Ủy ban Đại dương Thế giới (GOC) vừa công bố đề nghị gồm tám điểm để phục hồi và bảo vệ "sức khỏe" của các đại dương.
Theo đề nghị, một kế hoạch hành động cụ thể phải được hoạch định trong vòng 5 năm tới và để đạt được mục tiêu này, cộng đồng quốc tế phải đạt được một hiệp ước mới trong khuôn khổ Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS).
Báo cáo của GOC nhan đề "Từ suy thoái đến phục hồi: một kế hoạch cứu nguy các đại dương" đưa ra các biện pháp then chốt như giảm sử dụng đồ nhựa, giới hạn đánh cá ở các vùng biển quốc tế và xây dựng các quy định chặt chẽ đối với việc khai thác dầu khí ở các vùng ven biển.
Theo ông Jose Maria Figueres, Chủ tịch GOC, các đại dương chiếm 70% diện tích Trái Đất, cung cấp 50% khí oxy, giữ lại đến 25% khí thải carbon (CO2) và cung cấp nguồn thực phẩm quan trọng của nhân loại.
Người đứng đầu GOC cảnh báo nếu không loại trừ được khả năng các đại dương bị suy thoái trong vòng 5 năm nữa, cộng đồng quốc tế sẽ phải tính đến việc cấm toàn bộ hoạt động kinh tế tại các vùng biển xa (tức vùng biển quốc tế) cho đến khi "sức khỏe" của hệ thống sinh thái này được khôi phục.
Trước mắt, GOC nhấn mạnh đến sự cần thiết đặt ra các giới hạn đối với việc trợ cấp cho nghề cá của chính phủ các nước ở các vùng biển quốc tế. Đối tượng đặc biệt của các biện pháp này là 10 quốc gia đứng đầu trong ngành đánh cá, như Mỹ, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản và Trung Quốc.
Báo cáo của GOC khẳng định "khoảng 60% số tiền trợ cấp đã được dùng để phát triển các hoạt động đánh cá có hại cho môi sinh, và nếu không có các trợ giúp công này, đánh cá ở biển xa sẽ không có lãi."
Khoảng 64% diện tích bề mặt đại dương và một nửa số tài nguyên hiện không do bất cứ nhà nước nào quản lý. Theo GOC, sự thiếu các quy định pháp lý tại các vùng biển quốc tế đặt ra một thách thức hết sức lớn và đòi hỏi các nước phải đạt được một hiệp ước mới trong khuôn khổ UNCLOS, trong đó lấy sức khỏe của các đại dương, cũng như việc bảo vệ các vùng biển quốc tế, chống lại việc khai thác quá mức các tài nguyên, làm ưu tiên.
Trước đó, ngày 17/6 vừa qua, tại Hội nghị quốc tế về bảo vệ các đại dương, Mỹ cam kết sẽ có các biện pháp "lịch sử" để trừng phạt việc đánh bắt cá trái phép và thiết lập một khu bảo tồn biển lớn nhất hành tinh tại Thái Bình Dương.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho hay khoảng 2 triệu km2 biển sẽ nằm trong khu bảo tồn này. Ông Kerry cũng cam kết tất cả hải sản bán tại Mỹ đều sẽ "được đánh dấu" để chống nạn đánh bắt cá bất hợp pháp.
Theo Hiệp hội sinh thái The Pew Charitable Trusts ở Mỹ, hiện có khoảng 20% lượng cá bảo vệ bị đánh bắt trái phép, tương đương 26 triệu tấn/năm./.