Hạ tín nhiệm Hy Lạp và 16 ngân hàng Tây Ban Nha

Hy Lạp bị hạ từ B- xuống CCC "dễ vỡ nợ" do rủi do ngày càng lớn nước này có thể buộc phải rời khỏi khu vực đồng tiền chung Châu Âu.
Hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings ngày 17/5 đã hạ một bậc tín nhiệm của Hy Lạp từ B- xuống CCC "dễ vỡ nợ" do rủi do ngày càng lớn nước này có thể buộc phải rời khỏi khu vực đồng tiền chung Châu Âu (eurozone).

Fitch cho rằng "việc hạ tín nhiệm chủ quyền của Hỵ Lạp phản ánh rủi ro tăng thêm Hy Lạp có thể không thể duy trì tư cách thành viên của Liên minh Kinh tế và Tiền tệ (EMU)".

Trong một diễn biến khác cùng ngày, Moody's cũng đã hạ mức xếp hạng tín dụng của 16 ngân hàng Tây Ban Nha lần lượt từ 1 đến 3 bậc do lo ngại tác động của cuộc suy thoái đang diễn ra cùng khả năng thanh toán nợ của nước này đang yếu dần.

Hơn nửa tháng trước, 11 ngân hàng Tây Ban Nha cũng đã bị Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor's hạ mức xếp hạng tín dụng của  do lo ngại về hệ thống tài chính và triển vọng kinh tế nghèo nàn của nước này.

Hai ngân hàng lớn nhất Tây Ban Nha là Santander và BBVA bị đánh tụt hạng nhiều nhất với 3 bậc từ Aa3 xuống A3 với triển vọng tín dụng yếu.

Hai ngân hàng lớn tiếp theo là Banesto và CaixaBank cũng bị tụt xuống bậc A3.

Moody's cho rằng cùng với suy thoái kinh tế, khủng hoảng nhà đất và tỷ lệ thất nghiệp liên tục gia tăng là những nhân tố chính khiến tổ chức này hạ mức xếp hạng tín dụng của các ngân hàng Tây Ban Nha xuống nhiều bậc.

Mặc dù thừa nhận một số xu hướng tích cực như cải thiện việc tăng vốn cho các ngân hàng, sự hỗ trợ cho thanh khoản từ chính phủ và đặc biệt từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Moody's cho rằng những nhân tố này đang bị phủ bóng đen bởi những thách thức đe doạ làm giảm sút lợi nhuận và làm xói mòn khả năng vốn của nhiều ngân hàng.

Trước đó, cơ quan đánh giá tín dụng này cũng hạ bậc xếp hạng của bốn thể chế hành chính cấp vùng (gồm Catalonia, Murcia, Andalucia và Extremadura) của Tây Ban Nha từ một đến hai bậc do tình hình tài chính yếu kém trong năm 2011 của các vùng này cũng như việc chính quyền địa phương khó có khả năng đáp ứng mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách năm 2012./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục