Hành trình "tìm tự do" của cựu điệp viên Snowden

WikiLeaks xác nhận Snowden được tháp tùng bởi Harrison, người được trang web mô tả là “nhà báo kiêm nhà nghiên cứu luật”.
Ngoại trưởng Ecuador Ricardo Patino ngày 24/6 cho biết nước này đang xem xét đề nghị xin tị nạn của cựu nhân viên tình báo “phản tỉnh” của Mỹ Edward Snowden. Theo những tin tức mới nhất, hiện Snowden đang chuẩn bị rời Nga để tới Ecuador, trong bối cảnh Washington đã đề nghị Mátxcơva giao nộp nhân vật này. Hành trình chạy trốn quanh nhiều nước của Snowden đã làm tăng thêm cuộc khủng hoảng mà Washington đối mặt, hình thành từ việc anh đã tiết lộ chương trình giám sát Internet toàn cầu của Mỹ. Snowden, mục tiêu của một lệnh bắt do Mỹ ban bố hôm thứ Sáu, đã tới tới Mátxcơva trên một chuyến bay thẳng từ Hong Kong và sẽ tới Ecuador thông qua Cuba. Chính quyền Mỹ đã gọi quyết định của Hong Kong cho anh rời khỏi đặc khu hành chính này là “đáng ngại”. Bộ Ngoại giao Mỹ đã hủy bỏ hộ chiếu của Snowden và đã yêu cầu các nước khác ngăn cản không cho Snowden di chuyển. Snowden, 30 tuổi, đã hạ cánh xuống sân bay Sheremetyevo của Mátxcơva trên một chuyến bay thuộc hãng hàng không Aeroflot vào lúc 5h05 chiều Chủ Nhật. Anh đã không đi vào khu vực ga chính, nơi đám đông phóng viên đã xúm lấy hỏi các hành khách rời khỏi chuyến bay rằng họ có thấy Snowden hay không. Một nguồn tin cho Interfax biết rằng do là một hành khách “trung chuyển” nên Snowden vẫn sẽ ở lại trong sân bay. Anh sẽ không thể rời khỏi sân bay, ngay cả khi ở trong một chiếc xe ngoại giao. Nguyên nhân do anh không có visa vào Nga. Các phóng viên AFP trước đó đã thấy một chiếc xe cắm cờ ngoại giao Ecuador ở khu đến VIP. Đại sứ Ecuador ở Mátxcơva  được cho là đã tới sân bay để gặp Snowden. Các quan chức sân bay cho biết Snowden đã có đêm Chủ Nhật ở trong khách sạn nhỏ Vozdushny Express để chờ chuyến bay tiếp theo. Báo chí Nga dẫn nguồn Aeroflot nói rằng anh sẽ bay tới Cuba trong ngày thứ Hai 24/6. Chuyến bay SU 150 tới Havana sẽ cất cánh vào lúc 10h05 GMT.
Tới Ecuador trên hành trình an toàn
Các thông tin ban đầu trước đó nói rằng Snowden sẽ bay tới thủ đô Caracas của Venezuela. Nhưng Ngoại trưởng Ecuador sau đó nói rằng Snowden đã đề nghị Quito cho tị nạn. Đất nước Nam Mỹ này, nằm dưới sự lãnh đạo của Tổng thống cánh tả Rafael Correa, đã che chở cho người sáng lập trang web WikiLeaks Julian Assange. Bản thân Assange đang bị Thụy Điển truy nã và anh đã ẩn náu trong tòa đại sứ ở London trong vòng năm qua. WikiLeaks nói trên trang web của mình rằng tổ chức đã giúp đỡ Snowden ra khỏi Hong Kong an toàn và xác nhận rằng anh đang tới Ecuador theo một con đường an toàn để tị nạn. Các quan chức Nga nói rằng Snowden vẫn có thể tới Ecuador mà không cần một hộ chiếu Mỹ hợp lệ. “Nếu anh ấy đề nghị tị nạn ở Ecuador, người ta có thể cấp cho anh ấy một tài liệu tị nạn hoặc thậm chí là quyền công dân Ecuador, qua đó giúp anh ấy tiếp tục hành trình” – một nguồn tin an ninh nói với hãng tin Interfax. Cựu thẩm phán Tây Ban Nha Baltasar Garzon, giám đốc pháp lý của WikiLeaks, đã lên án cuộc săn đuổi của Assange và Snowden, coi đây là sự “tấn công chống lại con người”. WikiLeaks xác nhận rằng Snowden được tháp tùng bởi công dân Anh Sarah Harrison, người được trang web mô tả là “một nhà báo kiêm nhà nghiên cứu luật” đang làm việc với đội pháp lý của WikiLeaks.
Không có cơ sở pháp lý để ngăn cản Snowden
Cuộc phỏng vấn gần đây nhất của Snowden đã được xuất bản trong ngày Chủ Nhật và chứa nhiều tiết lộ mới về hoạt động tình báo trên mạng của Mỹ chống lại các mục tiêu Trung Quốc. Các thông tin đã gây phản ứng từ hãng tin Tân Hoa Xã của Trung Quốc, nơi gọi Washington là “một tên tội phạm” tình báo. Trong thông tin tiết lộ trên tờ Sunday Morning Post của Hong Kong, Snowden nói rằng Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) đã tìm cách xâm nhập qua mạng vào các công ty điện thoại di động Trung Quốc để thu thập dữ liệu từ hàng triệu tin nhắn.
Hành trình "tìm tự do" của cựu điệp viên Snowden ảnh 1
Các phóng viên quây lấy một hành khách đi cùng chuyến bay với Snowden tới Mátxcơva để hỏi về tung tích của anh này (Nguồn: AFP)

Anh nói rằng các điệp viên Mỹ còn tấn công mạng vào Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, nơi có chứa một trong sáu xương sống mạng đã chịu trách nhiệm xử lý toàn bộ lưu lượng Internet của Trung Quốc đại lục. Mỹ cũng xâm nhập vào trụ sở đặt tại Hong Kong của Pacnet, công ty điều hành một trong những mạng cáp quang lớn nhất khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Snowden đã từ bỏ công việc được trả lương cao của anh ở Hawaii và đã tới Hong Kong vào ngày 20/5 để bắt đầu rò tin mật về chương trình giám sát Internet và nghe lén điện thoại của NSA, gây quan ngại cho nhiều nước trên thế giới. Chính quyền của Tổng thống Obama đã khẳng định chương trình hoạt động hợp pháp và nó giúp phá khoảng 50 âm mưu khủng bố. Hong Kong đã thông báo cho Washington về sự ra đi của Snowden sau khi thấy rằng các tài liệu đề nghị dẫn độ do Mỹ cung cấp chưa đáp ứng dủ các yêu cầu pháp lý của Hong Kong. "Do chính quyền đặc khu Hong Kong chưa có đủ thông tin để xử lý đề nghị bắt giữ, hoàn toàn không có cơ sở pháp lý nào để cấm Snowden rời khỏi Hong Kong” – chính quyền tuyên bố. Bộ Tư pháp Mỹ khẳng định họ đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu theo hiệp ước dẫn độ Washington đã có với Hong Kong. "Mỹ thất vọng và không đồng tình với quyết định của nhà chức trách Hong Kong khi không tôn trọng đề nghị của Mỹ nhằm bắt giữ kẻ trốn chạy” – chính quyền Mỹ nói trong một tuyên bố mới đây – “Trong các cuộc thảo luận giữa chúng tôi diễn ra trong suốt thứ Sáu, không có lúc nào phía Hong Kong nêu ra vấn đề thiếu thông tin trong đề nghị bắt giữ của Mỹ”. Tuyên bố của Mỹ nói rằng dựa trên lý do này, quyết định của Hong Kong trong việc để Snowden rời khỏi nơi này là “đáng quan ngại”./.
Linh Vũ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục