Hà Nội quyết tâm đạt mục tiêu xây dựng trường chuẩn quốc gia năm 2020

Năm 2020, Hà Nội đặt mục tiêu có thêm 104 trường đạt chuẩn quốc gia; trong đó, cấp Mầm non là 49 trường, cấp Trung học Cơ sở 27 trường, cấp Tiểu học 22 trường, cấp Trung học Phổ thông 6 trường.
Đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, trường Tiểu học Lê Ngọc Hân đã được đầu tư cơ sở vật chất với trang thiết bị đồng bộ, hiện đại tạo môi trường học tập thuận lợi cho học sinh. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Sáng 9/6, các trường Tiểu học Lê Ngọc Hân, Trung học Cơ sở Lê Ngọc Hân và Trung học Cơ sở Quỳnh Mai (quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội) đã tổ chức lễ đón Bằng công nhận chuẩn quốc gia mức độ 1.

Đây đều là những cơ sở giáo dục có truyền thống dạy tốt, học tốt, đào tạo ra các thế hệ học sinh giỏi, là địa chỉ tin cậy của nhân dân trên địa bàn quận Hai Bà Trưng nói riêng và thành phố Hà Nội nói chung.

Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân được thành lập năm 1921 dành cho nữ sinh bậc Tiểu học. Năm 1974, trường phát triển thành trường phổ thông cấp 1, 2 với quy mô 2.400 học sinh.

Năm 1996, trường được tách riêng thành Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân và Trường Trung học Cơ sở Lê Ngọc Hân, tuy nhiên hai trường vẫn sử dụng chung cơ sở vật chất tại số 41, phố Lò Đúc.

Năm học 2019-2020, Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân và Trường Trung học Cơ sở Lê Ngọc Hân được tách riêng cơ sở vật chất.

Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân ở vị trí cũ, còn Trường Trung học Cơ sở Lê Ngọc Hân được đầu tư xây dựng tại phố Thi Sách với diện tích gần 3.600 m2, phục vụ cho công tác dạy học của giáo viên và gần 1.500 học sinh.

[Hà Nội: Giải quyết dứt điểm tình trạng giáo viên hợp đồng lâu năm]

Trường Trung học Cơ sở Quỳnh Mai được quận Hai Bà Trưng (thành phố Hà Nội) đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại theo 5 tiêu chí trường chuẩn quốc gia. Năm học 2019-2020, trường có 1.250 học sinh, 100% giáo viên của trường đều có trình độ đào tạo đạt chuẩn. Học sinh xếp loại khá và giỏi hằng năm của trường đạt trên 70%, học sinh xếp loại hạnh kiểm khá và tốt đạt trên 90%.

Hiện, thành phố Hà Nội đã có 71,5% tổng số trường đạt chuẩn quốc gia. So với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVI nhiệm kỳ 2015-2020, toàn thành phố có từ 65-70% số trường công lập đạt chuẩn quốc gia, ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô đã hoàn thành trước thời hạn 1 năm.

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, toàn thành phố hiện có 1.578 trường học công lập đạt chuẩn quốc gia. Đây là các trường hội tụ đủ 5 tiêu chí trường chuẩn quốc gia về các mặt tổ chức, quản lý; cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh; cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội; hoạt động giáo dục và kết quả.

Năm 2019, nhiều đơn vị giáo dục trên địa bàn thành phố Hà Nội đã thực hiện vượt chỉ tiêu như huyện Sóc Sơn được giao 6 trường, hoàn thành 12 trường; huyện Mê Linh được giao 3 trường, hoàn thành 7 trường; quận Hoàng Mai được giao 2 trường, hoàn thành 4 trường…

Tuy nhiên, tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia vẫn còn chênh lệch khá rõ ở các địa bàn. Trong đó, huyện Đan Phượng có tỷ lệ trường chuẩn cao nhất thành phố với 94,2%, tiếp đến là quận Tây Hồ 92%, quận Nam Từ Liêm 88%... nhưng một số đơn vị vẫn ở mức khiêm tốn như huyện Mỹ Đức 59%, huyện Ba Vì 49%...

Tại một số đơn vị có tỷ lệ trường chuẩn đạt thấp, có nơi thiếu quỹ đất trầm trọng, lại có nơi bố trí được đất để xây trường nhưng không có vốn, xã hội hóa khó khăn.

Theo kế hoạch, năm 2020, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đặt mục tiêu có thêm 104 trường đạt chuẩn quốc gia. Trong đó, cấp Mầm non là 49 trường, cấp Trung học Cơ sở 27 trường, cấp Tiểu học 22 trường, cấp Trung học Phổ thông 6 trường.

Để thực hiện được mục tiêu trên, theo ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Sở sẽ kiến nghị Ủy ban Nhân dân thành phố hỗ trợ kinh phí cho huyện Ba Vì và huyện Phú Xuyên.

Sở rà soát, bổ sung quỹ đất và đề xuất cho phép trường học ở một số quận nội thành như Hoàn Kiếm, Ba Đình… được nâng tầng so với quy định.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục