Tuy nhiên, tại thời điểm hiện nay, Seoul vẫn tỏ ra do dự trước lời mời đầy thiện chí đó của Mỹ. Đáng chú ý, điều này diễn ra trong bối cảnh Hàn Quốc đang tích cực thương lượng hiệp định thương mại tự do (FTA) với các tổ chức khu vực và các nước khác theo “Lộ trình thúc đẩy các hiệp định thương mại tự do (FTA)” mà Seoul đã công bố hồi tháng 9/2003.
Mỹ vẫy gọi
Tháng 3/2010, Mỹ và 7 nước khác đã khởi động tiến trình trình đàm phán về TPP nhằm hướng tới “mục tiêu xây dựng một hiệp định khu vực toàn diện và tiêu chuẩn cao trong thế kỷ 21.” Washington khẳng định TPP là một “phương tiện để hội nhập kinh tế trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, qua đó tăng cường quan hệ của Mỹ với các nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ trong khu vực.”
Mặc dù vậy, theo nhiều chuyên gia phân tích, TPP là một "kênh" để Mỹ mở rộng ảnh hưởng về kinh tế ở châu Á. Các chuyên gia phân tích này cũng cho rằng Washington khó có thể thực hiện mục tiêu đó nếu thiếu sự hợp tác từ phía hai đồng minh thân cận nhất của mình ở châu Á là Nhật Bản và Hàn Quốc. Điều đó lý giải tại sao Mỹ liên tục thúc giục Tokyo và Seoul tham gia vào tiến trình này.
Vào đầu năm 2013, Nhật Bản đã thông báo sẽ tham gia cuộc đàm phán về TPP và Tokyo đã trở thành thành viên đàm phán chính thức thứ 12 hồi cuối tháng 7/2013. Như vậy, tiến trình này còn thiếu Hàn Quốc.
Trong những tháng gần đây, Mỹ liên tục thúc giục Hàn Quốc cân nhắc việc tham gia đàm phán TPP. Phát biểu với các phóng viên hồi đầu tháng 4/2013, bà Wendy Cutler, Phó Đại diện Thương mại kiêm Trưởng đoàn đàm phán về TPP của Mỹ, nói: “Chúng tôi nghĩ rằng việc Hàn Quốc tham gia cuộc đàm phán này là điều tự nhiên và hợp lôgíc.” Bà Cutler cũng khẳng định Washington coi Seoul là một đồng minh tự nhiên nhằm giúp định hình hiệp định TPP.
Bà Cutler cũng bày tỏ tin tưởng Hàn Quốc “sẽ muốn làm việc” với Mỹ và các nước khác trong khu vực để thúc đẩy “một hiệp định đầy tham vọng và có tiêu chuẩn rất cao.”
Hàn Quốc vẫn hững hờ
Chuyên gia Fred Bergsten, Giám đốc Danh dự của Viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc tế Peterson, đã từng nói: “Nếu tôi là Hàn Quốc và tôi thấy Nhật Bản tại bàn đàm phán về TPP thì tôi sẽ muốn có mặt ở đó và bảo vệ các lợi ích của mình.
Nhiều chuyên gia phân tích khác cũng đồng ý với nhận định đó bởi vì, ở một mức độ nào đó, Hàn Quốc và Nhật Bản là những đối thủ cạnh tranh quyết liệt do hai nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba châu Á này có nhiều điểm tương đồng về cơ cấu sản phẩm xuất khẩu, nhất là các sản phẩm xuất khẩu chủ lực như ôtô, hàng điện tử và các sản phẩm công nghệ cao khác. Tuy nhiên, có vẻ như chính quyền hiện nay ở Hàn Quốc lại không nghĩ như vậy.
Theo Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, kể từ khi “Lộ trình thúc đẩy FTA” được công bố năm 2003, Hàn Quốc đã tích cực thương lượng các FTA với các đối tác thương mại chủ chốt. Cho đến nay, Hàn Quốc đã ký 10 FTA song phương với các đối tác thương mại, trong đó có 8 FTA đã có hiệu lực. Đáng chú ý trong số các hiệp định này có các FTA với các đối tác quan trọng như Mỹ, Ấn Độ, Hiệp hội Thương mại Tự do châu Âu (EFTA) và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Hiện tại, Hàn Quốc đang thương lượng 11 FTA với các đối tác thương mại và cân nhắc thương lượng 4 FTA khác. Trong số các FTA đang thương lượng có các hiệp định rất quan trọng như FTA Hàn Quốc-Trung Quốc, FTA Hàn Quốc-Nhật Bản, FTA Nhật-Trung-Hàn và nhất là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) giữa ASEAN và 6 nước đối tác, đối thoại, trong đó có Hàn Quốc.
Có thể thấy, với việc các FTA mà Hàn Quốc đã ký kết hoặc đang trong quá trình thương lượng đã bao trùm hầu hết các đối tác thương mại chủ chốt của Seoul và một lịch trình đàm phán về FTA dày đặc như hiện nay, không có gì khó hiểu khi Hàn Quốc chưa mặn mà với TPP.
Bên cạnh đó, có vẻ như tại thời điểm hiện tại, Hàn Quốc đang ưu tiên cho cuộc đàm phán FTA song phương với Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc, với kim ngạch trao đổi hai chiều dự kiến đạt khoảng 300 tỷ USD vào năm 2015.
Seoul và Bắc Kinh đã thông báo sẽ thương lượng về FTA Hàn-Trung vào tháng 5/2010. Vòng đàm phán đầu tiên về FTA Hàn-Trung đã diễn ra tại Bắc Kinh hồi tháng 5/2012. Đến nay, hai bên đã trải qua 6 vòng đàm phán.
Trong vòng đàm phán mới nhất ở Busan vào đầu tháng 7/2013, hai bên đã thu hẹp được các bất đồng trong nhiều vấn đề. Bộ trưởng Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc Yoon Sang-jick cho biết hai nước có thể hoàn tất giai đoạn đầu tiên của cuộc đàm phán tại vòng đàm phán thứ bảy dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 9/2013.
Các nguồn tin từ Chính phủ Hàn Quốc cho biết nước này sẽ tập trung thúc đẩy tiến trình đàm phán FTA song phương với Trung Quốc trước khi chuyển sang đàm phán với nước láng giềng Nhật Bản. Chuyến thăm Trung Quốc hồi cuối tháng 6/2013 của Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã thể hiện rõ điều này. Chuyến thăm đó đã tạo thêm động lực mới cho cuộc đàm phán khi bà Park và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhất trí đẩy nhanh để sớm ký kết FTA.
Trong bối cảnh như vậy, có vẻ như Seoul đang lo ngại rằng, nếu nước này tham gia đàm phán TPP thì có thể ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc đàm phán FTA Trung-Hàn. Vì vậy, Seoul đang thận trọng quan sát các phản ứng của Trung Quốc đối với tiến trình đàm phán TPP.
Mặt khác, theo các chuyên gia phân tích, các cuộc đàm phán về FTA Hàn-Trung-Nhật vẫn đang bế tắc do bất đồng giữa ba nước Đông Bắc Á này trong nhiều vấn đề. Vì vậy, Seoul lo ngại nếu tham gia đàm phán TPP, họ cũng sẽ vấp phải các vấn đề tương tự bởi vì, Nhật Bản cũng là một bên đàm phán về TPP.
Phát biểu với các phóng viên hồi đầu tháng Tư, Công sứ phụ trách vấn đề kinh tế của Đại sứ quán Hàn Quốc tại Mỹ Gheewan Kim cho biết Hàn Quốc có chung mối quan tâm với Mỹ trong việc thương lượng về một thỏa thuận (như TPP) sẽ mở cửa thị trường Nhật Bản cho thêm nhiều hàng hóa nước ngoài.
Tuy nhiên, với tư cách một trong hai đồng minh thân cận nhất của Washington ở châu Á, Seoul không thể chối từ lời mời của Washington. Đáp lại lời mời đầy thiện chí đó, Hàn Quốc chỉ khẳng định sẽ thận trọng xem xét, quyết định thời điểm sẽ tham gia TPP sau khi thẩm định các ảnh hưởng của quyết định như vậy đối với nền kinh tế nước này và các diễn biến của cuộc đàm phán về FTA Trung-Hàn.
Phát biểu trong cuộc gặp các thành viên Phòng Thương mại Mỹ ở Hàn Quốc hồi đầu tháng Bảy, Bộ trưởng Chiến lược và Tài chính Hàn Quốc Hyun Oh-seok nói: “Liên quan tới TPP, Hàn Quốc sẽ xem xét một cách toàn diện các điều kiện hiện tại của cuộc đàm phán, các ảnh hưởng của nó đối với nền kinh tế Hàn Quốc, các diễn biến của các cuộc đàm phán về FTA Trung-Hàn, FTA Nhật-Trung-Hàn và RCEP, và sau đó sẽ quyết định một cách thận trọng về sự tham gia của Hàn Quốc và thời điểm tốt nhất.”
Như vậy, có thể thấy Hàn Quốc vẫn còn ngập ngừng trước ngưỡng cửa TPP và sự ngập ngừng này vẫn có thể kéo dài chừng nào cánh cửa TPP chưa khép lại với Seoul./.