Hà Nội: “Điểm mặt” hàng loạt ao, hồ ô nhiễm nguồn nước nặng

Theo nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng, trong số 30 hồ trọng điểm ở Hà Nội được chọn phân tích, có tới 6 hồ ô nhiễm rất nặng, 8 hồ ô nhiễm nặng và 11 hồ có dấu hiệu ô nhiễm.
Hà Nội: “Điểm mặt” hàng loạt ao, hồ ô nhiễm nguồn nước nặng ảnh 1Chất lượng nước Hồ Văn Chương tại quận Đống Đa được xác định ô nhiễm rất nặng. (Ảnh: Trung tâm Nghiên cứu môi trường và cộng đồng cung cấp)

Theo báo cáo nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng, hiện nay, chất lượng nước tại nhiều ao, hồ trên địa bàn Hà Nội đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Trong số 30 hồ trọng điểm được phân tích, có tới 6 hồ ô nhiễm rất nặng, 8 hồ ô nhiễm nặng và 11 hồ có dấu hiệu ô nhiễm bởi các hoạt động của con người như xả trực tiếp nước thải sinh hoạt, rác thải và lấn chiếm lòng ao hồ để nuôi cá, kinh doanh…

Đây là một trong những nội dung chính về hiện trạng ao, hồ trên địa bàn Hà Nội vừa được bà Nguyễn Ngọc Lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng công bố tại buổi lễ ra mắt sách “Báo cáo Hồ Hà Nội” do Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng phối hợp với Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam tổ chức ngày 30/10, tại Hà Nội.

Thông tin thêm về hiện trạng hồ tại Hà Nội, bà Lý cho biết, năm 2015, số lượng ao, hồ Hà Nội đã được kè toàn phần tăng lên và chất lượng vệ sinh ở các bờ hồ khá tốt; trong đó có 82% hồ đã kè toàn phần có bờ được đánh giá là sạch và khá sạch. Tuy nhiên, còn 14% chất lượng nước là bẩn và 4% rất bẩn. Riêng với các ao hồ chỉ kè được một phần và chưa được kè, có đến 80% chất lượng nước bẩn, trong đó có 52% chất lượng nước rất bẩn.

Cụ thể, trong số các ao, hồ bị ô nhiễm và có dấu hiệu ô nhiễm trên địa bàn 6 quận (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Tây Hồ), quận Đống Đa có số lượng ao, hồ có nguồn nước bị ô nhiễm nặng và rất nặng nhiều nhất. Đơn cử như hồ Linh Quang, hồ Kim Liên, hồ Ba Mẫu, hồ Văn Chương, hồ Ao Phủ, hồ Hố Mẻ. Ngoài ra, một số hồ, nước có dấu hiệu ô nhiễm như hồ Đống Đa, ao Hào Nam, hồ Vuông.

Tương tự, quận Ba Đình có 3 hồ ô nhiễm nặng như hồ Bảy Gian, hồ Hữu Tiệp, hồ Giảng Võ. Tại quận Hai Bà Trương, nguồn nước hồ Thiền Quang cũng được xác định ô nhiễm rất nặng; hồ Quỳnh, hồ Cần, hồ cá Bác Hồ nước có dấu hiệu ô nhiễm.

Quận Cầu Giấy có 2 ao, hồ nước bị ô nhiễm nặng là ao đối diện Nghĩa trang Mai Dịch và hồ Trung Kính Thượng. Khu vực ao Cầu, hồ Nghĩa Tân nước có dấu hiệu ô nhiễm. Tại quận Tây Hồ, nguồn nước hồ Tứ Liên cũng được xác định ô nhiễm nặng; ao dốc Bao Bì, ao chùa Phổ Linh và ao Láng, nước có dấu hiệu ô nhiễm.

Hà Nội: “Điểm mặt” hàng loạt ao, hồ ô nhiễm nguồn nước nặng ảnh 2Hồ Thiền Quang đã từng xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt do ô nhiễm nguồn nước. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Về mặt hạ tầng, theo bà Lý, hầu hết các hồ đã dược bờ kè nhằm ngăn chặn sự lấn chiếm lòng hồ và tạo cảnh quan cho khu vực. Hiện chỉ còn 26% số hồ chưa được kè. Tuy nhiên, với những hồ chưa được kè thì có đến hơn 80% hành lang bờ bị ô nhiễm nghiêm trọng.

“Theo nghiên cứu, những hồ chưa được kè nói đến ở trên đang đứng trước nguy cơ bị lấn chiếm để xây nhà, bãi đỗ xe, trở thành bãi tập kết rác, phế liệu, nơi chứa rác sinh hoạt, thậm chí biến thành nơi phơi đồ…, qua đó tạo nên cảnh quan không đẹp,” bà Lý nói.

Vị chuyên gia này cũng lưu ý, trong số những ao, hồ đã được kè, hoặc chỉ kè một phần hiện nay vẫn bị người dân lấn chiếm để làm hàng ăn, quán nước, qua đó xả nước thải xuống ao, hồ, điển hình như khu vực hồ Láng Thượng - nằm trên phố Chùa Láng, quận Đống Đa.

“Hiện tượng này người dân tự lấn chiếm đang là vấn đề nổi cộm, dù các phương tiện truyền thông đã phản ánh rất nhiều, nhưng đến nay vẫn chưa chấm dứt,” bà Lý nhấn mạnh.

Trước thực tế nêu trên, bà Lý kiến nghị, để bảo vệ tốt Hồ Hà Nội, mỗi hồ cần được xác định khoanh vùng cụ thể diện tích mặt nước và diện tích khu vực quanh bờ. Chức năng nuôi cá vì mục đích kinh tế cần phải loại bỏ hoàn toàn. Thêm vào đó, cần một cơ quan chủ quản quản lý Hồ Hà Nội độc lập, chịu trách nhiệm quản lý chung về từng hồ theo khoanh vùng trên...

Đại diện cho thành phố Hà Nội, bà Ngô Thị Hồng Khánh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội cũng khẳng định, “Báo cáo Hồ Hà Nội” đã đánh giá sát thực về hiện trạng ô nhiễm, cũng như  sự xuống cấp cảnh quan của các hồ trên địa bàn. Chính vì thế, việc công bố “Báo cáo Hồ Hà Nội” sẽ là cơ sở, để các đơn vị chức năng liên quan có kế hoạch quản lý và bảo vệ ao, hồ tốt hơn trong thời gian tới./.

Theo nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng, từ năm 2010-2015, trên địa bàn Hà Nội đã có 17 hồ bị san lấp hoàn toàn và 7 hồ mới được bổ sung. Như vậy, tổng số ao, hồ Hà Nội hiện nay là 112 hồ, giảm 10 hồ so với năm 2010.

Về diện tích nước mặt hồ năm 2015 là gần 7.000.000m2, giảm 72.540m2 so với năm 2010. Đặc biệt, nhiều hồ hiện nay vẫn được sử dụng cho mục đích khai thác kinh tế bằng việc nuôi cá, hoặc trồng rau…
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục