Chính phủ Indonesia thông qua Bộ Công nghiệp đã chuẩn bị nguồn ngân sách khoảng 100 tỷ rupiah để tiếp tục thực thi chương trình tái cấu trúc và hiện đại hóa ngành công nghiệp dệt may và các sản phẩm dệt may (TPT) trong năm nay, nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành dệt may quốc gia.
Ngày 13/2, Bộ trưởng Công nghiệp Saleh Husin khẳng định ngành công nghiệp dệt may Indonesia là một “hạt giống” để đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm phi dầu mỏ và tạo ra nhiều việc làm cho xã hội.
Bộ trưởng Saleh Husin cho biết, từ năm 2007, Indonesia đã thực hiện chương trình tái cơ cấu tập trung vào hỗ trợ trang thiết bị sản xuất công nghệ mới, giúp ngành dệt may tăng năng suất từ 4-10% và tạo thêm việc làm cho gần 242.000 người, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp.
Từ năm 2007 đến năm 2014, chính phủ Indonesia đã đầu tư khoảng 1.400 tỷ rupiah nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh và kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Indonesia ước đạt 13 tỷ USD vào năm 2014.
Dệt may và da giầy là hai ngành không những đóng góp chính vào tổng doanh thu khu vực chế tạo và thu hút nhiều lao động hàng đầu trong nền kinh tế Indonesia, mà còn đóng góp tới 2,1% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng năm cho quốc đảo.
Quốc gia vạn đảo này đang phấn đấu đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc và dệt may 75,4 tỷ USD vào năm 2030.
Indonesia hiện đứng thứ 9 về xuất khẩu dệt may toàn cầu. Nước này đã xây dựng một kế hoạch quốc gia để trở thành quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu dệt may, vượt Trung Quốc, đất nước vốn đang dịch chuyển nền kinh tế từ ngành dệt may sang lĩnh vực dịch vụ./.