Hàng Tết không tăng giá

Hàng hóa Tết ở Hà Nội dồi dào và bình ổn giá

Nguồn cung hàng hóa ở Hà Nội rất dồi dào và dự báo từ nay đến Tết Nguyên đán Canh Dần, giá cả sẽ không biến động nhiều.
Năm nay, cùng với sự khởi sắc của nền kinh tế, thị trường hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Canh Dần tại Hà Nội sôi động hơn năm trước. Ngay tại thời điểm này, các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ và cửa hàng đường phố đã tràn ngập hàng hóa Tết.

Theo đánh giá của các nhà cung ứng, kinh doanh hàng, nguồn cung hàng hóa Tết năm nay khá dồi dào, giá cả sẽ không tăng đột biến.

Nguồn cung dồi dào

Nhu cầu tiêu thụ hàng hóa dịp Tết nguyên đán Canh Dần được Sở Công Thương Hà Nội dự báo tăng 20% so với năm ngoái. Do vậy, để chuẩn bị cho người dân Thủ đô đón Tết, Sở Công Thương đề nghị các doanh nghiệp dự trữ hàng hóa đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng tránh gây khan hiếm, giá cả tăng bất thường.

Trước thời điểm Tết từ 2-3 tháng, các đơn vị kinh doanh đều chủ động hợp đồng, khai thác nguồn hàng từ các nhà cung cấp và có những ràng buộc về số lượng, giá cả hàng hóa. Đến thời điểm này, hầu hết các nhà phân phối hàng hóa đều chuẩn bị đủ lượng hàng phục vụ Tết và những ngày sau Tết.

Năm nay, Công ty trách nhiệm hữu hạn Công nghệ Thực phẩm Vinh Anh chuẩn bị khoảng 600 tấn lợn hơi phục vụ thị trường Hà Nội trong và sau Tết Nguyên đán. Ngoài số tiền được thành phố Hà Nội cho vay ưu đãi 10 tỷ đồng, công ty đã huy động các nguồn khác “đặt cọc” các trang trại chăn nuôi gia súc nhằm ổn định nguồn hàng trong dịp Tết.

Bà Nguyễn Thị Phi Anh, giám đốc công ty khẳng định: “Nguồn hàng thực phẩm tươi sống phục vụ Tết năm nay tương đối phong phú. Cho dù nhu cầu tiêu thụ dịp này tăng cao, chúng tôi vẫn đủ khả năng đáp ứng”.

Nhìn chung, thời tiết năm vừa qua diễn biến bất thường ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là các mặt hàng lương thực thực phẩm. Nhưng công tác dự trữ sớm được tính toán nên những tác động xấu của hệ quả thiên tai không ảnh hưởng nhiều đến thị trường hàng hóa Tết ở Hà Nội.

Ngay cả mặt hàng gạo cũng được các doanh nghiệp chủ lực của Hà Nội chủ động chuẩn bị đảm bảo số lượng, chất lượng.

Ông Lê Hồng Sơn, Phó Tổng giám đốc Công ty Thái Dương Yamada cho biết: “Hiện tại, chúng tôi đang dự trữ 350-400 tấn gạo đặc sản trong dịp Tết”. Thái Dương cũng là đơn vị cung cấp gạo chất lượng cao cho trên 200 siêu thị toàn miền Bắc, tập trung ở Hà Nội.

Giá cả không tăng bất thường

Thông thường, những ngày giáp Tết giá hàng tiêu dùng đặc biệt là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu hay biến động bất thường gây nên nỗi lo không chỉ các nhà quản lý mà cả người tiêu dùng. Nhưng Tết năm nay, người tiêu dùng Thủ đô có thể không phải chịu sức ép lớn về giá cả.

Bởi thực tế trong một vài tháng qua, giá hàng tiêu dùng đã có sự biến động do yếu tố giá đầu vào tăng cao, tỷ giá ngoại tệ tăng, thông tin chuẩn bị tăng lương… Vì vậy, giá hàng tiêu dùng từ nay đến Tết Nguyên đán sẽ cơ bản ổn định hoặc nếu tăng sẽ dao động nhẹ.

Theo bà Nguyễn Thị Như Mai, Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội: “Do chuẩn bị tốt nguồn cung cấp hàng hóa nên từ nay đến Tết nguyên đán, giá hàng hóa tương đối bình ổn, nếu biến động chỉ xê dịch trong phạm vi 5-10%”.

Các nhà cung ứng và kinh doanh cũng cho rằng, thời điểm này giá cả hàng tiêu dùng đang đứng vững do vậy dịp giáp Tết, giá hàng hóa sẽ không biến động nhiều.

Ông Phan Bội Ngọc, Giám đốc Công ty LanChi Mart cũng khẳng định: “Do chúng tôi sớm lên kế hoạch chuẩn bị hàng hóa Tết nên hệ thống siêu thị LanChi Mart đảm bảo giá cả từ nay đến Tết sẽ không thay đổi, thậm chí thấp hơn nhiều so với thị trường”.

Trong dịp Tết Nguyên đán Canh Dần, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho 12 doanh nghiệp vay 250 tỷ đồng dự trữ hàng hóa với lãi suất 0% trong vòng 5 tháng. Danh mục mặt hàng được dự trữ gồm gạo, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thủy sản, hải sản đông lạnh, thực phẩm chế biến, dầu ăn, đường và bánh mứt kẹo.

Các doanh nghiệp này đảm bảo giá bán ra thấp hơn thị trường góp phần làm bình ổn thị trường những ngày giáp Tết./.

Đinh Thị Thuận (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục