Hà Nội thiếu "đòn mạnh" trị doanh nghiệp "ma"

Cuộc chiến đối phó các doanh nghiệp "ma", giám đốc rởm trong việc gian lận thuế với những thủ đoạn tinh vi khiến cơ quan nhà nước nhiều phen lúng túng...
Thành phố Hà Nội hiện có trên 8 vạn doanh nghiệp, chiếm 1/4 số lượng doanh nghiệp cả nước. Đáng chú ý, trên địa bàn đã xuất hiện ngày càng nhiều những đối tượng lợi dụng những chính sách thông thoáng của Nhà nước để thành lập các doanh nghiệp "ma", giám đốc rởm nhằm gian lận thuế với những thủ đoạn tinh vi.

Trong khi đó, cuộc chiến phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực thuế của hai cơ quan Thuế và Công an thành phố Hà Nội, dù được phối hợp triển khai, song cũng lộ rõ những bất cập.

"Nặng nợ" doanh nghiệp "ma"


Với việc quản lý 13.800 doanh nghiệp đang hoạt động và mỗi tháng lại thêm gần 200 doanh nghiệp thành lập mới, ngoài áp lực công việc do số lượng doanh nghiệp tăng quá nhanh, lực lượng cán bộ thuế quận Đống Đa phải đối mặt với những hình thức gian lận thương mại, gian lận thuế ngày càng tinh vi.

Nhóm đối tượng vi phạm trong lĩnh vực mua bán hóa đơn bất hợp pháp gồm: Doanh nghiệp được thành lập mới với mục đích mua bán hóa đơn bất hợp pháp; doanh nghiệp thay đổi giám đốc và cố tình chuyển địa bàn kinh doanh (sau khi bị cơ quan thuế nghi vấn) để tiếp tục thực hiện mua hóa đơn. Đáng chú ý, hầu hết các doanh nghiệp này thường... biến mất chỉ trong vòng vài chục ngày.

Chi cục trưởng Chi cục thuế quận Đống Đa Nguyễn Văn Tư cho biết, các doanh nghiệp này đều thuê những đối tượng có nhân thân phức tạp, trình độ văn hóa thấp làm giám đốc; trụ sở đặt trong ngõ ngách; tư liệu sản xuất chỉ bày biện để đối phó với cơ quan thuế.

Khi làm thủ tục, doanh nghiệp “ma” thường chuẩn bị đầy đủ giấy tờ đúng theo quy định, buộc cơ quan thuế phải xuất bán hóa đơn. Có trường hợp, sau nhiều lần từ chối bán hóa đơn để điều tra, xác minh, cán bộ chi cục thuế quận Đống Đa đã bị doanh nghiệp “ma” dùng áp lực đe dọa, thậm chí gửi đơn thư khiếu kiện lên Cục Thuế Hà Nội, Tổng Cục thuế, vu cáo cán bộ gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Tại quận Long Biên, qua công tác kiểm tra tại doanh nghiệp, Chi cục thuế quận này đã phát hiện Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại vật tư thiết bị điện do Nguyễn Anh Dũng làm giám đốc đã bán khống 81 hóa đơn với tổng số tiền là 8,8 tỷ đồng, thuế giá trị gia tăng 0,8 tỷ đồng, trốn thuế 1,9 tỷ đồng.

Mặt khác, Chi cục thuế quận đã phát hiện Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại kinh doanh vật tư thiết bị điện công nghiệp do Đỗ Tiến Dũng làm giám đốc cũng bán khống 609 hóa đơn giá trị gia tăng với tổng số tiền 22,5 tỷ đồng, thuế giá trị gia tăng 1,7 tỷ đồng.

Không chỉ trên địa bàn hai quận Đống Đa, Long Biên, việc gian lận thương mại, trốn thuế, buôn bán giấy tờ có giá giả, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh để chiếm đoạt tiền thuế của Ngân sách Nhà nước, diễn ra ngày càng phức tạp và có chiều hướng gia tăng ở thành phố Hà Nội.

Qua công tác thanh, kiểm tra, cơ quan thuế Hà Nội đã phát hiện 819 lượt doanh nghiệp thuộc mọi loại hình và thành phần kinh tế hoạt động kinh doanh ở hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề, quy mô đã sử dụng 6.700 số hóa đơn của những doanh nghiệp đã có thông báo bỏ trốn khỏi địa chỉ kinh doanh.

Nhưng theo Phó Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Phi Văn Tuấn, cơ quan thuế đã truy thu, phạt hành chính về thuế được hàng chục tỷ đồng, song vẫn còn tới 3.000 số hóa đơn (chiếm 45%) buộc cơ quan thuế tạm thời phải chấp nhận do thiếu cơ sở pháp lý để đấu tranh loại bỏ. Các hóa đơn này chủ yếu phát sinh trước thời điểm có thông báo doanh nghiệp bỏ trốn, hồ sơ mua, bán giao dịch liên quan lưu tại doanh nghiệp đầy đủ thủ tục.

Kết quả "khiêm tốn"


Kết quả phối hợp điều tra xác minh vi phạm trong lĩnh vực thuế do Công an thành phố Hà Nội tổng hợp cho thấy, hai cơ quan thuế và công an đã phối hợp điều tra hơn 900 vụ việc có dấu hiệu vi phạm.

Hơn 700 vụ đã được cơ quan công an cung cấp thông tin cho ngành thuế. Tuy nhiên, thực tế chỉ xử lý hình sự được 2 vụ và xử lý hành chính được 63 vụ, quá “khiêm tốn” so với tình trạng gian lận thuế đang diễn ra phổ biến hiện nay.

Nguyên nhân của tình trạng trên, theo như phản ánh của các cán bộ thuế và công an đấu tranh với tội phạm trong lĩnh vực thuế, thì đó chính là chế tài xử phạt các đối tượng này hiện còn tồn tại quá nhiều bất cập.

“Tại chi cục thuế quận Hoàng Mai, toàn bộ các đối tượng có hành vi mua bán hóa đơn bất hợp pháp, khi bị truy tố đều chỉ nhận án treo. Những lỗ hổng lớn gây thất thu tiền thuế của Nhà nước tại các vụ chuyển nhượng dự án, chuyển quyền sử dụng đất bất hợp pháp mặc dù đã xảy ra trên thực tế nhưng hiện tại cũng chưa có hướng dẫn xử lý cụ thể”, một lãnh đạo Chi cục thuế quận Hoàng Mai cho biết.

Phó trưởng phòng PA 17, Công an thành phố Hà Nội, Nguyễn Anh Tuấn cũng cho biết: Số lượng thuế bị thất thoát tại các dự án đầu tư, chuyển đổi hiện cũng trong tình trạng không thể kiểm soát. Đơn cử, có dự án vốn đầu tư ban đầu chỉ khoảng hơn 10 tỷ đồng, sau đó được chuyển nhượng với giá hơn 100 tỷ đồng. Số tiền chênh lệch quá lớn, song, đối tượng nào phải nộp thuế cho Nhà nước trong trường hợp này thì pháp luật vẫn chưa quy định cụ thể.

Việc khởi tố doanh nghiệp “ma” hiện cũng đang gặp nhiều khó khăn khi thu thập chứng cứ, bởi đối tượng vi phạm và phát tán hàng ngàn tờ hóa đơn bất hợp pháp đi khắp các tỉnh, thành phố trên toàn quốc.

Trong khi đó, cán bộ công an phục vụ đấu tranh chống tội phạm trong lĩnh vực thuế hiện không được hưởng bất kỳ nguồn kinh phí hỗ trợ nào từ ngân sách Nhà nước. Nhiều vụ gian lận thuế đã được phá án, truy thu hàng chục tỷ đồng tiền thuế cho ngân sách, song cơ quan quản lý lại gặp khó khăn khi chi công tác phí cho cán bộ trực tiếp làm nhiệm vụ.

Sự phối hợp lỏng lẻo giữa hai cơ quan thuế và công an cũng là một trong những bất cập hiện nay.

Đại diện PC 15, Công an thành phố Hà Nội thừa nhận, tại cấp xã, huyện, quy trình phối hợp liên ngành thuế-công an hầu như không có. Điều này khiến kết quả đấu tranh thu được chưa phản ánh đúng tình trạng gian lận thuế hiện nay./.

Anh Tùng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục