Hà Nội thanh tra việc chấp hành pháp luật về phòng, chống tham nhũng

Xác định công tác phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh yêu cầu Thanh tra thành phố thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó phòng ngừa là chính.
Ảnh minh họa.

Năm 2021, Thanh tra thành phố Hà Nội phấn đấu hoàn thành 100% các cuộc thanh tra theo kế hoạch, các cuộc thanh tra diện rộng, thanh tra đột xuất được giao; thực hiện việc xử lý sau thanh tra đạt từ 85% trở lên.

Thanh tra thành phố cũng phấn đấu giải quyết trên 90% đối với các quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật, các quyết định xử lý tố cáo; cơ bản giải quyết dứt điểm các vụ khiếu nại tố cáo tồn đọng, phức tạp theo Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội và các Kế hoạch của Thanh tra Chính phủ...

Đặc biệt, trong công tác phòng, chống tham nhũng, Thanh tra thành phố sẽ thực hiện công khai, minh bạch và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực gắn với việc thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương và thành phố; tập trung thanh tra, kiểm tra trách nhiệm việc chấp hành pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

[Xóa kẽ hở, cơ chế "xin-cho" để phòng, chống tham nhũng]

Đề cập đến các nhiệm vụ và giải pháp để triển khai thực hiện hiệu quả các mục tiêu trên, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đề nghị Thanh tra thành phố tiếp tục nâng cao chất lượng công tác thanh tra.

“Mục đích của hoạt động thanh tra không chỉ dừng lại ở việc phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật mà cần quan tâm đến việc phát hiện sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền biện pháp khắc phục, phòng ngừa; giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định của pháp luật; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước; bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân," Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh nhấn mạnh.

Cũng theo chỉ đạo của lãnh đạo thành phố Hà Nội, khi triển khai thanh tra phải quan tâm rà soát tránh trùng lắp; đảm bảo hoạt động thanh tra đúng quy trình, không kéo dài; kết luận thanh tra, các kiến nghị, các quyết định xử lý sau thanh tra phải kịp thời, khách quan, đúng pháp luật nhưng cũng cần phù hợp với thực tiễn và giúp ổn định tình hình.

Đồng thời, tập trung nâng cao chất lượng công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; phát huy vai trò tham mưu của cơ quan thanh tra trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý các vụ việc phức tạp, đông người, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh thành “điểm nóng” gây mất an ninh trật tự trên địa bàn Thủ đô.

Lực lượng thanh tra rà soát các vụ khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài để tập trung giải quyết dứt điểm theo Chỉ thị 15 của Thành ủy, Nghị quyết 15 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội.

Đối với công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại và tố cáo, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh yêu cầu phải coi trọng cả 2 yếu tố: phòng ngừa khiếu nại, tố cáo phát sinh và khi đã phát sinh rồi thì phải giải quyết chính xác, kịp thời, đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho công dân

Để phòng ngừa khiếu nại, tố cáo, Thanh tra thành phố Hà Nội cần quan tâm hơn nữa đến việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật, không chỉ là pháp luật về khiếu nại, tố cáo mà còn cả các lĩnh vực thường xuyên phát sinh khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp như giải phóng mặt bằng, quản lý đất đai…

Tiếp tục xác định công tác phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh yêu cầu Thanh tra thành phố thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó giải pháp phòng ngừa là chính, đồng thời, chủ động phát hiện, xử lý kịp thời vi phạm.

Thanh tra thành phố tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các chế độ chính sách, tiêu chuẩn, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, tuyên truyền phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

Để thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021, Hà Nội đã ban hành Kế hoạch 245/KH-UBND đề ra 8 nhiệm vụ và giải pháp yêu cầu các cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành tập trung thực hiện.

Các giải pháp nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm, nhận thức của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội trong công tác phòng chống tham nhũng; triển khai đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng chống tham nhũng gắn với tăng cường hoạt động quản lý nhà nước về phòng chống tham nhũng; phát hiện, ngăn chặn và kịp thời xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng theo quy định pháp luật; từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, góp phần giữ vững ổn định chính trị-xã hội, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn Thủ đô. 

Theo Phó Chánh Thanh tra thành phố Hà Nội Nguyễn Thúy Hằng, năm 2020, các cơ quan hành chính của thành phố đã thực hiện 343 cuộc thanh tra, đã kết luận 212 cuộc; qua thanh tra đã phát hiện vi phạm 28,014 tỷ đồng; kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm đối với 25 tập thể và 92 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 5 cuộc.

Riêng cơ quan Thanh tra thành phố Hà Nội đã triển khai thực hiện 49 cuộc thanh tra (theo kế hoạch 13 cuộc, đột xuất 36 cuộc). Đáng chú ý, qua thanh tra, lực lượng chức năng phát hiện vi phạm và kiến nghị thu hồi 771 triệu đồng, chuyển cơ quan điều tra 1 cuộc.

Năm 2020, các cơ quan hành chính của thành phố đã tiếp thường xuyên 31.493 lượt công dân đến khiếu nại tố cáo, kiến nghị, phản ánh, trong đó có 118 lượt đoàn đông người (48 vụ việc). Lãnh đạo các cơ quan hành chính đã tiếp định kỳ, đột xuất 14.597 lượt công dân.

Các cơ quan hành chính của thành phố đã tiếp nhận và xử lý 41.318 đơn các loại, gồm 9.553 đơn khiếu nại, 6.718 đơn tố cáo và 25.047 đơn kiến nghị, phản ánh. Nội dung đơn chủ yếu liên quan đến lĩnh vực quản lý sử dụng đất đai, giải phóng mặt bằng, quản lý trật tự xây dựng, quản lý và sử dụng nhà chung cư…

Về thực hiện Quy chế phối hợp liên ngành giữa các cơ quan của thành phố Hà Nội, các cơ quan, đơn vị đã kịp thời trao đổi thông tin về việc xử lý vi phạm, tội phạm giữa các sở, ngành, đặc biệt là trao đổi về việc xử lý các hành vi có dấu hiệu tham nhũng, các vụ việc kinh tế nghiêm trọng, phức tạp trên địa bàn. Qua công tác thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo, lực lượng chức năng đã phát hiện, kiến nghị chuyển cơ quan điều tra 5 vụ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục