Hàng loạt doanh nghiệp vận tải xe khách 'thoi thóp' chờ phá sản

Lưu lượng hành khách đi lại tại địa phương rất ít bởi vẫn còn lo sợ tình hình dịch bệnh COVID-19 nên các đơn vị vận tải dè dặt mở lại tuyến vì lo ngại càng chạy càng lỗ.
Các doanh nghiệp vận tải chỉ hoạt động cầm chừng và thậm chí bỏ tuyến vì khách đi rất ít. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Các doanh nghiệp vận tải chỉ hoạt động cầm chừng và thậm chí bỏ tuyến vì khách đi rất ít. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp vận tải đã kiệt quệ, tiếp tục chìm sâu vào thua lỗ khi lượng khách rất ít bởi vẫn còn lo sợ tình hình dịch bệnh COVID-19 và giá nhiên liệu tăng “phi mã.”

Càng chạy càng lỗ

Sau khi mở cửa trở lại xe khách liên tỉnh, nhiều doanh nghiệp đã chạy được vài ngày thì phải dừng hoạt động vì không có khách do một số địa phương ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 tăng cao.

Ông Đoàn Thế Xuyên, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Phúc Xuyên thừa nhận vận tải khách liên tỉnh phải hoạt động tuân theo cấp độ dịch, nếu địa phương đang nằm trong vùng đỏ hoặc vùng cam sẽ đóng cửa vận tải.

“Chạy được vài ngày, thành phố Uông Bí (Quảng Ninh) bùng phát dịch, chuyển từ màu xanh sang màu vàng nên phải dừng hoạt động vận tải. Xe khách liên tỉnh Hà Nội-Quảng Ninh hầu như mỗi chuyến chỉ có vài người, càng chạy càng lỗ,” ông Xuyên chia sẻ.

Nhìn dàn xe khách đang “đắp chiếu” thành hàng trong bãi, ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải và thương mại dịch vụ Đất Cảng chán nản bảo: “Dịch bệnh đã khiến vận tải xe khách đa số thua lỗ, mới mở tuyến ra chạy lại cũng chết.”

Theo ông Hải, ngay khi cho phép mở lại vận tải khách liên tỉnh, hãng xe khách Đất Cảng đã lên phương án chạy 12 xe tuyến Hà Nội-Hải Phòng. Tuy nhiên, chỉ chạy được vài ngày thì phải dừng hoạt động vì không có khách.

“Tính tổng chi phí xe từ Hà Nội đi Hải Phòng và ngược lại mất 700.000 đồng phí BOT, xăng dầu 1,5 triệu đồng. Nếu một chuyến xe có 10 khách thì không đủ trả hai loại chi phí này, chưa kể lương lái xe, lãi vay ngân hàng, khấu hao tài sản, chi phí hoạt động doanh nghiệp, giá xăng dầu tăng, khiến doanh nghiệp không thể cầm cự,” ông Hải chua chát.

[Xe khách liên tỉnh được hoạt động trở lại, bến xe Hà Nội vẫn vắng vẻ]

Trong khi đó, giá xăng dầu tăng cao đã tác động mạnh đến chi phí vận hành, khiến doanh nghiệp càng đối mặt với khó khăn chồng chất.

Ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Minh Thành Phát (nhà xe Sao Việt) bày tỏ sự ngao ngán bởi bản thân doanh nghiệp gần như “cá nằm trên thớt” do cú bồi thêm từ giá nhiên liệu đầu vào tăng cao sau khi đã chịu thiệt hại nặng nề vì dịch bệnh.

“Trong cơ cấu chi phí hoạt động dịch vụ vận tải đường bộ thì xăng dầu chiếm tỷ lệ khá lớn. Do đó giá xăng dầu tăng liên tục đã đẩy doanh nghiệp tiếp tục chìm sâu vào thua lỗ. Các đơn vị vận tải đang loay hoay vì không biết xoay xở kiểu gì. Tiếp tục chạy sẽ thua lỗ, nghỉ thì không có tiền trả lãi vay ngân hàng, bán xe cắt lỗ thì không ai mua,” ông Bằng thở dài.

Với loại hình vận tải taxi, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho biết lượng khách bằng khoảng 30% so với thời điểm chưa có dịch. Trong khi dịch vẫn diễn biến phức tạp, giá xăng dầu nhảy vọt thì chắc chắn các hãng taxi sẽ phải tăng giá cước nhưng tăng vào thời điểm nào, mức tăng như thế nào thì cần thời gian để nghiên cứu và đánh giá tình hình.

Phân tích thêm, ông Hùng cho rằng, vận tải hành khách, nhiên liệu xăng dầu lại chiếm tới 25-40% trong giá thành chi phí. Khi điều chỉnh giá cước, hãng taxi sẽ phải dừng hoạt động hàng vạn xe, kéo theo chi phí in niêm yết bảng giá mới, điều chỉnh đồng hồ tính tiền…

Kiến nghị miễn giảm phí, bơm thêm vốn vay

Theo vị Giám đốc nhà xe Sao Việt, doanh thu sản xuất, kinh doanh gần như bằng 0 đồng nhưng hàng ngày vẫn phải chịu vô vàn chi phí như lãi ngân hàng; tiền thuê nhà xưởng, kho bãi; tiền lương hỗ trợ cán bộ công nhân viên, lái xe; phí bảo trì đường bộ… Hàng loạt doanh nghiệp vận tải khách hiện đang trong cảnh “thoi thóp” chờ phá sản.

Để mở lại vận tải theo cách bình thường và bền vững, thích ứng an toàn với dịch bệnh, các doanh nghiệp vận tải kiến nghị cần đẩy nhanh tiến độ phủ vaccine ở các tỉnh, thành. Chính phủ cũng có cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp, Bộ Tài chính xem xét miễn, giảm hoặc có giải pháp kéo giãn thời gian đóng phí bảo trì đường bộ; ngân hàng bơm vốn vay cho doanh nghiệp phục hồi lại hoạt động vận tải; giảm thuế và phí trong xăng dầu đồng thời sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu để hạ nhiệt đà tăng.

Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ cho biết lưu lượng hành khách đi lại tại địa phương rất ít bởi vẫn còn lo sợ tình hình dịch bệnh COVID-19, chỉ đi lại khi thực sự cần thiết, điều đó khiến hoạt động của doanh nghiệp chưa hiệu quả.

[Vận tải hành khách liên tỉnh hoạt động cầm cự để giữ chỗ]

Bà Hiền cũng thừa nhận, do không đủ chi phí, nhiều đơn vị kinh doanh vận tải hành khách vẫn còn khá dè dặt tăng chuyến. Lượng phương tiện tham gia hoạt động vận tải không nhiều, doanh nghiệp vận tải chưa mạnh dạn đưa xe vào bến xe để hoạt động trở lại.

Bên cạnh đó, Tổng cục Đường bộ kiến nghị Bộ Tài chính chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ cho các đơn vị vận tải bị ảnh hưởng của dịch đồng thời cho vay mới để ổn định sản xuất kinh doanh, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị kinh doanh vận tải bị ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục giảm phí sử dụng đường bộ đến hết ngày 30/6/2022 đối với xe ôtô kinh doanh vận tải, kéo dài thêm 6 tháng so với quy định hiện nay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục