Hàng chục triệu người trên thế giới đang mắc hội chứng COVID kéo dài

Thuật ngữ "hội chứng COVID kéo dài" thường được dùng để miêu tả các triệu chứng tồn tại nhiều tuần, nhiều tháng, thậm chí vài năm, sau khi người nhiễm virus SARS-CoV-2 đã khỏi bệnh.

Bệnh nhân COVID-19 được điều trị tại bệnh viện ở New Delhi, Ấn Độ. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Bệnh nhân COVID-19 được điều trị tại bệnh viện ở New Delhi, Ấn Độ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hàng chục triệu người trên khắp thế giới được cho là đang mắc hội chứng COVID kéo dài (Long COVID) sau khi nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.

Các nhà nghiên cứu đang bắt đầu giải mã được những điều chưa rõ về hội chứng này, mở ra hy vọng đạt được những đột phá về điều trị trong tương lai và hiểu rõ hơn về các hội chứng mãn tính khác.

Thuật ngữ "hội chứng COVID kéo dài" thường được dùng để miêu tả các triệu chứng tồn tại nhiều tuần, nhiều tháng, thậm chí vài năm, sau khi người nhiễm virus SARS-CoV-2 đã khỏi bệnh.

Hội chứng này bao gồm các hiện tượng mệt mỏi, sương mù não, khó thở, mất khứu giác, mất ngủ, tim đập nhanh, chóng mặt, đau khớp và trầm cảm. Đến nay vẫn chưa có một định nghĩa rõ ràng và chưa có đủ dữ liệu để xác định hội chứng sẽ kéo dài bao lâu.

Một nghiên cứu đáng chú ý được công bố trên tạp chí Science tháng trước cho thấy có sự khác biệt đáng kể về lượng protein trong máu của hơn 110 bệnh nhân mắc hội chứng COVID kéo dài.

Tác giả nghiên cứu, nhà khoa học Onur Boyman người Thụy Sĩ, cho biết phát hiện này có thể giải thích nguyên nhân khiến virus SARS-CoV-2 tồn tại lâu trong cơ thể một số người.

Các nhà nghiên cứu cho biết một phần hệ miễn dịch của cơ thể, còn gọi là hệ thống bổ thể giúp chống nhiễm trùng bằng cách tiêu diệt các tế bào bị nhiễm bệnh, vẫn hoạt động ở những người mắc hội chứng COVID kéo dài, tiếp tục tấn công các tế bào khỏe mạnh và gây tổn thương mô.

Ông Boyman nêu rõ, khi người bệnh hồi phục sau một đợt COVID kéo dài, hệ thống bổ thể của họ cũng được cải thiện. Điều này cho thấy có thể kiểm soát được COVID kéo dài.

Nhóm nghiên cứu của ông Boyman hy vọng phát hiện này có thể mở đường cho một cuộc thử nghiệm trong tương lai.

Nhà dịch tễ học lâm sàng tại Đại học Washington (Mỹ) Ziyad Al-Aly nhận định việc giải mã được những điều chưa chắc chắn về hội chứng COVID kéo dài có thể giúp làm sáng tỏ các hội chứng khác như hội chứng mệt mỏi mãn tính hoặc các triệu chứng kéo dài sau bệnh cúm, còn được gọi là “cúm kéo dài."

Hiện chưa xác định được chính xác số người mắc hội chứng COVID kéo dài. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng tỷ lệ mắc hội chứng này trong tổng số người đã mắc COVID-19 có thể lên tới 10-20%.

Kết quả nghiên cứu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cho thấy tỷ lệ người mắc COVID kéo dài đã giảm do các biến thể của virus SARS-CoV-2 giảm độc lực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục