Hà Nội: Hàng quán ăn tăng giá, dân văn phòng lo 'ngay ngáy' bữa trưa

Trước sức ép của giá xăng, giá nguyên vật liệu... liên tục tăng cao, nhiều cửa hàng ăn, uống trên địa bàn Thủ đô đã phải đề biển "phụ thu," tăng giá bán.
Các hàng quán ăn, uống trên địa bàn Thủ đô buộc phải tăng giá trước sức ép của thị trường. (Ảnh minh họa: Minh Hiếu/Vietnam+)
Các hàng quán ăn, uống trên địa bàn Thủ đô buộc phải tăng giá trước sức ép của thị trường. (Ảnh minh họa: Minh Hiếu/Vietnam+)

Sau một thời gian ảnh hưởng bởi giá xăng dầu liên tục tăng, nhiều cửa hàng ăn uống tại Thủ đô đã điều chỉnh tăng giá. Việc này đã khiến nhiều người dân lẫn tiểu thương kinh doanh càng thêm chật vật vì phải thắt chặt hơn việc chi tiêu. 

Kinh doanh đã lâu tại quận Thanh Xuân (Hà Nội), quán cơm của anh Linh luôn có giá rẻ để phù hợp với khu vực dân cư thu nhập thấp và công nhân xung quanh đây. Tuy nhiên từ tháng này, quán cơm của anh đã tăng thêm từ 5.000-10.000 đồng/suất bởi giá thực phẩm liên tục tăng “phi mã.”

“Giá dầu ăn, rau củ, gia vị... đều tăng từ 20-30%. Chi phí mỗi ngày bị đội lên từ khoảng 300.000-500.000 đồng so với trước. Nếu tôi không tăng thì sẽ lỗ nặng vì quán vốn đã bán rẻ hơn nơi khác…,” anh Linh than thở.

Anh Trưởng, chủ quán cơm văn phòng online An’s Food lại chọn phương án cắt giảm khác thay vì tăng giá để “giữ chân” khách hàng. “Tôi đã phải giảm tối đa chí phí như điện nước, nhân viên, tìm các đối tác cung cấp khác để đa dạng nguồn hàng, giảm giá bao bì, phí quảng cáo… để bù vào tiền thực phẩm,” anh Trưởng cho hay.

Tuy nhiên, dù không tăng giá cơm nhưng lợi nhuận của quán cơm anh Trưởng vẫn ghi nhận giảm từ 10-20% so với tháng trước. “Trước tôi bán được 150 suất cơm mỗi ngày, giờ thì khoảng 100-120 suất,” anh Trưởng chia sẻ.

[Người dân 'đau đầu' chi tiêu trong thời bão giá hàng tiêu dùng]

Không chỉ với các quán ăn truyền thống, các doanh nghiệp F&B kinh doanh theo chuỗi cũng không nằm ngoài cơn “bão giá,” họ đã chọn phương án tăng giá bán.

Mới đây, chuỗi càphê nổi tiếng Highland Coffee đã đưa ra thông báo điều chỉnh giá hàng loạt sản phẩm đồ uống của mình tăng từ 10-18%, tương ứng từ 5.000-10.000 đồng. Phía đơn vị cũng giải thích việc tăng giá là do tình hình biến động thị trường hiện nay.

Hà Nội: Hàng quán ăn tăng giá, dân văn phòng lo 'ngay ngáy' bữa trưa ảnh 1Thông báo thay đổi giá của chuỗi càphê Highland Coffee, áp dụng từ ngày 27/6/2022.

Việc các cửa hàng ăn, uống đồng loạt tăng giá bán đã trở thành mối bận tâm không nhỏ đối với người dân, đặc biệt là dân văn phòng.

Chị Hoài Thu (quận Hoàn Kiếm) cho hay do làm việc thường xuyên tại công ty nên chị hay đặt món ăn qua ứng dụng với giá dao động từ 25.000-35.000 đồng cho bữa cơm trưa. Với mức chi phí hiện nay, suất ăn của chị Thu đã tăng lên mức 45.000 đồng/suất. “Bây giờ tôi cũng đang rất đau đầu để chọn đồ ăn trưa thế nào cho phù hợp với ngân sách cho phép," chị nói.

Còn với chị Lan Anh (quận Hoàng Mai), từ khi giá cả tăng cao chị đã bắt đầu thói quen nấu cơm trưa tại nhà mang lên cơ quan để tiết kiệm chi phí. “Trước đây mình cũng hay đặt đồ ăn sẵn cùng mọi người nhưng giờ giá tăng quá nên mình tự nấu để tiết kiệm và để tự điều chỉnh lượng ăn phù hợp,” chị Lan Anh cho hay./.

Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê (GSO), CPI tháng 5/2022 tăng 0,38% so với tháng trước; tăng 2,48% so với tháng 12/2021 và tăng 2,86% so với cùng kỳ năm trước. GSO cho biết giá xăng dầu trong nước tăng theo giá thế giới, bên cạnh giá lương thực, thực phẩm, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào, là những nguyên nhân chủ yếu làm CPI tháng Năm tăng.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục