Hà Nội: Tai nạn lao động có xu hướng gia tăng

Từ đầu năm 2012 đến nay, trên địa bàn Hà Nội đã xảy ra 6 vụ tai nạn lao động nghiêm trọng làm 7 người chết, 9 người bị thương nặng.

Theo Thống kê của Liên đoàn lao động Hà Nội, tình hình tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trên địa bàn thành phố tiếp tục diễn biến phức tạp, số vụ tai nạn lao động chết người đang có xu hướng gia tăng. Đánh giá này được đưa ra trong buổi Hội nghị Tổng kết công tác bảo hộ lao động năm 2011, triển khai nhiệm vụ năm 2012 và hưởng ứng Tuần lễ quốc gia An toàn vệ sinh lao động-Phòng chống cháy nổ lần thứ 14 năm 2012 diễn ra vào sáng ngày 15/3. Theo con số thống kê, chỉ tính từ đầu năm 2012 đến nay, trên địa bàn Hà Nội đã xảy ra 6 vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, làm 7 người chết, 9 người bị thương nặng. Nguyên nhân của các vụ tai nạn lao động, cháy nổ chủ yếu là do vi phạm tiêu chuẩn, kỹ thuật an toàn của người sử dụng lao động và người lao động. Vì vậy, đẩy mạnh các hoạt động an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ hiện nay là vô cùng quan trọng. Ông Nguyễn Hòa Bình, Phó Chủ tịch thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh: “Công tác kiểm tra giám sát an toàn lao động chưa thường xuyên, chưa góp phần để công tác an toàn vệ sinh lao động ở mỗi cơ sở, mỗi đơn vị tốt hơn nên số vụ tai nạn lao động, số vụ gây nên chết người vẫn còn nhiều và nghiêm trọng." Một trong những hạn chế được nhắc đến trong hội nghị là công tác khai báo, thống kê về tai nạn lao động của các doanh nghiệp thực hiện chưa nghiêm túc, do đó số liệu về tai nạn lao động được công bố chưa phản ánh đúng tình hình thực tế. Nhiều doanh nghiệp đã có hành vi che giấu, không khai báo với cơ quan chức năng khi có tai nạn lao động xảy ra theo quy định mà tự thỏa thuận giải quyết với gia đình nạn nhân. Công tác thanh tra, xử lý các doanh nghiệp vi phạm về lĩnh vực an toàn vệ sinh lao động phòng cháy chữa cháy cũng chưa nghiêm, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe nên tình trạng vi phạm về pháp luật bảo hộ lao động còn diễn ra khá phổ biến. Bên cạnh những hạn chế có nguyên nhân từ người sử dụng lao động, còn có hạn chế nguyên nhân xuất phát từ người lao động. Cụ thể, trình độ của người lao động, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng còn rất thấp, phần lớn lao động của các công ty này là lao động thời vụ, nông nhàn từ vùng sâu, vùng xa được đưa về Hà Nội làm việc. Qua phân tích số liệu năm 2011 cho thấy, 19/34 vụ tai nạn lao động chết người xảy ra trên địa bàn Hà Nội  nằm ở đối tượng này. Cũng tại hội nghị, Liên đoàn lao động thành phố Hà Nội đã phát động hưởng ứng tuần lễ quốc gia an toàn vệ sinh lao động-phòng chống cháy nổ lần thứ 14 từ (ngày 18/3 đến 24/3) với chủ đề “Xây dựng văn hóa phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là trách nhiệm và quyền lợi của người lao động”. Liên đoàn lao động thành phố sẽ có nhiều hoạt động tuyên truyền, giáo dục và giám sát công tác an toàn vệ sinh lao động-phòng chống cháy nổ tại các doanh nghiệp trên khắp địa bàn thành phố./.
Theo kết quả tổng kết công tác bảo hộ lao động năm 2011, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã xảy ra 123 vụ tai nạn lao động (tăng 17 vụ so với năm 2010), trong đó, tai nạn lao động chết người là 34 vụ, làm chết 35 người, bị thương 2 người.

Trong năm 2011, thành phố đã xảy ra 229 vụ cháy nổ, làm chết 10 người, bị thương 23 người, thiệt hại vật chất trên 45 tỷ đồng. Trung tâm sức khỏe và bệnh nghề nghiệp (Sở Y tế Hà Nội) đã khám và phát hiện 249 công nhân mắc bệnh nghề nghiệp, chủ yếu là bệnh bụi phổi silic và điếc nghề nghiệp./.
Hồng Kiều (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục