Góc nhìn khác về Tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của ASEAN?

Triển vọng củng cố một khu vực lấy ASEAN làm trung tâm, như được đề ra trong Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP), cũng đang bị hoài nghi.
Góc nhìn khác về Tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của ASEAN? ảnh 1Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường phát biểu tại Hội nghị cấp cao ASEAN-Trung Quốc lần thứ 24. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Theo trang mạng eastasiaforum.org, các nhà phân tích vẫn băn khoăn về cam kết của Campuchia nhằm "tăng cường vai trò trung tâm của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)" khi nước này giữ ghế Chủ tịch luân phiên năm 2022.

Triển vọng củng cố một khu vực lấy ASEAN làm trung tâm, như được đề ra trong Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP), cũng đang bị hoài nghi.

Đúng là AOIP còn nhiều thiếu sót, bao gồm cả việc thiếu chính sách có thể hành động. Nó cũng dựa trên một tiền đề thiếu sót rằng các nền tảng hiện có do ASEAN dẫn dắt đủ để ổn định các căng thẳng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Và khi các mâu thuẫn địa chính trị tiếp tục gia tăng, tài liệu này vẫn còn mơ hồ và không có khuôn khổ chi tiết để kết nối các tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương khác nhau của các đối tác ASEAN. Tài liệu dài 5 trang này không đề ra một lộ trình thực hiện, khiến nó chỉ như một tuyên bố đầy khát vọng.

Tuy nhiên, phần lớn những lời chỉ trích AOIP dựa trên những giả định không chính xác về cách thức hoạt động của ASEAN. Như nhà ngoại giao kỳ cựu người Singapore Bilahari Kausikan đã nói: "Việc chỉ trích một con bò vì không thể là một con ngựa hoàn hảo là điều hoàn toàn vô ích." Nếu không công nhận phương thức hoạt động của ASEAN, một số người có thể bỏ qua những gì mà ASEAN có thể làm thông qua tài liệu này.

AOIP không bao giờ được coi là một chiến lược, chứ đừng nói đến việc được coi là một hiệp ước. Tài liệu này tuân theo truyền thống của ASEAN là tối đa khả năng hành động của các nước thành viên bằng cách kiềm chế không sử dụng sức mạnh cứng hay thực thi các thỏa thuận có tính ràng buộc. Các thành viên nội khối có thể xây dựng sự đồng thuận bằng cách đạt được nhất trí về các lĩnh vực hợp tác ít gây tranh cãi, trong khi vẫn để lại không gian thích hợp để họ theo đuổi các lợi ích riêng của mình.

[Chuyên gia Campuchia nhận định về quan hệ ASEAN-Trung Quốc]

Thay vì xây dựng một chiến lược an ninh chính thức, sức mạnh của ASEAN từ lâu đã nằm ở các biện pháp xây dựng chuẩn mực và xây dựng lòng tin. Chưa tính đến các kết quả chiến lược, những thành công của AOIP được thể hiện rõ ràng trong diễn đàn thảo luận và các cuộc đàm phán mà ở đó ASEAN có vai trò vượt trội một cách tự nhiên.

Khanisa Krisman, nhà nghiên cứu của Cơ quan Nghiên cứu và Đổi mới Quốc gia của Indonesia, cho rằng ASEAN đã thể hiện vai trò trung tâm của mình khi có thể để "tiếp thu các tư tưởng quan điểm khác nhau về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương" và biến chúng thành của mình.

ASEAN đã nâng cao uy tín của mình bằng cách dẫn dắt các cuộc đàm phán có sự tham gia của các đối tác đang cạnh tranh với nhau, trong đó có Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vốn sẽ bắt đầu có hiệu lực trong năm 2022. Nếu không có sự trung lập, ASEAN sẽ không thể kết nối Trung Quốc với Australia, Nhật Bản cùng 12 quốc gia châu Á-Thái Bình Dương khác để tạo nên khối thương mại lớn nhất thế giới này.

Và lần đầu tiên, Trung Quốc tán thành khái niệm "Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương" trong một tuyên bố chung nhân dịp kỷ niệm 30 năm đối thoại Trung Quốc-ASEAN. Bắc Kinh tái khẳng định các nguyên tắc của AOIP, công nhận đây là "sáng kiến độc lập" của ASEAN, mang tính "cởi mở và bao trùm." Tài liệu này là một cột mốc quan trọng của ASEAN trong việc làm trung hòa cuộc thảo luận về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, cân nhắc phản ứng trước đây của Trung Quốc khi bác bỏ khái niệm này.

Tương tự, 4 năm sau khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump "rút lui" khỏi khu vực, Washington đang thể hiện nỗ lực rõ ràng để quay trở lại khu vực bằng cách thu hút sự tham gia của ASEAN. Mặc dù các bài phát biểu gần đây nhất về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại Jakarta và Kuala Lumpur chỉ thể hiện một sự phát triển ngày càng tăng, nhưng thông điệp rất rõ ràng: Mỹ không thể không cần đến ASEAN.

Theo học giả nổi tiếng người Indonesia Dewi Fortuna Anwar, khi căng thẳng khu vực leo thang, nhu cầu về một nền tảng đối thoại có tính bao trùm càng trở nên cấp thiết hơn để tránh đi tới "điểm bước ngoặt" khiến xung đột nổ ra.

Các thành viên ASEAN cũng không dựa hoàn toàn vào nền tảng ASEAN. Mặc dù việc "đùn đẩy trách nhiệm" là khá rõ ràng trong nhiều trường hợp - khi các thành viên đẩy các quyết định khó khăn sang cho ASEAN, các thành viên đơn lẻ vẫn có thể theo đuổi các chiến lược khác nhau thông qua thể chế lỏng lẻo trong ASEAN và AOIP. Thay vì áp đặt một giới hạn, "thuyết bất khả tri" của ASEAN mang lại cho các thành viên sự thoải mái.

Góc nhìn khác về Tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của ASEAN? ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: AP)

Mặc dù AOIP tránh đặt trọng tâm vào vấn đề an ninh, song một số thành viên vẫn đang tăng cường các thỏa thuận quốc phòng của họ, chẳng hạn như việc Philippines khôi phục Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng với Mỹ và mối quan hệ quốc phòng ngày càng nồng ấm của Indonesia với các quốc gia Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương quan trọng, bao gồm Mỹ, Ấn Độ và Pháp.

Sẽ là sai lầm khi cho rằng các quốc gia thành viên riêng lẻ có cùng nhận thức về mối đe dọa liên quan đến Trung Quốc. Với lịch sử thuộc địa và bị can thiệp, ASEAN coi Bắc Kinh và Washington đều không đáng tin cậy như nhau. Điều này có nghĩa là việc bảo vệ quyền tự chủ vẫn là mục tiêu cuối cùng.

Bằng cách giữ thái độ trung lập, ASEAN đã có thể thu được lợi ích từ cả nền kinh tế khổng lồ của Trung Quốc và mạng lưới an ninh của Mỹ, trong khi vẫn giữ khoảng cách như nhau đối với cả hai nước này.

ASEAN vẫn cần có biện pháp răn đe hiệu quả đối với Trung Quốc, tuy nhiên mức độ nhận thức về nhu cầu này giữa các thành viên ASEAN rất khác nhau. Sự khác biệt trong nhận thức về Trung Quốc và các cơ chế nhằm chống lại Trung Quốc - chẳng hạn như Nhóm Bộ tứ và thỏa thuận an ninh ba bên AUKUS - không thể dung hòa hoàn toàn với nhau để đạt được đồng thuận, do đó AOIP đã bỏ qua chúng và thay vào đó tập trung vào các lĩnh vực dễ chịu hơn, lĩnh vực mà mọi người có thể cùng đạt được nhất trí.

Những bước phát triển gần đây cho thấy "công lao" của AOIP trong việc duy trì khả năng hành động của ASEAN và vai trò của ASEAN trong khu vực. Tài liệu này vẫn là một nền tảng mà các cường quốc ngoài khu vực không thể bỏ qua để đảm bảo lợi ích của họ.

Tuy nhiên, mặc dù AOIP đã đi theo hướng tích cực, song các quốc gia thành viên cũng nên đầu tư vào các lựa chọn ngoài ASEAN để tăng cường quyền tự chủ của mình.

Với những hạn chế nhất định, AOIP chỉ có thể được đo lường tốt nhất bằng khả năng của ASEAN trong việc thúc đẩy tính toàn diện, xây dựng lòng tin và tối đa hóa khả năng hành động của các thành viên. Đầu tư vào các mối quan hệ song phương hoặc đa phương khác cũng quan trọng không kém để đạt được nhiều kết quả chiến lược hơn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục