Hải quan: Chưa có dấu hiệu bảo kê xếp 'lốt' xuất khẩu nông sản

Bộ Tài chính cho biết việc sắp xếp thứ tự các phương tiện vận tải chuyên chở hàng nông sản xuất khẩu trong khu vực cửa khẩu sẽ do lực lượng Biên phòng và Ban quản lý của cửa khẩu thực hiện.
Hải quan: Chưa có dấu hiệu bảo kê xếp 'lốt' xuất khẩu nông sản ảnh 1Xuất nhập khẩu hàng hóa tại cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn. (Ảnh: Vietnam+)

Thời gian gần đây, hoạt động xuất nhập khẩu tại các tỉnh biên giới giáp Trung Quốc xuất hiện tình trạng ùn tắc lượng lớn hàng hóa chờ xuất khẩu tại Lạng Sơn, Quảng Ninh.

Qua rà soát, đại diện Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) khẳng định đến thời điểm hiện tại, các Chi cục Hải quan tại các cửa khẩu đã thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo quy định, không có việc chỉ đạo, tiếp tay của lãnh đạo, công chức hải quan cho các hoạt động “luật ngầm,” chưa phát hiện có dấu hiệu bảo kê, tiêu cực trong việc xếp “lốt,” chi cho “nhà luật” để được xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc qua các cửa khẩu.

Hải quan không tiếp xúc trực tiếp với lái xe

Thông tin Bộ Tài chính cho biết việc thực hiện quản lý phương tiện vận tải hàng hóa xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc có sự tham gia trực tiếp của nhiều lực lượng, bao gồm Ban Quản lý cửa khẩu, Biên phòng, Hải quan…

Trong đó, việc sắp xếp thứ tự các phương tiện vận tải chuyên chở hàng nông sản xuất khẩu trong khu vực cửa khẩu sẽ do lực lượng Biên phòng và Ban quản lý của cửa khẩu thực hiện. Vì vậy, cơ quan Hải quan chỉ thực hiện công tác đăng ký tờ khai, thực hiện giám sát hàng hóa xuất khẩu, doanh nghiệp chỉ nộp duy nhất một khoản tiền lệ phí theo quy định của pháp luật do Kho bạc nhà nước thu (20.000 đồng/tờ khai).

Theo phân luồng làm thủ tục hải quan, trên cơ sở các biện pháp quản lý rủi ro trong nghiệp vụ, hầu hết các lô hàng nông sản xuất khẩu đều thuộc luồng xanh, không phải kiểm tra thực tế hàng hóa. Mặt khác, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công chức hải quan phải thực hiện các biện pháp phòng, chống COVID-19 trong khu vực cửa khẩu nên sẽ không tiếp xúc, làm việc trực tiếp với lái xe mà thực hiện thủ tục hành chính với người khai hải quan.

Mặt khác, Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh đã chỉ đạo, triển khai các biện pháp rà soát, đánh giá việc thực hiện quy trình thủ tục tại các Chi cục Hải quan cửa khẩu, thực hiện các biện pháp kiểm soát nội ngành, bảo vệ chính trị nội bộ (đảm bảo công chức hải quan không thực hiện, tiếp tay, bảo kê cho hành vi tham nhũng, tiêu cực, phiền hà, sách nhiễu, vi phạm pháp luật).

Đại diện Bộ Tài chính khẳng định sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp tránh ách tắc hàng hóa tại cửa khẩu, đảm bảo công tác quản lý hải quan và hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp xuất nhập-khẩu nói chung và doanh nghiệp xuất khẩu nông sản nói riêng.

Nhiều giải pháp tháo gỡ ánh tắc hàng hóa

Theo Bộ Tài chính, hoạt động xuất nhập khẩu tại các tỉnh biên giới giáp Trung Quốc xuất hiện tình trạng ùn tắc lượng lớn hàng hóa chờ xuất khẩu chủ yếu tại các địa phương có hoạt động thông thương lớn với Trung Quốc, như Lạng Sơn, Quảng Ninh.

Tại Lạng Sơn, phía Trung Quốc vẫn duy trì thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19 nghiêm ngặt nhưng hiệu suất thông quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đã tăng hơn so với thời gian trước.

Theo đó, hàng hóa thông quan trung bình chỉ khoảng 400-500 xe/ ngày, trong đó hàng hóa xuất khẩu chỉ khoảng 100 xe và 400-500 xe hàng nhập khẩu. Tổng lượng xe chờ xuất khẩu tại 3 khu vực cửa khẩu đường bộ Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma gần 2.000 xe.

Tại Quảng Ninh, sau Tết Nguyên đán, phía Trung Quốc chưa bố trí được phương tiện vận tải và công nhân bốc xếp nên nhiều điểm thông quan hoạt động cầm chừng hoặc không hoạt động được. Thông tin từ Ban Quản lý cửa khẩu, Cục Thương vụ và quản lý cửa khẩu Đông Hưng (Trung Quốc) sẽ tạm dừng thông quan qua Lối mở Cầu phao Km3+4 từ ngày 20/2, để phun khử khuẩn toàn bộ khu vực bãi kiểm hóa Đông Hưng-Trung Quốc (do 01 xe tôm đông lạnh xuất khẩu có mẫu dương tính  SARS-CoV-2) và thời gian thông quan trở lại sẽ được thông báo sau.

Tổng cục Hải quan đã có công văn số 375/TCHQ-GSQL đề nghị Cục Hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện thủ tục hải quan 24/7 đồng thời chủ động nắm sát tình hình thực tế, giải quyết các vướng mắc thực tế phát sinh để tiếp tục thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, hạn chế ùn tắc.

Các giải pháp thực hiện bao gồm tạo điều kiện tối đa và thực hiện thông quan nhanh chóng trong ngày (kể cả ngoài giờ hành chính); phối hợp với các lực lượng các cơ quan chức năng khác điều tiết giao thông cho xe ra vào, tránh ùn tắc, đảm bảo công tác phòng, chống dịch cũng như hạn chế chi phí phát sinh cho doanh nghiệp, thương nhân.

Ngoài ra, các đơn vị phối hợp với các doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi tại khu vực cửa khẩu bố trí địa điểm và tạo điều kiện cho việc bảo quản, phân loại chất lượng hàng hóa của doanh nghiệp trong thời gian chờ xuất khẩu; làm việc với doanh nghiệp có hàng hóa đang ùn tắc tại các cửa khẩu và kho ngoại quan tại khu vực cửa khẩu để xác định nhu cầu lưu giữ hàng hóa chờ xuất khẩu; phối hợp với các cơ quan chức năng quản lý trên địa bàn chủ động trao đổi, hội đàm với các cơ quan chức năng quản lý tại cửa khẩu phía Trung Quốc nhằm tăng cường năng lực thông quan, giải quyết nhanh tình trạng ùn tắc…

Từ ngày 27/1, Tổng cục Hải quan đã chính thức triển khai trên Cổng thông tin một cửa quốc gia về Chức năng cảnh báo chống ùn tắc. Theo đó, doanh nghiệp vận tải, xuất nhập khẩu và các cơ quan liên quan có thể sử dụng chức năng trên để tra cứu lưu lượng phương tiện tại cửa khẩu; qua đó đưa ra phương án điều tiết, điều chỉnh kế hoạch vận chuyển hàng hóa phù hợp với tình hình thực tế./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục