Hà Nội tăng cường phối hợp chống buôn lậu, gian lận thương mại

Công an thành phố Hà Nội và Sở Công Thương đã ký kết quy chế phối hợp trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại.
Hà Nội tăng cường phối hợp chống buôn lậu, gian lận thương mại ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Doãn Tấn/TTXVN)

Chiều 2/12, Công an thành phố Hà Nội và Sở Công Thương tổ chức ký kết quy chế phối hợp trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn thành phố.

Theo Giám đốc Sở Công thương thành phố Hà Nội Lê Hồng Thăng, tháng 5/2012, Công an thành phố Hà Nội và Sở Công Thương đã ký kết quy chế phối hợp tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Hai năm qua, hai lực lượng này đã phối hợp kiểm tra, xử lý 2.300 vụ, phạt hành chính hơn 13 tỷ đồng; tịch thu hàng hóa và buộc tiêu hủy hàng hóa trị giá hơn 105 tỷ đồng.

Tuy nhiên, quá trình phối hợp còn một số những tồn tạn, vướng mắc. Điển hình như, khi thực hiện phối hợp với lực lượng quản lý thị trường có một số vụ việc phía Công an chỉ đóng vai trò là đơn vị cung cấp nguồn tin, chưa phát huy được tính điều tra, mở rộng vụ việc nhằm xử lý triệt để hành vi vi phạm của đối tượng bị kiểm tra; giữa hai lực lượng chưa thường xuyên trao đổi thông tin về diễn biến thị trường, phương thức thủ đoạn của những đối tượng vi phạm.

"Việc hai lực lượng chủ công ký kết quy chế phối hợp mới sẽ tạo sức mạnh tổng hợp, hạn chế tối đa các hành vi chống người thi hành công vụ, giảm thiểu tình trạng buôn lậu, hành giả và các hành vi gian lận thương mại trên địa bàn Hà Nội" - ông Lê Hồng Thăng nhấn mạnh.

Theo quy chế phối hợp mới, Công an thành phố Hà Nội và Sở Công Thương tăng cường phối hợp hơn nữa trong kiểm tra, kiểm soát, điều tra, xác minh, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn Hà Nội; đồng thời, đẩy mạnh công tác tham mưu, đề xuất, xây dựng sửa đổi các văn bản liên quan đến đấu tranh, phòng ngừa trên mặt trận này.

Nguyên tắc phối hợp giữa hai lực lượng là tuân thủ các văn bản pháp luật có liên quan trên cơ sở thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi bên. Những vướng mắc phát sinh trong quá trình phối hợp thì hai bên thống nhất giải quyết dựa trên các quy định của pháp luật và yêu cầu nghiệp vụ của mỗi đơn vị; việc phối hợp đảm bảo đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ lẫn nhau.

Trong phối hợp kiểm tra, hai bên thống nhất bằng văn bản về kết luận hành vi vi phạm và mức độ xử lý, việc xử lý tang vật, phương tiện thu giữ trước khi quyết định theo thẩm quyền hoặc giao cơ quan có thẩm quyền xử lý.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục