Hạn hán đang hoành hành tại các tỉnh phía Nam

Khô hạn, nắng nóng, nhiệt độ tăng cao khiến cho đời sống và sản xuất của người dân ở các tỉnh phía Nam bị ảnh hưởng nặng nề.
Những ngày gần đây, tại nhiều tỉnh phía Nam, nắng nóng gây khô hạn, ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất và đời sống nhân dân.

Để khẩn trương cứu hàng chục ngàn ha lúa, tôm, hoa màu đang gặp khô hạn, Bạc Liêu xuất ngân sách hơn 3 tỷ đồng sử dụng vào việc đắp lại gần 200 con đập thời vụ, cống phân ranh mặn-ngọt, giúp nông dân bảo vệ vụ mùa trong điều kiện nắng nóng gay gắt hiện nay.

Tỉnh huy động phương tiện cho nạo vét, khai thông hơn 100 tuyến với hàng chục km kênh thủy lợi nội đồng để dẫn nước cứu nguy cho hơn 20.000ha lúa đông xuân muộn tại các huyện cuối nguồn Giá Rai, Phước Long.

Nhưng do phần lớn kênh rạch vùng ngọt khô cạn nước, hàng trăm ha lúa khô nước trong nhiều ngày qua, đặc biệt có cả trăm ha lúa ở huyện Giá Rai đã chết khô nên khó bảo vệ được đến cuối vụ.

Cùng chung với cây lúa, hàng ngàn ha nuôi tôm sú cũng thiếu nước trầm trọng. Khô nước, nắng nóng, nhiệt độ tăng cao xảy ra tôm chết hàng loạt ở nhiều nơi.

Do thời tiết nắng nóng kéo dài và liên tục phải xả tràn, mực nước hồ Dầu Tiếng (Tây Ninh) đo được ngày 22/3 chỉ còn 20,36m, tương đương 846 triệu m3, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái hơn 1,65m, tương đương 272 triệu m3.

Dự kiến khoảng 50% diện tích trồng lúa vụ hè thu (khoảng 32.000ha) của Tây Ninh và huyện củ Chi (Thành phố Hồ Chí Minh) sẽ thiếu nước tưới.

Các địa phương trong tỉnh đang tổ chức cho người dân nạo vét kênh mương, khai thông dòng chảy, đồng thời đào thêm giếng nước ngầm để chống hạn cho cây lúa và hoa màu.

Công ty Khai thác công trình thủy lợi Tây Ninh cũng hướng dẫn trạm thủy nông các huyện phân công trực điều tiết nước hợp lý, đồng thời đắp chặn kênh tiêu giữ nước, cắt giảm nguồn nước nơi không có nhu cầu sử dụng nước để tập trung cung cấp nguồn nước cho vùng sản xuất lúa.

Tại Cà Mau, tình trạng hạn hán vẫn diễn ra gay gắt. Nắng nóng ban ngày lên tới 36-37 độ C liên tục gần 3 tháng nay khiến cho hàng trăm ngàn ha ruộng khô quánh, nứt nẻ. Nước ở ao, đìa, các con kênh, mương đã cạn kiệt. Dự báo nắng hạn sẽ còn kéo dài đến hết tháng 4.

Để đối phó với tình hình trên, Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau chỉ đạo ngành điện bảo đảm nguồn điện tối đa để các nhà máy nước hoạt động liên tục, cấp nước tối thiểu cho người dân, nhất là dân nông thôn. Ngành y tế địa phương đã cử nhiều đoàn cán bộ chuyên môn xuống tận cơ sở, hướng dẫn bà con trong sinh hoạt, ăn uống để phòng bệnh.

Theo báo cáo từ ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Cà Mau, 250.000 ha nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh đã không còn nước, phải gác lại việc thả tôm nuôi trái vụ. 70.000ha rừng tràm đang đối mặt với cháy, chính quyền địa phương phải huy động gần 1.000 người túc trực canh rừng.

Nắng hạn đã khiến nông dân bị thiệt hại 10.000ha hoa màu do không có nước tưới. Nước sinh hoạt của nông dân nông thôn cũng gặp khó khăn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục