Giúp doanh nghiệp thích ứng với bối cảnh mới về chuyển đổi số

Mục tiêu của chương trình là tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tiếp cận sớm nhất các gói giải phá chuyển đổi số với chi phí phù hợp, qua đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh.

Chuyển đổi số không còn là trào lưu mà đã trở thành con đường tất yếu giúp doanh nghiệp cải thiện hiệu quả quản trị và hoạt động kinh doanh trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trở thành nền tảng chung cho mọi hoạt động kinh tế-xã hội.

Đây là nhận định của các chuyên gia tại Lễ công bố chương trình chuyển đổi số của Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh do Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (HUBA) tổ chức, ngày 24/9.

Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch HUBA cho biết chương trình chuyển đổi số của hiệp hội doanh nghiệp là một phần trong chương trình chuyển đổi số của Thành phố Hồ Chí Minh với các hoạt động chính gồm thành lập ban chuyên trách chuyển đổi số trực thuộc HUBA, thành lập trung tâm đào tạo chuyển đổi số cho doanh nghiệp, xây dựng cổng thông tin tiếp nhận đa kênh hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số và xây dựng các gói giải pháp chuyển đổi số.

Mục tiêu của chương trình là tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tiếp cận sớm nhất các gói giải phá chuyển đổi số với chi phí phù hợp, qua đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh.

Theo ông Chu Tiến Dũng, chuyển đổi số hiện nay không còn là trào lưu theo kiểu “thích thì làm, không thích thì thôi” mà đã trở thành giải pháp tất yếu giúp doanh nghiệp thích ứng với bối cảnh mới về công nghệ, thị trường, thị hiếu khách hàng.

Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam nói chung, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, lợi ích của chuyển đổi số cũng như sự phát triển của nền kinh tế số dẫn đến tâm lý e ngại, né tránh.

[Các doanh nghiệp vẫn còn thờ ơ với việc chuyển đổi số]

“Trong bối cảnh đó, nhiệm vụ của HUBA là đồng hành và kết nối các nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, bắt đầu từ nhận thức, thay đổi tư duy về chuyển đổi số đến tư vấn, giới thiệu các giải pháp chuyển đổi phù hợp.

Chuyển đổi số trong doanh nghiệp bao gồm rất nhiều mức độ, giai đoạn nhưng chìa khóa thành công là chủ doanh nghiệp phải chủ động, quyết tâm và kiên trì với mục tiêu,” ông Chu Tiến Dũng nhấn mạnh.

Bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh cũng khẳng định chuyển đổi số là việc làm quyết định sự sống còn của doanh nghiệp trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển với tốc độ như vũ bão hiện nay.

Thành phố Hồ Chí Minh xác định kinh tế số là một bộ phận quan trọng cấu thành nền kinh tế của thành phố trong tương lai với mục tiêu năm 2025 kinh tế số đóng góp 25% GRDP và đến năm 2030 sẽ đóng góp 40% GRDP toàn thành phố.

Theo bà Võ Thị Trung Trinh, chuyển đổi số sẽ giúp gia tăng giá trị cho doanh nghiệp, từ có gia tăng năng lực cạnh tranh trên nhiều góc độ. Khác với nhận định đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, kỹ thuật sẽ dẫn đến cắt giảm việc làm cho người lao động, trên thực tế nền kinh tế số đang tạo ra nhiều việc làm mới và tăng thu nhập đáng kể cho lao động trong nền kinh tế đó.

Để hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh chuyển đổi số và từng bước xây dựng nền kinh tế số, Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang xây dựng các nền tảng như trung tâm dữ liệu dùng chung, chính quyền điện tử, đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4…

Giúp doanh nghiệp thích ứng với bối cảnh mới về chuyển đổi số ảnh 1Các chuyên gia chia sẻ về chuyển đổi số trong doanh nghiệp tại chương trình. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)

Chia sẻ về các rào cản chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhỏ và vừa, ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Tin học Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng tâm lý chung của các doanh nghiệp là sợ tốn chi phí, thiếu nguồn lực con người và lo ngại về tính an toàn, bảo mật thông tin.

Tuy nhiên, với các doanh nghiệp nhỏ, thậm chí là doanh nghiệp khởi nghiệp việc ứng dụng số hóa sẽ đơn giản, gọn lẹ và đạt được hiệu quả nhanh hơn. Trong khi các doanh nghiệp quy mô lớn bắt buộc phải số hóa từng phần, chia làm nhiều giai đoạn khác nhau rất phức tạp.

Về chi phí, theo chương trình chuyển đổi số của HUBA, Hội Tin học thành phố sẽ dành khoảng 4 tỷ đồng hỗ trợ cho khoảng 300 doanh nghiệp nhỏ và vừa đăng ký chuyển đổi số, đồng thời tổ chức các chương trình tư vấn, tập huấn hướng dẫn doanh nghiệp lựa chọn các giải pháp chuyển đổi số phù hợp.

Các chuyên gia cho rằng, để chuyển đổi số hiệu quả, doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn hai nguồn lực là nhân sự và giải pháp. Đối với yếu tố nhân sự, người đứng đầu doanh nghiệp có vai trò quyết định, truyền tải quyết tâm và mục tiêu đến từng nhân viên; đội ngũ những người thực hiện chuyển đổi số cho doanh nghiệp phải nắm rõ và làm chủ quy trình, có khả năng vận hành doanh nghiệp trên nền tảng số được cải tiến liên tục.

Trong khi đó, về giải pháp, doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược, lộ trình chuyển đổi cụ thể. Việc lựa chọn đối tác thực hiện chuyển đổi số cần được thẩm định kỹ về năng lực, khả năng đồng hành lâu dài và phù hợp với năng lực của doanh nghiệp mới có thể đảm bảo quá trình chuyển đổi số thuận lợi và hiệu quả./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục