Hà Nội ghi nhận thêm một trường hợp tử vong do sốt xuất huyết

Từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn Hà Nội ghi nhận 23.314 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 4 ca tử vong. Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 572/579 xã, phường, thị trấn.
Hà Nội ghi nhận thêm một trường hợp tử vong do sốt xuất huyết ảnh 1Một trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết. (Ảnh: Minh Quyết/Vietnam+)

Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 13 đến 20/10), trên địa bàn Thành phố ghi nhận 2.766 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 30 quận, huyện, thị xã (tăng 165 ca so với tuần trước đó), đáng lưu ý khi trong đó có 1 trường hợp đã tử vong.

Trường hợp tử vong là một nữ bệnh nhân 78 tuổi (ở huyện Đan Phượng) mắc sốt xuất huyết trên nền nhiều bệnh mạn tính như: Tăng huyết áp, đái tháo đường type 2 và từng bị đột quỵ não.

[Việt Nam tham gia thử nghiệm vaccine sốt xuất huyết của Nhật Bản]

Từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn Hà Nội ghi nhận 23.314 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 4 ca tử vong (số mắc tăng 3 lần và số tử vong giảm 5 trường hợp so với cùng kỳ năm 2022). Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 572/579 xã, phường, thị trấn.

Các quận, huyện có nhiều bệnh nhân đứng đầu là Hoàng Mai với 1.558 ca, tiếp đến là Phú Xuyên 1.548 ca, Hà Đông (1.533 ca), Thanh Trì (1.309 ca), Đống Đa (1.252 ca), Thanh Oai (1.230 ca), Cầu Giấy (1.224 ca), Nam Từ Liêm (1.162 ca), Thạch Thất (1.068 ca).

Trong tuần qua  Hà Nội cũng ghi nhận 113 ổ dịch sốt xuất huyết tại 24 quận, huyện, thị xã, trong đó Đống Đa có 12 ổ dịch; Bắc Từ Liêm (11 ổ dịch); Đông Anh, Thường Tín - mỗi nơi có 9 ổ dịch); Hoàn Kiếm, Hà Đông, Thanh Oai, Hoàng Mai - mỗi nơi 7 ổ dịch; Tây Hồ, Hai Bà Trưng - mỗi nơi 6 ổ dịch; các quận, huyện, thị xã còn lại có từ 1-5 ổ dịch.

Tổng số ổ dịch từ đầu năm 2023 đến nay là 1.419. Hiện còn 239 ổ dịch đang hoạt động tại 28 quận, huyện, thị xã; trong đó có một số ổ dịch ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Xã Phùng Xá (huyện Thạch Thất) có 554 bệnh nhân; xã Hữu Bằng (huyện Thạch Thất) có 396 bệnh nhân; thôn Đống, xã Cao Viên (huyện Thanh Oai) có 100 bệnh nhân; đường Phượng Bãi, phường Biên Giang (quận Hà Đông) có 72 bệnh nhân…

CDC Hà Nội nhận định tình hình dịch sốt xuất huyết có thể tiếp tục tăng trong các tuần tới. Do đó, công tác giám sát, phòng chống sốt xuất huyết tiếp tục được tăng cường tại các ổ dịch ở những quận, huyện: Phú Xuyên, Đông Anh, Thanh Oai, Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Hai Bà Trưng, Chương Mỹ.

Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) phân tích theo Tổ chức Y tế Thế giới, trong năm 2023 và 2024 hiện tượng biến đổi khí hậu và hiện tượng El Nino có thể thúc đẩy muỗi sinh sản, làm gia tăng sự lây truyền bệnh sốt xuất huyết và các bệnh do muỗi truyền nhiễm.

Thời gian tới, do đang vào cao điểm mùa mưa nên số ca mắc tiếp tục có diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch, đặc biệt là các hoạt động diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy tại các địa phương.

Hà Nội ghi nhận thêm một trường hợp tử vong do sốt xuất huyết ảnh 2Phun hóa chất diệt muỗi để phòng bệnh sốt xuất huyết. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+)

Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm gây dịch do virus Dengue gây nên. Virus Dengue có 4 typ huyết thanh là DEN-1, DEN-2, DEN-3, DEN-4. Virus truyền từ người bệnh sang người lành do muỗi đốt. Muỗi Aedes aegypti là côn trùng trung gian truyền bệnh chủ yếu.

Bệnh sốt xuất huyết Dengue có biểu hiện lâm sàng đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng. Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục. Phát hiện sớm bệnh và hiểu rõ những vấn đề lâm sàng trong từng giai đoạn của bệnh giúp chẩn đoán sớm, điều trị đúng và kịp thời, nhằm cứu sống người bệnh./.

Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết:

1. Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
2. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.
3. Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...
4. Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.
5. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
6. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục