Hai thần đồng tuổi teen và vụ sát hại một đứa trẻ gây sốc cho nước Mỹ

Nathan Leopold và Richard Loeb đã giết một đứa trẻ chỉ vì cảm giác mạnh và để chứng minh rằng những người có trí tuệ vượt trội như họ có thể thoát khỏi sự trừng phạt.

Nathan Leopold (trái) và Richard Loeb (phải) tại phiên tòa xét xử. (Nguồn: Getty Images)
Nathan Leopold (trái) và Richard Loeb (phải) tại phiên tòa xét xử. (Nguồn: Getty Images)

Một vụ án xảy ra 100 năm trước đã khiến nước Mỹ rúng động vì sự tàn ác, máu lạnh của hai kẻ giết người tuổi teen cũng như thành phần xuất thân của những thủ phạm.

Chiều 21/5/1924, hai thanh niên Nathan Leopold và Richard Loeb đi vòng quanh một khu vực rợp bóng cây ở Chicago, tìm kiếm “con mồi” để giết hại.

Không bị thúc đẩy bởi động cơ báo thù, tham lam hay thù hận, họ muốn giết một đứa trẻ chỉ vì cảm giác hồi hộp và để chứng minh rằng những người có trí tuệ vượt trội như họ có thể thoát khỏi tội giết người.

Loeb, 18 tuổi, một năm trước đó đã trở thành sinh viên tốt nghiệp trẻ nhất trong lịch sử Đại học Michigan, tự cho mình là tên tội phạm bậc thầy, trong khi Leopold, 19 tuổi, sinh viên luật Đại học Chicago, bị ám ảnh bởi khái niệm của triết gia người Đức Friedrich Nietzsche về những “siêu nhân” vượt trội về mặt trí tuệ mà luật pháp và quy tắc đạo đức không thể áp dụng.

Sau 7 tháng lên âm mưu cho “tội ác hoàn hảo,” Leopold và Loeb đi vòng quanh trên chiếc ôtô thuê với hy vọng tìm được nạn nhân thích hợp cho hành vi tội ác của mình, cho đến khi chúng phát hiện ra con mồi đang đi dọc Đại lộ Ellis.

Đề nghị chở nạn nhân về nhà, Loeb dụ Bobby Franks, 14 tuổi, em họ của mình và là con trai của một nhà công nghiệp giàu có, ngồi vào ghế phụ bên lái.

Hầu hết các nhà nghiên cứu vụ án đều tin rằng trong khi Leopold lái xe, Loeb đã tóm lấy cậu bé từ phía sau và dùng đầu cùn của một cái đục đập vào sau đầu cậu trước khi nhét một miếng giẻ vào cổ họng và bịt miệng cậu lại.

Với thi thể vô hồn của cậu bé nằm trên sàn sau, Leopold và Loeb lái xe cho đến khi màn đêm buông xuống, thậm chí còn dừng lại để mua xúc xích và bia tươi.

Vào lúc chạng vạng, họ đến một khu vực vắng vẻ phía đông nam Chicago, đổ axit clohydric lên thi thể bị lột trần của nạn nhân để cảnh sát không thể nhận dạng được rồi nhét vào cống nước ngập dưới kè đường sắt.

toi ac 3.jpg
Thi thể cậu bé Bobby Franks được tìm thấy trong một đoạn cống. (Nguồn: Corbis)

Để đánh lạc hướng cảnh sát, Leopold đã gọi cho mẹ cậu bé từ điện thoại của hiệu thuốc và tự nhận mình là kẻ bắt cóc tên là George Johnson. Anh ta đảm bảo với mẹ cậu bé rằng con trai bà vẫn an toàn và sẽ được thả với số tiền chuộc 10.000 USD.

Một tờ giấy đòi tiền chuộc với những hướng dẫn đã được gửi đến nhà bố mẹ Franks vào sáng hôm sau. Từ ngữ hoàn hảo của bức thư khiến cảnh sát ban đầu nghi ngờ thủ phạm là một trong số các giáo viên ở trường dự bị của cậu bé.

Tuy nhiên, trước khi trả tiền chuộc, gia đình nhận được thông tin về cái chết của Franks khi một người qua đường phát hiện thi thể cậu bé vào buổi sáng sau vụ giết người.

Được tìm thấy gần xác chết là một cặp kính gọng sừng với bản lề đặc biệt mà nhà phân phối duy nhất ở Chicago chỉ bán được ba cặp - một cho một phụ nữ vẫn còn kính, một cho một luật sư đi du lịch nước ngoài và một cho Leopold, người đã bất cẩn đánh rơi khi di chuyển thi thể nạn nhân.

Leopold đã cung cấp cho cảnh sát một bằng chứng ngoại phạm không vững chắc rằng anh ta và Loeb đã lái xe vòng quanh Chicago trên chiếc xe gia đình vào đêm xảy ra án mạng và đón được hai cô gái mà anh ta không biết tên.

Tuy nhiên, tài xế của gia đình Leopold khai với cảnh sát rằng chiếc xe của gia đình Leopold vẫn ở trong gara vào đêm hôm đó. Ngoài ra, chữ viết tay của Leopold khớp với chữ viết trên phong bì thư đòi tiền chuộc và chiếc máy đánh chữ dùng để soạn bức thư cũng trùng khớp với chiếc máy đánh chữ của Leopold.

Với bằng chứng ngày càng tăng, Leopold và Loeb đã thú nhận tội ác. Tuy nhiên, mỗi người đều tự nhận mình là tài xế và cho rằng người kia là kẻ giết người. Vụ giết người gây sốc đến mức báo chí tuyên bố đây là “tội ác thế kỷ.”

Vụ án gây chấn động vì sự giàu có và địa vị xã hội của những kẻ giết người, điều này đi ngược lại với lý thuyết phổ biến lúc bấy giờ rằng tội phạm chỉ giới hạn ở tầng lớp thấp hơn.

toi ac 2.jpg
Nathan Leopold và Richard Loeb vẫn mỉm cười tại phiên tòa xét xử tội giết người. (Nguồn: Getty Images)

Điều khiến vụ việc trở nên bất thường là phản ứng không khoan nhượng của Leopold và Loeb. Thay vì bày tỏ sự hối tiếc hay ăn năn, họ thực sự nói rằng nếu có cơ hội, họ sẽ làm lại.

Leopold nói với một phóng viên: “Việc sử dụng con người cho mục đích nghiên cứu khoa học không phải là tội ác. Niềm khao khát kiến thức là điều rất đáng khen ngợi, bất kể nó có thể gây ra đau đớn và tổn thương đến mức nào cho người khác. Một cậu bé sáu tuổi có quyền rút cánh khỏi con ruồi nếu làm như vậy cậu bé hiểu được không có cánh thì con ruồi sẽ không thể bay.”

Để cứu Leopold và Loeb khỏi giá treo cổ, cha mẹ họ đã thuê luật sư bào chữa giỏi nhất mà họ có thể dùng tiền thuê được.

Luật sư yêu cầu thẩm phán coi độ tuổi còn trẻ, lời nhận tội và tình trạng tâm thần của hai bị cáo là những yếu tố giảm nhẹ.

Sau cuộc tranh tụng kéo dài 12 giờ, thẩm phán phán quyết tha cho các bị cáo án tử hình và kết án họ chung thân cộng thêm 99 năm tù.

Loeb chết năm 1936 sau khi bị một tù nhân dùng dao cạo chém trong lúc tắm trong nhà tù. Leopold qua đời ở Puerto Rico vào năm 1971 sau khi được ân xá 13 năm trước đó./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục