Hai nền tảng tư tưởng có ý nghĩa đặc biệt của Việt Nam và Lào

Tư tưởng Hồ Chí Minh với cách mạng Việt Nam và Tư tưởng Kaysone Phomvihane với cách mạng Lào có ý nghĩa quan trọng đặc biệt và đây cũng là lĩnh vực mà các cơ quan hai nước sẽ tăng cường hợp tác.
Hai nền tảng tư tưởng có ý nghĩa đặc biệt của Việt Nam và Lào ảnh 1Quang cảnh buổi tiếp. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Lào, chiều 29/8 tại thủ đô Vientiane, Phó Chủ tịch nước Lào, ông Phankham Viphavan, đã tiếp thân mật Đoàn đại biểu Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Đoàn Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam sang Lào dự Hội thảo khoa học “Tư tưởng Hồ Chí Minh với cách mạng Việt Nam, Tư tưởng Kaysone Phomvihane với cách mạng Lào."

Đoàn đại biểu Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh do giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện làm Trưởng đoàn và Đoàn Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam do giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Quang Thuấn, Viện trưởng làm Trưởng đoàn​.

Báo cáo với Phó Chủ tịch nước Lào về kết quả hợp tác giữa Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Học viện Chính trị và Hành chính Quốc gia Lào và Viện Khoa học xã hội Quốc gia Lào sau khi 4 cơ quan ký thỏa thuận hợp tác tại Vientiane vào tháng 10/2016, ông Nguyễn Xuân Thắng cho biết trong thời gian gần 1 năm qua, 4 cơ quan đang tăng cường thúc đẩy triển khai các nội dung hợp tác đã ký trong Thỏa thuận và cuộc Hội thảo ngày 30/8 tại Học viện Hành chính Quốc gia Lào cũng là một trong những nội dung hợp tác giữa 4 cơ quan.

Ông Nguyễn Xuân Thắng khẳng định việc nghiên cứu về Tư tưởng Hồ Chí Minh với cách mạng Việt Nam và Tư tưởng Kaysone Phomvihane với cách mạng Lào có ý nghĩa quan trọng đặc biệt đối với hai nước và đây cũng là lĩnh vực mà 4 cơ quan sẽ tăng cường hợp tác trong thời gian tới.

[Tăng cường quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai nước Việt Nam-Lào]

Phó Chủ tịch nước Lào Phankham Viphavan khẳng định chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh đặc biệt khi hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước đang tưng bừng tổ chức các sự kiện chào mừng Năm Đoàn kết Hữu nghị Lào-Việt Nam.

Ông Phankham Viphavan đánh giá cao sự hợp tác của 4 cơ quan trong thời gian qua; khẳng định sự hợp tác giữa 4 cơ quan sẽ góp phần hoàn thiện hơn đường lối lãnh đạo của Đảng, bởi Đảng lãnh đạo phải dựa trên cơ sở khoa học, nếu không sẽ dẫn tới xa rời thực tiễn, đây là điều đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Lào đang củng cố và chỉnh đốn Đảng, đưa nguyên tắc tập trung dân chủ vào trong Đảng.

Phó Chủ tịch nước Lào cũng đánh giá cao việc tác phẩm Hồ Chí Minh toàn tập được các cơ quan hai nước phối hợp dịch sang tiếng Lào; khẳng định điều này sẽ giúp cán bộ, Đảng viên của Lào được tiếp cận, nghiên cứu, phục vụ cho việc đề ra đường lối lãnh đạo đúng đắn.

Đánh giá cao chủ đề Hội thảo sẽ diễn ra vào ngày 30/8, ông Phankham Viphavan nhấn mạnh Tư tưởng Hồ Chí Minh và Tư tưởng Kaysone Phomvihane là nền tảng tư tưởng của hai nước Lào và Việt Nam, yêu cầu 4 cơ quan phải làm thế nào để có thể lồng ghép Tư tưởng Hồ Chí Minh và Tư tưởng Kaysone Phomvihane vào lĩnh vực nghiên cứu càng nhiều càng tốt.

Ngày 21/10/2016 tại thủ đô Vientiane, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Học viện Chính trị và Hành chính quốc gia Lào, Viện Khoa học xã hội quốc gia Lào đã ký Thỏa thuận hợp tác khoa học 4 bên giai đoạn 2016-2020 nhằm nhằm tăng cường giao lưu khoa học, phối hợp và hỗ trợ lẫn nhau thực hiện các đề tài khoa học, tổ chức các hội thảo khoa học quốc tế; cung cấp các luận cứ khoa học cho việc xây dựng và phát triển quan hệ hữu nghị đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam…

Theo Thỏa thuận được ký kết, các bên sẽ cùng nhau nghiên cứu và trao đổi kinh nghiệm về những vấn đề lý luận và thực tiễn phát triển đất nước và hội nhập quốc tế của Việt Nam và Lào; hỗ trợ lẫn nhau trong việc đào tạo lý luận chính trị, chuyên môn ngoại ngữ và đào tạo chuyên gia; tăng cường tổ chức nghiên cứu chung về các đề tài ở khu vực biên giới hai nước, và chú trọng Tiểu vùng sông Mekong.

Ngoài ra, còn trao đổi học giả, phối hợp cùng tổ chức các hội thảo và tọa đàm khoa học có sự tham gia của các bên; mở rộng hợp tác và hội nhập quốc tế, hỗ trợ lẫn nhau tham gia các mạng lưới nghiên cứu trong khu vực và thế giới; trao đổi thông tin tư liệu, các kết quả nghiên cứu cùng quan tâm; tổ chức dịch và xuất bản các công trình khoa học xã hội của Việt Nam bằng tiếng Lào./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục