Hải quân Việt Nam - điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển

Các tàu kiểm ngư cùng lực lượng không quân khi phát hiện tàu cá đến đường biên giới đã khẩn trương tuyên truyền cho ngư dân để họ không vi phạm ranh giới, thực hiện đúng quy định khi đánh bắt hải sản.
Hải quân Việt Nam - điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển ảnh 1Lãnh đạo Quân chủng Hải quân khen thưởng các cá nhân có thành tích cao trong công tác tham mưu, tổ chức thực hiện Chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển”. (Ảnh: Phan Sáu/TTXVN)

Sáng 23/9, tại tỉnh Khánh Hòa, Quân chủng Hải quân, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển” (Chương trình) giai đoạn 2019-2022.

Tham dự hội nghị có trên 300 đại biểu đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, 28 tỉnh, thành phố ven biển và ngư dân tiêu biểu.

Theo báo cáo của Quân chủng Hải quân, Việt Nam hiện có khoảng 20 triệu cư dân ven biển, 83 cảng cá, 66 khu neo đậu và hơn 96.000 tàu cá các loại.

Tổng sản lượng thủy sản khai thác duy trì hằng năm đạt từ 3,7-3,9 triệu tấn; kinh tế thủy sản khai chiếm 4-5% GDP; tổng giá trị xuất khẩu đạt hơn 8,5 tỷ USD, chiếm 9-10% tổng kim ngạch xuất khẩu quốc gia.

Lực lượng ngư dân với nghề khai thác thủy sản không chỉ đóng góp vào việc phát triển kinh tế-xã hội mà còn là nguồn lực quan trọng để xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận chiến tranh nhân dân trên biển.

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận những kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, nguyên nhân, kinh nghiệm rút ra trong quá tình thực hiện Chương trình phối hợp đã được ký kết giữa Quân chủng Hải quân với các địa phương.

Bình Định là tỉnh có lực lượng ngư dân tham gia thác thủy hải sản trên biển khá lớn, hằng năm đạt 250.000 tấn hải sản.

Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh, cho biết thực hiện chương trình phối hợp với lực lượng hải quân, các bên đã kịp thời tuyên truyền, vận động, xử lý, không để ngư dân đánh bắt hải sản bằng phương tiện, hình thức trái pháp luật, đánh bắt hải sản trái phép trên vùng biển nước ngoài.

Thời gian tới, tỉnh Bình Định mong muốn lực lượng hải quân tăng cường ngăn chặn tàu nước ngoài xâm phạm tàu cá ngư dân, tuyên truyền cho ngư dân không xâm hại vùng biển nước ngoài và hỗ trợ tàu cá bị nạn, cấp phát thuốc cho ngư dân, tạo niềm tin để ngư dân tham gia đánh bắt trên biển.

Nhiều ngư dân tham dự hội nghị cho biết họ gặp nhiều khó khăn khi đi đánh bắt do giá xăng dầu tăng, thiếu nguồn lao động, nguồn thủy sản ít dần, giá hải sản thấp. Do đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ ngư dân. Thời gian qua, lực lượng hải quân đã phối hợp và hỗ trợ ngư dân đánh bắt trên biển.

Thời gian tới, ngư dân mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, nhất là sự hiện diện thường xuyên của hải quân trên biển để ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển.

[Hải quân góp phần xây dựng vững chắc thế trận lòng dân trên biển]

Trong các ý kiến của đại diện các địa phương, đơn vị và ngư dân, nội dung phòng, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp trên biển rất được quan tâm.

Phát biểu tại hội nghị, Trung tướng Nguyễn Văn Bổng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân chủng Hải quân, nhấn mạnh với nội dung này, Quân chủng Hải quân đã thực hiện tuyên truyền rộng rãi đến ngư dân. Các tàu kiểm ngư cùng lực lượng không quân khi phát hiện tàu cá đến đường biên giới đã khẩn trương tuyên truyền cho ngư dân để họ không vi phạm ranh giới, thực hiện đúng quy định khi đánh bắt hải sản.

Từ năm 2019 đến nay, số lượng tàu cá đánh bắt ở nước ngoài có giảm, tuy nhiên cần làm tốt hơn thời gian tới.

Từ năm 2019-2022, Quân chủng Hải quân duy trì nghiêm lực lượng, phương tiện trực sẵn sàng chiến đấu trên các vùng biển, phối hợp với đơn vị, địa phương thực hiện tốt nhiều nội dung trong Chương trình như giúp đỡ, hỗ trợ cứu nạn cứu hộ ngư dân, tàu thuyền gặp nạn trên biển…

Hải quân Việt Nam - điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển ảnh 2Trung tướng Nguyễn Văn Bổng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân chủng Hải quân, phát biểu kết luận Hội nghị. (Ảnh: Phan Sáu/TTXVN)

Trung tướng Nguyễn Văn Bổng đề nghị các đơn vị trong Quân chủng Hải quân ngoài chủ động tuyên truyền về quy định của pháp luật, phòng chống khai thác khai thác thủy sản bất hợp pháp khi hoạt động trên biển cần lựa chọn mô hình, việc làm cụ thể theo hướng toàn diện, sâu rộng, thiết thực, hiệu quả, sát với nhu cầu, lợi ích của ngư dân để nhân rộng. Cùng với đó là cung cấp miễn phí nước ngọt, sửa chữa tàu cá, tuyên truyền, vận động người dân làm tốt hơn công tác phát hiện các vi phạm về chủ quyền biển, đảo...

“Quân chủng nhận thức đầy đủ việc giúp đỡ, hỗ trợ ngư dân không chỉ là nhiệm vụ mà còn là mệnh lệnh từ trái tim. Những ngư dân đánh bắt trên biển là những cột mốc sống bảo vệ chủ quyền trên biển, đảo. Do đó, chúng tôi mong muốn ngư dân nhận thức đầy đủ các nội dung, quy định khi vươn khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền bảo vệ biển, đảo," Trung tướng Nguyễn Văn Bổng nói.

Chuẩn đô đốc Phạm Văn Luyện, Phó Chủ nhiệm Chính trị Hải quân, cho biết sau 3 năm thực hiện Chương trình trong điều kiện tình hình thế giới, khu vực diễn biến nhanh chóng, phức tạp, lực lượng hải quân đã làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm về nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo, ý thức chấp hành pháp luật trong đánh bắt hải sản, góp phần củng cố niềm tin cho ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển.

Với phương châm “lo cho dân như người thân của mình," “giúp đỡ ngư dân là mệnh lệnh của trái tim”, cán bộ, chiến sĩ Hải quân luôn sẵn sàng có mặt ở mọi lúc, mọi nơi, trên khắp các vùng biển cả nước để hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân đánh bắt, khai thác hải sản.

Quân chủng Hải quân đã tổ chức trên 500 đợt hoạt động, điều động 365 lượt tàu, 16 lượt máy bay, 58 lượt xuồng cùng các cán bộ, chiến sĩ tham gia tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ, giúp đỡ ngư dân; cứu kéo trên 300 lượt tàu bị mắc cạn, máy hỏng và trên 1.200 ngư dân gặp nạn. Lực lượng này hỗ trợ nước ngọt, lương thực, thực phẩm và cung cấp dịch vụ thu mua hải sản, bán nhiên liệu bằng với giá trong đất liền, khám chữa bệnh cho ngư dân, sắp xếp tàu thuyền tránh trú bão…

Lực lượng hải quân đã kết hợp chặt chẽ các nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, quản lý, bảo vệ chủ quyền với tuyên truyền, ngăn chặn tàu cá nước ngoài xâm phạm trái phép vùng biển Việt Nam, bảo vệ ngư trường hợp pháp, bảo vệ tài sản, tính mạng của người dân.

Các tàu trực của Hải quân Việt Nam duy trì tàu giám sát nghề cá trên vùng biển giáp ranh với các nước trong khu vực nhằm hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản đúng pháp luật của ta, không vi phạm vào vùng biển của nước ngoài... Điều quan trọng nhất, từ khi có lực lượng hải quân trên biển, vai trò của ngư dân tham gia xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân trên biển, đấu tranh chống các hoạt động xâm phạm vùng biển Việt Nam ngày càng được phát huy tốt hơn.

Dịp này, Quân chủng Hải quân đã khen thưởng 51 tập thể, 51 cá nhân có thành tích cao trong công tác tham mưu, tổ chức thực hiện Chương trình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục