Hà Nội sẽ thay thế cán bộ không có tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân

Không chỉ bảo vệ người dám nghĩ dám làm, Hà Nội sẵn sàng và kiên quyết xử lý, thay thế những cán bộ công chức hạn chế năng lực, không có tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân vì mục tiêu chung.
Hà Nội sẽ thay thế cán bộ không có tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân ảnh 1Quang cảnh Kỳ họp thứ 12 của Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Ngày 4/7, tiếp tục ngày làm việc thứ 2 trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 12 Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội khóa XVI, trên cơ sở tổng hợp 40 lượt đại biểu phát biểu nội dung tại các tổ thảo luận, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Hà Minh Hải đã báo cáo giải trình làm rõ thêm một số nội dung các đại biểu quan tâm.

Cụ thể, liên quan đến nhóm vấn đề về cơ chế, chính sách, kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, thu hút đầu tư..., Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho biết thành phố đang triển khai quyết liệt các giải pháp để tạo cơ chế, hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp, đặc biệt là thành lập Tổ công tác đặc biệt do Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội làm tổ trưởng để tháo gỡ khó khăn; đồng thời thực hiện các cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ theo chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội của Chính phủ.

Thành phố cũng tiếp tục thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp tại 2 đề án của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, gồm: Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố giai đoạn 2019-2025 (Quyết định số 4889/QĐ-UBND ngày 9/9/2019) và Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025 (Quyết định số 5742/QĐ-UBND ngày 29/12/2020).

Ngoài ra, thành phố triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tư vấn cho doanh nghiệp thông qua mạng lưới tư vấn viên và hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch theo kế hoạch.

Đối với nhóm những vấn đề có liên quan đến chuyển đổi số, theo ông Hà Minh Hải, thành phố xác định tầm quan trọng của chuyển đổi số chính là quá trình chuyển đổi nhận thức, đổi mới tư duy, thông minh hóa với dữ liệu được kết nối và hỗ trợ của công nghệ để thông minh hóa sản phẩm và dịch vụ/thông minh hóa quy trình hoạt động… tạo ra năng suất lao động, hiệu quả cao hơn, đột phá trong quá trình phát triển.

Tới đây, Ủy ban Nhân dân thành phố sẽ tập trung vào 4 nhóm nội dung cơ bản của chuyển đổi số: số hóa thực thể (định danh cá nhân, đất đai, nhà cửa, định vị, bản đồ số, thông tin tài liệu hành chính công…) phục vụ người dân, doanh nghiệp; số hóa quy trình (phương thức phối hợp các hoạt động trong hệ thống); rà soát, xây dựng cơ chế, hoặc kiến nghị những quy định không thuộc thẩm quyền của Ủy ban Nhân dân thành phố; chuyển đổi số, chính là thực hiện quá trình đổi mới sáng tạo để tạo ra sản phẩm, dịch vụ với 3 nền tảng (hạ tầng truyền thống được thông minh hóa, hạ tầng truyền thống, văn hóa số) hướng tới hình thành 3 trụ cột: chính quyền số-kinh tế số-xã hội số.

Giải trình, làm rõ thêm nhóm những vấn đề có liên quan đến chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người dân, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội khẳng định thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, thành phố luôn ban hành chuẩn nghèo riêng cao hơn chuẩn nghèo quốc gia và ban hành một số chính sách đặc thù hỗ trợ giảm nghèo.

[Hà Nội xem xét hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho người trên 70 tuổi]

Cuối năm 2022, Hà Nội cơ bản không còn hộ nghèo (tỷ lệ hộ nghèo là 0,095%; tỷ lệ hộ cận nghèo là 0,99%) có 16 quận, huyện không có hộ nghèo; riêng 3 quận: Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Ba Đình không còn hộ nghèo và hộ cận nghèo.

Dự kiến, Ủy ban Nhân dân thành phố sẽ trình Hội đồng Nhân dân thành phố ban hành chính sách hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế đối với người từ 70 tuổi trở lên, người khuyết tật chưa được cấp thẻ bảo hiểm y tế (trình Hội đồng Nhân dân thành phố vào kỳ họp cuối năm 2023).

Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục đảm bảo an sinh xã hội; thực hiện đầy đủ các chính sách đối với người có công với cách mạng, trợ giúp xã hội; tổ chức các hoạt động kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sỹ (27/7/2023).

Thành phố cũng theo dõi sát tình hình người lao động bị mất việc làm, giảm giờ làm để có phương án hỗ trợ phù hợp.

Cùng với đó, thành phố thực hiện tốt Kế hoạch mục tiêu giảm nghèo bền vững thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025; tập trung hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch về giảm nghèo (giảm 642 hộ nghèo), về giải quyết việc làm (160.000 người), về tuyển sinh, đào tạo nghề (230.000 lượt lao động)…

Hà Nội sẽ thay thế cán bộ không có tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Về những vấn đề liên quan đến thu ngân sách và khơi thông nguồn lực của nền kinh tế, bên cạnh các biện pháp quyết liệt hiệu quả, Hà Nội sẽ tập trung quyết liệt kiểm tra, thu hồi các dự án ngoài ngân sách chậm triển khai (hơn 712 dự án, tổng diện tích đất được cấp cho các dự án trên là hơn 5.000ha) để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tập trung thu hút các nguồn lực để phát triển (qua rà soát, đã giảm được 419 dự án, tương đương 58,8% của tổng số 712 dự án chậm triển khai).

Số dự án còn lại cần tiếp tục xử lý vẫn còn khá lớn: 50/135 dự án chưa được giao đất; 150/404 dự án đã được giao đất tiếp tục cần các cơ quan hậu kiểm, giám sát việc xử lý; 93/173 dự án do các quận, huyện, thị xã phát hiện đề xuất.

"Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã trực tiếp chủ trì làm việc với các sở, ngành để xem xét, chỉ đạo xử lý, giải quyết cụ thể đối với các dự án chậm triển khai trên địa bàn từng quận, huyện, thị xã. Thời gian qua, đã làm việc với các quận, huyện: Mê Linh, Thạch Thất, Quốc Oai, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy. Ngay sau kỳ họp Hội đồng Nhân dân thành phố, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố tiếp tục làm việc với các quận, huyện có nhiều dự án chậm, như: Hoàng Mai, Long Biên, Hoài Đức...," Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Hà Minh Hải thông tin thêm.

Về nhóm các vấn đề về quản lý, phát triển đô thị, vệ sinh môi trường, dân sinh bức xúc, thành phố tiếp tục quan tâm các giải pháp về vấn đề cấp điện, cung cấp năng lượng và chiếu sáng, thông tin truyền thông; quan tâm đầu tư, quản lý, sử dụng năng lượng sạch, tái tạo, vấn đề thu gom, xử lý nước thải, xử lý môi trường; thực hiện giải pháp đối với tình trạng ùn tắc giao thông, xe dù, bến cóc, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường; xử lý ngập úng cục bộ khi có mưa lớn.

Ngoài ra, các vấn đề dân sinh bức xúc và đại biểu có ý kiến như: chung cư cũ, ô nhiễm môi trường… Ủy ban Nhân dân thành phố sẽ chỉ đạo các sở, ban ngành tiếp tục triển khai giải quyết với tinh thần khẩn trương, quyết liệt và phục vụ nhân dân.

Để các giải pháp nêu trên triển khai hiệu quả, khơi thông nguồn lực, tạo đà phát triển kinh tế xã hội Thủ đô, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Hà Minh Hải nhấn mạnh khâu quan trọng mang tính quyết định nhất là con người, trong đó việc lựa chọn người đứng đầu là quan trọng nhất. Do đó, ở các bộ phận, đơn vị cần làm tốt việc lựa chọn người đứng đầu theo cơ chế “Chọn đúng người-trao niềm tin-cho điểm tựa-đánh giá bằng sản phẩm cuối cùng."

Ngoài ra, cùng với với việc rà soát hoàn thiện cơ chế, chính sách, phân định chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, xây dựng các quy trình liên thông, đảm bảo các điều kiện làm việc, môi trường làm việc và cơ chế bảo vệ khuyến khích đổi mới sáng tạo, bảo vệ người dám nghĩ dám làm..., Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội sẵn sàng và kiên quyết xử lý, thay thế những cán bộ công chức hạn chế năng lực, không có tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân vì mục tiêu chung./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục