Hàng chục nghìn lao động Indonesia mất việc do kinh tế khó khăn

Trong những tuần gần đây đã có hàng chục ngàn công nhân Indonesia mất việc làm do kinh tế quốc gia Vạn đảo đang có dấu hiệu suy thoái.
Hàng chục nghìn lao động Indonesia mất việc do kinh tế khó khăn ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: jaringnews)

Trong những tuần gần đây đã có hàng chục nghìn công nhân Indonesia mất việc làm do tình hình kinh tế quốc gia Vạn đảo đang có dấu hiệu suy thoái.

Hiệp hội da giày Indonesia (API) cho biết, khoảng 200 công ty sản xuất da giày ở Tangerang, Bandung và Surabaya đã sa thải khoảng 40.000 công nhân trong mấy tháng đầu năm.

Ngoài ra, 120 công ty sản xuất dệt may tại Bandung, Tây Java cũng đã sa thải ít nhất 6.300 lao động. Hội nghề nghiệp này cho biết các công ty, chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đã bị ảnh hưởng nặng nề do kết quả kinh doanh sụt giảm mạnh bởi sức mua thị trường nội địa suy yếu, hậu quả của tình hình suy thoái kinh tế hiện nay.

Tăng trưởng kinh tế của Indonesia chỉ đạt 4,71% trong quý 1 năm nay, mức thấp nhất trong sáu năm qua, một phần do tiêu thụ nội địa thấp.

Chủ tịch API, Eddy Widjanarko, nói rằng sản lượng của các công ty sản xuất da giày giảm gần 50% trong quý 1/2015 do đơn đặt hàng từ các địa phương sụt giảm. Dự kiến, xu hướng này sẽ tiếp tục ​​trong những tháng tới, dù thông thường các công ty sẽ tăng cường sản xuất để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của dân chúng trong thời điểm tết Hồi giáo Idul Fitri.

Tuy nhiên, các công ty hiện phải tạm ngừng sản xuất do hàng tồn kho quá nhiều, khiến làn sóng sa thải có thể kéo dài hơn bình thường.

Theo cuộc khảo sát gần đây của Nielsen, hơn một nửa số người Indonesia được hỏi đánh giá rằng nền kinh tế đang trong tình trạng suy thoái. Mặc dù vẫn duy trì quan điểm lạc quan về tài chính cá nhân và triển vọng việc làm, người dân quốc gia Vạn đảo có xu hướng từ bỏ thói quen mua các mặt hàng ít quan trọng như quần áo, các thiết bị điện tử, trong khi ưu tiên cho các nhu cầu cá nhân khác như dịch vụ tài chính, hàng tạp hóa...

Các doanh nghiệp cho rằng trong ngắn hạn, chính phủ nên có biện pháp can thiệp tức thời để tăng sức mua người dân, chẳng hạn như thông qua đẩy mạnh chi tiêu công.

Tuy nhiên, Tổng cục trưởng Tổng cục Hóa chất, dệt may và công nghiệp nhẹ (Bộ Công nghiệp), ông Harjanto, cho biết tình hình trên đa số xảy ra tại các doanh nghiệp chỉ sản xuất theo mùa vụ và chỉ tập trung vào thị trường trong nước. Hy vọng tình hình sẽ cải thiện trong quý 2 sau khi chính phủ tăng hoạt động giải ngân, qua đó thúc đẩy sức mua người dân.

Bộ trưởng Nhân lực Muhammad Hanif Dhakiri cho biết, trước tình hình công nhân mất việc làm gia tăng, Bộ này đã yêu cầu các quan chức phụ trách ngành công nghiệp và an sinh xã hội điều tra, tìm hiểu thấu đáo nguyên nhân sự việc.

Tuy nhiên, Bộ vẫn chưa thể xác định liệu làn sóng sa thải người lao động đã đến mức báo động hay chưa, hay chỉ là cá biệt đối với một số công ty cụ thể./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục