuất hiện vào cuối tháng 11/2021.
Giới chuyên gia tại Anh nhận định về nguy cơ tái nhiễm Omicron ảnh 1Người dân lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại điểm xét nghiệm ở London, Anh ngày 13/4/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong thời kỳ đầu đại dịch COVID-19 bùng phát, rất hiếm khi nghe thấy có ai đó mắc bệnh lần thứ hai.

Thống kê cho thấy trước tháng 11/2021, Anh chỉ ghi nhận chưa đầy 1% số ca tái nhiễm.

Tuy nhiên, điều này đã trở nên phổ biến hơn sau khi biến thể Omicron xuất hiện vào cuối tháng 11/2021.

Số ca tái nhiễm trong năm nay tại Anh đã cao hơn khoảng 10 lần so với thời kỳ đầu của đại dịch.

Theo giới chuyên gia, nguyên nhân khiến ngày càng nhiều người mắc lại COVID-19 là do sự xuất hiện của Omicron - biến thể được cho là có khả năng "né tránh" các "hệ thống phòng thủ," vốn được hình thành từ các lần lây nhiễm cũ. Rất may, hầu hết người mắc COVID-19 lần thứ hai ít khi diễn tiến nặng.

[Việc triển khai tiêm vaccine chống biến thể Omicron có thể bị trì hoãn]

Trên thực tế, hầu hết người dân đều có thể mắc virus chủng corona, trong đó có những chủng gây cảm lạnh thông thường mà bất kỳ ai cũng có thể mắc phải nhiều lần trong đời. Biến thể Omicron được cho là nguyên nhân chính đẩy số ca nhiễm tại Anh trở lại mức cao kỷ lục.

Dữ liệu cho thấy hầu hết các ca tái nhiễm là những người trẻ tuổi, chưa tiêm vaccine.

Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy việc nhiễm Omicron và tiêm vaccine sẽ giúp cơ thể có sự chuẩn bị tốt hơn chống lại nguy cơ lây nhiễm mới.

Do đó, tại Anh, kể từ đầu năm nay, khoảng 4,5 triệu người đã tiêm mũi tăng cường, trong khi 2 triệu người khác đã tiêm mũi tăng cường thứ hai (mũi vaccine thứ tư). Ước tính hàng chục triệu người đã có sự bảo vệ sau làn sóng lây nhiễm gần đây.

Theo Giáo sư miễn dịch học Eleanor Riley, ngay cả khi có kết quả xét nghiệm dương tính lần nữa, điều này cũng "không giống với khi mắc COVID-19", mà đơn thuần chỉ là "virus khu trú trong mũi và họng của bạn."

"Hàng rào" bảo vệ nhờ tiêm chủng và việc từng lây nhiễm trước đó đã giúp ngăn virus xâm nhập sâu vào cơ thể, gây ra những tổn thương nghiêm trọng.

Do đó, nếu một người tái nhiễm mà vẫn cảm thấy khỏe mạnh, điều họ cần quan tâm chính là liệu họ có lây bệnh cho một ai đó dễ bị tổn thương hay không.

Việc nhiễm virus SARS-CoV-2 vẫn có thể khiến một số người phải nhập viện, đặc biệt là những người có hệ miễn dịch yếu hoặc có bệnh lý nền.

Văn phòng Thống kê quốc gia Anh cho biết cứ 16 người thì có một người mắc COVID-19 trong tuần kết thúc vào ngày 19/3. Dù số ca mắc mới cao kỷ lục, song số người nhập viện lại thấp hơn hồi tháng Một.

Chính phủ Anh hy vọng việc triển khai tiêm mũi tăng cường vaccine vào mùa Xuân sẽ giúp tăng cường khả năng miễn dịch cho những người dễ bị tổn thương nhất và khiến Omicron không diễn tiến nặng hơn, dù cho người dân có thể nhiễm 1 hay 2 lần./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục