Hà Nội “chốt” phương án đổi giờ học và làm việc

Hà Nội đã "chốt" phương án đổi giờ học, làm việc và trực tiếp trình Chính phủ thay vì gửi Bộ Giao thông Vận tải như dự kiến ban đầu.

Thường trực thành ủy Thành phố Hà Nội đã họp và thống nhất phương án đổi giờ học, giờ làm. Theo đó, những ngày tới Hà Nội sẽ ra dự thảo và trực tiếp trình Chính phủ thay vì gửi Bộ Giao thông Vận tải như dự kiến ban đầu.

Thông tin này được văn phòng Thành ủy Hà Nội đưa ra vào chiều qua (31/10).

Theo đại diện Thành ủy Hà Nội, nếu được Thủ tướng phê duyệt thì việc đổi giờ học, làm việc này sẽ được triển khai từ 1/12/2011 hoặc ngày 1/1/2012.

Cụ thể, đề xuất đổi giờ học, giờ làm vừa được Thành ủy Hà Nội thông qua có 3 nhóm đối tượng chính được đề cập bao gồm: Học sinh, sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp - dạy nghề và học sinh các trường phổ thông Trung học (nhóm 1); Các trung tâm thương mại, cơ quan dịch vụ, tài chính ngân hàng (nhóm 2); Các đối tượng công chức, viên chức, học sinh các trường Mần non, Tiểu học, Trung học cơ sở... (nhóm 3).

Thời gian làm việc, học tập sẽ được đổi cụ thể: Với nhóm 1, thời gian vào lớp 7 giờ, thời gian tan trường 18 giờ; nhóm 2, thời gian mở cửa sau 9 giờ, thời gian đóng cửa sau 19 giờ tối; nhóm 3 thời gian làm việc và học tập giữ nguyên khung giờ như hiện tại, sáng làm việc từ 8 giờ, chiều tan 5 giờ.

Theo đơn vị soạn thảo, việc giữ nguyên khung giờ làm việc đối với công chức, viên chức các đơn vị Trung ương và địa phương, học sinh mầm non, tiểu học và trung học cơ sở giúp cho việc đưa đón, quản lý, chăm sóc con em của phụ huynh được thuận lợi, không gây ảnh hưởng, xáo trộn trong đời sống hàng ngày.

Ngoài ra, căn cứ vào điều kiện của từng trường, đơn vị soạn thảo cũng yêu cầu Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội điều chỉnh cục bộ giờ vào học, tan học của từng trường ở từng khu vực để đảm bảo ít ảnh hưởng đến học sinh, phụ huynh.

Bên cạnh đó, Công an thành phố, Sở Giao thông Vận tải và Ủy ban Nhân dân các quận, huyện có phương án đảm bảo giao thông tại khu vực các trường học.

Cùng với phương án trên, đề xuất cũng đưa ra phương án điều chỉnh giờ, tuần suất hoạt động của nhiều tuyến buýt.

Cụ thể, khung giờ cao điểm khi thực hiện việc đổi giờ sẽ được kéo dài thêm một giờ so với hiện tại. Mục đích chính để tăng cường khả năng phục vụ các đối tượng tham gia giao thông đồng thời góp phần giải tỏa về lưu lượng phương tiện, nghiên cứu điều chỉnh lưu lượng xe buýt trong giờ cao điểm nhằm giảm mật độ trong khoảng thời gian trong khung giờ cao điểm, sáng từ 6 đến 9 giờ, chiều từ 4 đến 19 giờ./

Việt Hùng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục