Hà Nội đặt mục tiêu GRDP bình quân đầu người hơn 160 triệu đồng trong năm 2024

Năm 2024, UBND thành phố Hà Nội phấn đấu tăng trưởng GRDP 6,5-7%; dịch vụ tăng 6,64-7,23%; công nghiệp tăng 7,00-7,50%; xây dựng tăng 8,00-8,50%; GRDP bình quân đầu người đạt 160,8-162 triệu đồng.

Các đại biểu dự kỳ họp. (Ảnh: Báo Hà Nội Mới)
Các đại biểu dự kỳ họp. (Ảnh: Báo Hà Nội Mới)

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký Quyết định về việc giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán thu, chi ngân sách năm 2024 của thành phố.

Năm 2024, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP ở mức 6,5-7%; dịch vụ tăng 6,64-7,23%; công nghiệp tăng 7,00-7,50%; xây dựng tăng 8,00-8,50%; GRDP bình quân đầu người đạt 160,8-162 triệu đồng; vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn tăng 10,5-11,5%; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 4,0-5,0%; chỉ số giá tiêu dùng thấp hơn 4%; thu ngân sách trên địa bàn đạt 408,5 nghìn tỷ đồng…

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội giao Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã căn cứ mục tiêu, chỉ tiêu thành phố giao và Nghị quyết Hội đồng Nhân dân cùng cấp triển khai giao kế hoạch cho các đơn vị trực thuộc, phường, xã và thị trấn; đảm bảo giao đúng, giao đủ và không thấp hơn các chỉ tiêu thành phố giao; tổ chức thực hiện hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch được giao.

Đôn đốc thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao và tuân thủ chế độ báo cáo định kỳ kết quả hàng tháng, quý, 6 tháng và năm 2024 lên Hệ thống thông tin báo cáo của Ủy ban Nhân dân thành phố và gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp.

Mỗi sở, ban, ngành và Ủy ban Nhân dân quận, huyện, thị xã đề xuất 5 nhiệm vụ trọng tâm (theo thứ tự ưu tiên, có thời gian hoàn thành cụ thể) gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp.

Sở Kế hoạch và Đầu tư căn cứ chỉ đạo của Chính phủ, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân Thành phố, chủ trì tham mưu Ủy ban Nhân dân thành phố ban hành Chương trình hành động triển khai nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước để tổ chức thực hiện hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2024.

Về dự toán thu, chi ngân sách, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố yêu cầu các cấp, ngành, đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm túc nội dung phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi ngân sách theo Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân thành phố; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách và thực hiện nghiêm Chỉ thị số 12/CT- UBND ngày 26/7/2023 của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố về việc chấn chỉnh, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong việc chấp hành pháp luật về tài chính-ngân sách nhà nước.

thue-ha-noi-6906.jpg
Hoạt động nghiệp vụ tại Cục Thuế Hà Nội. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)

Với việc thu ngân sách nhà nước, Cục Thuế, Cục Hải quan thành phố chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, Ủy ban Nhân dân quận, huyện, thị xã tổ chức triển khai thực hiện tốt Luật Ngân sách nhà nước, các luật thuế sửa đổi, bổ sung và nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết Hội đồng Nhân dân thành phố.

Cùng đó, tăng cường quản lý thu ngân sách nhà nước; đôn đốc thu hồi các khoản nợ đọng thuế, giảm tỷ lệ nợ đọng thuế; tiếp tục triển khai thực hiện cải cách thủ tục hành chính về thuế, đẩy mạnh điện tử hóa quản lý thuế; quản lý chặt chẽ đối tượng hoàn thuế đảm bảo đúng quy định của pháp luật; xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, chuyển giá, trốn, lậu thuế, gian lận thuế, lợi dụng chính sách hoàn thuế; thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác vào ngân sách nhà nước.

Sở Tài chính tập trung đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, bảo đảm hiệu quả, chặt chẽ, tránh gây thất thoát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.

Sở Tài nguyên và Môi trường tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về quy trình, thủ tục trong việc giao đất, cho thuê đất, đấu giá quyền sử dụng đất, xác định giá đất, nghĩa vụ tài chính đất đai; khẩn trương tham mưu Ủy ban Nhân dân thành phố ban hành và triển khai thực hiện Đề án khai thác các quỹ đất còn dư địa như quỹ đất phụ cận đường Vành đai 4, quỹ đất dự kiến đối ứng các dự án xây dựng-chuyển giao (BT) nay không đủ điều kiện triển khai theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư...

me-linh-4225.jpg
Hạ tầng khu đất dự kiến đấu giá vào ngày 30/12 tới tại thôn Chu Trần, xã Tiến Thịnh, huyện Mê Linh. (Ảnh: Minh Nghĩa/TTXVN)

Các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể, đơn vị thuộc thành phố và Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã thực hiện nghiêm quy định về đấu giá khi thực hiện chuyển nhượng, cho thuê tài sản công, giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật; thực hiện quản lý, sử dụng và sắp xếp lại, xử lý tài sản công thuộc phạm vi quản lý đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp với tiêu chuẩn, định mức; triển khai thực hiện Đề án quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công của thành phố Hà Nội giai đoạn 2023-2025, định hướng giai đoạn 2026-2030 đảm bảo tiến độ và chất lượng.

Các quận, huyện, thị xã giao dự toán thu ngân sách đảm bảo không thấp hơn dự toán pháp lệnh do Ủy ban Nhân dân thành phố giao; đối với các khoản thu giao cao hơn dự toán thành phố giao thì phải đảm bảo khả thi trong tổ chức thực hiện, nhất là thu tiền sử dụng đất; tránh ảnh hưởng tới cân đối ngân sách và dự toán, kế hoạch vốn cho các dự án, nhiệm vụ chi đã giao dự toán đầu năm.

Về chi ngân sách nhà nước, các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể, đơn vị thuộc thành phố giao dự toán chi ngân sách cho các đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc phải đảm bảo khớp đúng dự toán được thành phố giao cả về tổng mức và chi tiết theo từng lĩnh vực chi; đảm bảo về thời gian theo quy định, đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định; đảm bảo bố trí kinh phí thực hiện các chế độ, chính sách đã được nhà nước ban hành, nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội và những nhiệm vụ được thành phố giao.

Đối với dự án đầu tư sử dụng vốn ngân sách của quận, huyện, thị xã theo phân cấp và vốn hỗ trợ của thành phố, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã phân bổ dự toán chi đầu tư công tập trung, không dàn trải và đảm bảo nguyên tắc bố trí đủ vốn để thanh toán toàn bộ số nợ đọng xây dựng cơ bản theo quy định của pháp luật (nếu có); bố trí đủ vốn cho các dự án đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng trước năm 2024.

Phần vốn còn lại bố trí đủ vốn cho dự án chuyển tiếp phải hoàn thành năm 2024 và dự án chuyển tiếp thực hiện theo tiến độ được phê duyệt; trong đó ưu tiên bố trí vốn cho các dự án có tiến độ giải ngận tốt để hoàn thành dự án; không bố trí dự án khởi công mới nếu chưa bố trí đủ vốn cho thanh toán nợ xây dựng cơ bản, dự án chuyển tiếp theo tiến độ quy định và khả năng thực hiện; cân đối bố trí đủ vốn thực hiện các dự án để đảm bảo thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đã được Hội đồng Nhân dân thành phố quyết nghị.

Đối với các dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách cấp huyện được ngân sách thành phố hỗ trợ thực hiện kế hoạch đầu tư 3 lĩnh vực y tế, giáo dục, di tích (bao gồm các trường trung học phổ thông theo phân cấp), các dự án xử lý nước thải làng nghề, hạ tầng vùng ảnh hưởng bãi rác thải, nghĩa trang tập trung của thành phố, dự án hạ tầng kinh tế, nhà văn hóa thôn thì ngân sách thành phố hỗ trợ kinh phí xây dựng và chi phí thiết bị (nếu có) của dự án.

Về ngân sách thành phố hỗ trợ đầu tư xây dựng trụ sở ban chỉ huy quân sự cấp xã, định mức hỗ trợ các dự án đảm bảo không vượt định mức đã được Ban Thường vụ Thành ủy thống nhất tại Thông báo số 1300-TB/TU ngày 17/8/2023: có 9 huyện, thị xã (Chương Mỹ, Ứng Hòa, Ba Vì, Sơn Tây, Mỹ Đức, Mê Linh, Sóc Sơn, Hoài Đức, Thạch Thất) có mức hỗ trợ 6,5 tỷ đồng/trụ sở gồm chi phí xây dựng, chi phí thiết bị, dự phòng; 3 huyện (Phú Xuyên, Phúc Thọ, Đan Phượng) có mức hỗ trợ 8-14 tỷ đồng/trụ sở gồm chi phí giải phóng mặt bằng, hạ tầng giao thông, xây dựng, thiết bị và các chi phí khác; ngân sách cấp huyện có trách nhiệm cân đối để đảm bảo đủ vốn hoàn thành dự án theo tiến độ yêu cầu, hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025, không được để xảy ra nợ xây dựng cơ bản./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục