Chim bồ câu bạc tỉ

Giới nhà giàu Trung Quốc chơi chim bồ câu bạc tỉ

Giới nhà giàu Trung Quốc sẵn sàng bỏ ra từ vài chục tới vài trăm ngàn euro để mua những chú chim bồ câu đua nổi tiếng từ Bỉ.
Những người giàu có sành chơi chim bồ câu Trung Quốc đang đưa ra mức giá hàng chục ngàn euro  (tương đương với hàng tỷ đồng Việt Nam) để mua những chú bồ câu vô địch của Bỉ, trong khi những người yêu chim bồ câu địa phương không thể cạnh tranh với mức giá "trên trời" này.

Nuôi chim bồ câu là một niềm đam mê có từ lâu đời của người Trung Quốc, mặc dù tại đất nước này không hay diễn ra cuộc đua chim bồ câu đường dài như ở Bắc Âu.

Tại Bỉ, Hà Lan, miền Bắc nước Pháp và ở Anh, các cuộc đua chim bồ câu có thể diễn ra trên khoảng cách hơn 1.000km. Các chú chim ganh đua nhau bay càng nhanh càng tốt để trở về chuồng. Bản năng của loài chim thông minh này giúp chúng tìm đường.

Những chú chim bồ câu vô địch có thể mang lại khoản tiền thưởng lớn cho chủ của chúng.

Tại Bỉ, việc nuôi chim bồ câu làm cảnh đã giảm mạnh trong những năm gần đây, nhưng sự xuất hiện của những người thích chơi chim đến từ Trung Quốc đã làm cho thị trường trở nên sôi động.

Đua chim bồ câu có ở Trung Quốc từ triều nhà Minh, khi chim bồ câu được sử dụng để đưa thư. Bị cấm trong cuộc Cách mạng Văn hóa, các cuộc đua chim bồ câu đã xuất hiện trở lại trong những năm 70 của thế kỷ 20.

Theo truyền thông Trung Quốc, khoảng 300.000 người dân tham gia môn thể thao này.

Vào cuối tháng Giêng, một nhà công nghiệp giàu có của Trung Quốc là Hun Zhen Yu đến châu Âu và trả 250.000 euro (328.000 USD) cho chú chim có tên là "Special Blue", một mức giá kỷ lục cho chú chim vô địch.

Theo trang web chuyên về chim bồ câu, có tên là Thiên đường chim bồ câu (Pigeon Paradise - PIPA), trong vài năm, người nuôi chú chim này, Pieter Veenstra ở Hà Lan, đã bán được 245 chú chim bồ câu, kiếm được hơn 2.000.000 euro, trong đó một nửa số khách hàng đến từ Trung Quốc.

Những người Trung Quốc giàu có sành nuôi chim bồ câu sẽ phải trả số tiền rất lớn "nếu chú chim bồ câu đã giành được nhiều giải thưởng và có giống tốt," Nikolaas Gyselbrecht, người đứng đầu của PIPA, nói bên lề Hội chợ chim bồ câu thế giới lần thứ 2, diễn ra tại Kortrijk, Bỉ.

"Tôi nghĩ rằng Bỉ là vương quốc của chim bồ câu đưa thư", Johnson Kiang đến từ Đài Loan, một vị khách tham quan hội chợ nói.

Nhưng không phải ai cũng hài lòng với sự lấn át của người Trung Quốc.

"Tôi thấy quá đắt. 200.000 euro, đó không phải là một mức giá bình thường", ông Marcel Candenir, người tham dự hội chợ, đến từ Lille ở miền bắc nước Pháp, nói.

"Thật ngớ ngẩn, nó hủy hoại môn thể thao này, làm sao mà một người trẻ tuổi có thể tham gia được?" Gilles Vanneuville, người Pháp đặt câu hỏi.

Willy Anquinet, 75 tuổi, đến từ ngôi làng của Gooik, gần Brussels, cảm thấy mình là nạn nhân của cơn sốt này.

Trong đầu tháng Hai, một trong con chim vô địch của ông, tên là "Black" - đã bị bắt trộm.

"Tôi đã được đề nghị bán với giá 15.000 euro (19.600 USD), nhưng tôi đòi 20.000 euro để có thể mua một chiếc xe mới," ông nói.

Vài ngày sau chuyến thăm của những vị khách hàng tương lai này, "khóa cửa chuồng chim bồ câu đã bị phá".

"Họ đã đánh cắp chú chim "Black" và đã cố gắng để lấy thêm một chú chim nữa, nhưng chưa lấy được và làm gãy 1 cánh của nó, ông nói một cách buồn rầu vì mất cả hai chú chim vô địch, và vết thương sẽ buộc chú chim thứ hai phải "nghỉ hưu" sớm.

Marc De Cock, người có 600 chú chim bồ câu sống ở Temse, miền Bắc nước Bỉ, đã đầu tư hệ thống khóa an toàn cho những chú chim của mình, trong đó có con trị giá 100.000 euro.

Những chú chim này được quan sát bởi 15 camera ghi hình, có vòi hoa sen và nhà tắm nắng riêng, và được đối xử như những nhà vô địch thể thao hàng đầu.

De Cock đang muốn bán những chú chim của mình cho các khách hàng châu Á.

"Người Trung Quốc coi trọng thanh thế. Kể cả nếu họ không mua chim bồ câu để nuôi hay để đua, họ cũng muốn mua một chim bồ câu nổi tiếng giống như một nhà sưu tập tranh sẽ muốn mua tranh của họa sỹ Rubens hay của Rembrandt," Cock nói./.

 
N.A (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục