Báo Joongang Ilbo cho hay chính phủ Hàn Quốc cần xem xét lại quy định về y tế và chi trả các hỗ trợ y tế để người dân tự giác thực hiện các biện pháp phòng dịch COVID-19, tránh lây nhiễm lan rộng trong cộng đồng.
Tình hình dịch bệnh COVID-19 ở Hàn Quốc đang diễn biến phức tạp hơn khi số ca lây nhiễm mới trong ngày 27/7 đã lần đầu tiên sau ba tháng vượt mốc 100.000 ca.
Giới chức y tế cho rằng một số trường hợp tương tự khác cũng đang có các triệu chứng như ho và sốt cao, nhưng lại miễn cưỡng đi xét nghiệm tại trung tâm y tế khiến tình hình dịch bệnh có thể phức tạp hơn.
Sự gia tăng đáng kể trở lại các ca mắc không khai báo chủ yếu bắt nguồn từ quy định của chính phủ Hàn Quốc trong việc điều chỉnh các xét nghiệm kháng nguyên nhanh miễn phí thành các xét nghiệm tính phí kể từ tháng Tư vừa qua.
Do đó, người dân phải tự chi trả tiền cho các xét nghiệm khi họ đến bệnh viện hoặc trung tâm y tế xét nghiệm COVID-19. Ước tính, người dân chi 6.000 won (khoảng 4 USD) cho các xét nghiệm nhanh nếu họ có triệu chứng, nhưng phải trả tới 70.000 won nếu họ đến bệnh viện để xét nghiệm mà không có triệu chứng.
Việc xét nghiệm sàng lọc cũng trở nên khó khăn hơn do sau khi dịch bệnh thuyên giảm, Hàn Quốc cũng giảm mạnh số lượng trung tâm xét nghiệm tạm thời cung cấp dịch vụ xét nghiệm PCR.
[Hàn Quốc áp dụng bổ sung các biện pháp phòng dịch giai đoạn mới]
Trong thời kỳ cao điểm của đại dịch hồi tháng Hai vừa qua, toàn quốc có tới 218 trung tâm xét nghiệm và thực hiện hoàn toàn miễn phí. Cho đến nay, cả nước chỉ còn ba trung tâm và chỉ những người trên 60 tuổi cùng các nhóm ưu tiên quản lý được xét nghiệm miễn phí.
Trước tình hình dịch bùng phát trở lại do các biến thể phụ của biến thể Omicron, chính phủ Hàn Quốc có kế hoạch tăng số lượng trung tâm xét nghiệm lên 70 điểm vào cuối tháng Bảy.
Nhiều ý kiến cho rằng việc cắt giảm các hình thức hỗ trợ cho bệnh nhân, ngừng trợ cấp chi phí cần thiết cho việc điều trị tại nhà khiến nhiều người nhiễm COVID-19 không khai báo. Nhiều người cũng không đi xét nghiệm mặc dù có các triệu chứng nghi ngờ.
Trong khi đó, chính phủ Hàn Quốc vẫn loại trừ khả năng tái áp đặt các biện pháp giãn cách xã hội trên diện rộng. Ngày 27/7, chính phủ nước này đưa ra các biện pháp mới nhằm khuyến khích người dân tự giác chấp hành quy tắc phòng dịch.
Thay vì áp đặt quy chế, xử phạt hành chính, chính phủ Hàn Quốc đề nghị người dân tuân thủ sáu quy tắc phòng dịch cá nhân cơ bản, gồm hoàn thành tiêm vaccine phòng COVID-19, đeo khẩu trang, rửa tay và che miệng khi ho, thông gió và khử khuẩn, hạn chế tụ tập, khám và điều trị khi có triệu chứng.
Cùng ngày, sáu bộ ngành hữu quan như Bộ Y tế và Phúc lợi, Bộ Lao động và Bộ Việc làm Hàn Quốc đã công bố phương án xúc tiến các biện pháp phòng dịch phù hợp với đời sống thường nhật.
Bộ Lao động đề nghị các doanh nghiệp hỗ trợ người lao động sử dụng kỳ nghỉ phép nếu xuất hiện triệu chứng nghi nhiễm, hoặc nghỉ phép để chăm sóc người thân bị COVID-19 nhằm ngăn chặn các ổ dịch bùng phát.
Cho tới hết ngày 16/12 tới, nếu người lao động sử dụng ngày nghỉ phép để chăm sóc người thân mắc COVID-19 thì sẽ được hỗ trợ 50.000 won (38 USD)/ngày, tối đa trong vòng 10 ngày.
Trong khi đó, Bộ Giáo dục đề nghị các trung tâm dạy thêm chuyển sang giảng dạy trực tuyến trong kỳ nghỉ Hè, hạn chế các hoạt động tập thể, quản lý phòng dịch chặt chẽ. Bộ cũng đang xúc tiến rà soát tình hình phòng dịch tại các trung tâm dạy thêm.
Bộ Y tế thành lập và cử nhóm chuyên trách khám chữa COVID-19 cơ động tới các cơ sở điều dưỡng để phòng ngừa lây lan dịch bệnh cho nhóm có rủi ro cao, hỗ trợ y tế nhanh chóng cho các ca mắc.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có kế hoạch tăng cường kiểm tra công tác phòng dịch, đeo khẩu trang tại các cơ sở thi đấu thể thao, biểu diễn. Từ nay tới tháng Tám, bộ này sẽ tiến hành rà soát tình hình phòng dịch tại 852 cơ sở thể thao trong nhà và 213 cơ sở giải trí.
Bộ Công nghiệp, Thương mại và Năng lượng yêu cầu các cơ sở phân phối quy mô lớn như siêu thị, trung tâm thương mại tích cực quản lý thông gió, khử khuẩn thường xuyên, đảm bảo các dịch vụ ăn uống một cách an toàn.
Cơ quan Cải cách nhân sự cũng công bố phương án tự giác giãn cách xã hội ở khối nhà nước, tuyên bố sẽ tăng cường quản lý phòng dịch COVID-19 trong khối công chức cho tới hết tháng Tám như bố trí làm việc tại nhà, họp trực tuyến, hạn chế tổ chức các sự kiện, buổi liên hoan không cần thiết./.