Hà Nội: Ngăn chặn nạn tín dụng "đen" trong công nhân lao động

Ở những nơi có tín dụng "đen" hoạt động, Công đoàn cơ sở cần phối hợp với đơn vị chuyên môn xây dựng giải pháp cụ thể bảo vệ người lao động và báo cáo Công đoàn cấp trên để được hỗ trợ.
Hà Nội: Ngăn chặn nạn tín dụng "đen" trong công nhân lao động ảnh 1Tờ rơi của các đối tượng hoạt động cho vay nặng lãi. (Ảnh minh họa: Thanh Tân/TTXVN)

Thời gian qua, lợi dụng những khó khăn về tài chính của công nhân lao động, nhất là trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, nạn cho vay nặng lãi hoành hành với các chiêu thức ngày càng tinh vi, được quảng cáo công khai, rộng rãi như dịch vụ hỗ trợ tài chính, cầm đồ, vay nhanh, trả gọn... Hoạt động tín dụng "đen" biến tướng dưới mọi hình thức với lãi suất cao.

Đó là những hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của nhân dân, trong đó có công nhân lao động. Đặc biệt, các đối tượng liên quan đến tín dụng "đen" còn có thủ đoạn bôi nhọ, xâm phạm đời tư, đe dọa cán bộ Công đoàn nhằm gây sức ép, đòi nợ công nhân lao động.

Trước thực trạng đó, thực hiện Công văn số 4757/TLĐ-TG ngày 12/8/2022 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc tăng cường tuyên truyền, phòng ngừa, ngăn chặn nạn tín dụng "đen" trong công nhân lao động, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đề nghị các cấp Công đoàn Thủ đô chủ động tham mưu cho cấp ủy, đồng thời phối hợp với chính quyền đồng cấp và người sử dụng lao động đẩy mạnh tuyên truyền về phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động cho vay nặng lãi, tín dụng "đen," nhất là ở khu công nghiệp, khu chế xuất, những nơi có đông công nhân lao động.

Bên cạnh đó, Công đoàn các cấp tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình phúc lợi đoàn viên, quan tâm, chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động; có chính sách hỗ trợ đối với những trường hợp công nhân nghèo, như tặng "Mái ấm Công đoàn," trợ cấp khó khăn, hỗ trợ vay vốn với lãi suất hợp lý ở một số kênh chính thống trên cơ sở thỏa thuận hợp tác đã được ký kết với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

[Giải cứu công nhân trước ma trận “tín dụng đen”]

Đồng thời, Công đoàn các cấp phát huy hiệu quả hoạt động của Quỹ trợ vốn nhằm góp phần ngăn chặn, đẩy lùi nạn tín dụng "đen" trong công nhân lao động; kết nối để các ngân hàng, tổ chức tín dụng hợp pháp tiếp cận cung cấp dịch vụ phù hợp với công nhân lao động, từ đó có giải pháp tháo gỡ khó khăn về tài chính cho người lao động.

Cụ thể, các cấp Công đoàn phổ biến rộng rãi tới công nhân lao động về gói vay 20.000 tỷ đồng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo triển khai phục vụ công nhân lao động. Đặc biệt, Công đoàn cơ sở cần tìm hiểu kỹ về gói vay và kết nối 2 đầu mối cho vay để công nhân lao động không phải tìm đến tín dụng "đen."

Mặt khác, Công đoàn cơ sở phối hợp chặt chẽ với chính quyền, Công an địa phương rà soát, lên danh sách các nhóm đối tượng liên quan đến hoạt động tín dụng "đen" để có biện pháp bảo vệ cán bộ Công đoàn, đoàn viên, người lao động, ngăn ngừa tội phạm manh động, không để thâm nhập công nhân lao động; chủ động phối hợp phòng, chống tội phạm, trong đó có tội phạm tín dụng "đen" để có giải pháp cụ thể trong việc Công đoàn tham gia phòng, chống tội phạm và được bảo vệ khi có nguy cơ bị tội phạm tấn công.

Cán bộ Công đoàn cơ sở cần thiết lập kênh thông tin chặt chẽ với Công an địa phương để được phối hợp, hỗ trợ kịp thời; phát huy vai trò của Tổ tự quản các khu nhà trọ công nhân trong công tác tuyên truyền, ngăn chặn nạn tín dụng "đen."

Các cấp Công đoàn phải sâu sát trong việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động; chủ động hỗ trợ, giúp đỡ những công nhân đang thực sự khó khăn về tài chính. Trường hợp gặp khó khăn đột xuất cần đề nghị doanh nghiệp có giải pháp hỗ trợ phù hợp hoặc đứng ra giới thiệu và bảo lãnh cho công nhân vay tại các tổ chức tín dụng hợp pháp.

Ở những nơi có tín dụng "đen" hoạt động, Công đoàn cơ sở cần phối hợp với đơn vị chuyên môn xây dựng giải pháp cụ thể bảo vệ người lao động và báo cáo Công đoàn cấp trên để được hỗ trợ.

Năm 2022, nguồn vốn hoạt động của Quỹ trợ vốn công nhân viên chức lao động nghèo Thủ đô phát triển kinh tế gia đình ổn định, không có sự thay đổi đột biến.

Đến hết ngày 30/6/2022, tổng nguồn vốn Quỹ đang quản lý là trên 67,2 tỷ đồng. Dư nợ cho vay 6 tháng đầu năm nay đạt hơn 62,8 tỷ đồng, đạt 93,49% tổng nguồn vốn hoạt động. Quỹ đã sử dụng gần tối đa nguồn vốn đang quản lý vào hoạt động tín dụng cho vay đối với đoàn viên, công nhân viên chức lao động nghèo, thu nhập thấp trên địa bàn Thủ đô.

Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Quỹ trợ vốn công nhân viên chức lao động nghèo Thủ đô phát triển kinh tế gia đình, 6 tháng đầu năm nay, Quỹ đã giải ngân 31,83 tỷ đồng (đạt 54,18% kế hoạch); đã thẩm định 1.214 hồ sơ vay vốn và chấp thuận cho 1.064 đoàn viên, công nhân viên chức lao động tại 77 công đoàn cơ sở có hồ sơ đáp ứng đủ điều kiện vay vốn.

Được tiếp cận với nguồn vốn vay của Quỹ, các đoàn viên, công nhân, viên chức lao động đã đầu tư sản xuất kinh doanh, mang lại thu nhập ổn định, cải thiện cuộc sống cho bản thân và gia đình.

Một số mô hình đạt hiệu quả cao như mô hình vay vốn nuôi gà của đoàn viên Vũ Thị Thu tại Công đoàn cơ sở Trường Mầm non Sài Sơn A (huyện Quốc Oai). Mỗi lứa nuôi khoảng 200 con, với 2-3 lứa mỗi năm, gia đình chị Thu có thu nhập ổn định từ 2,5 đến 3 triệu đồng/tháng. 

Hay trường hợp đoàn viên Nguyễn Thị Như Quỳnh, công tác tại Trường Mầm non Xuân Giang (huyện Sóc Sơn), vay vốn đầu tư nuôi 1.000 đôi chim bồ câu, thu nhập bình quân 2,5 triệu đồng/tháng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục