Hát Sli - loại hình dân ca độc đáo của người Nùng ở tỉnh Bắc Kạn

Là loại hình dân ca độc đáo của người Nùng, hát Sli - Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia - chứa đựng và truyền tải những giá trị nhân văn, được đúc kết và gìn giữ qua bao thế hệ.

Một tiết mục hát Sli. (Nguồn: TTXVN)
Một tiết mục hát Sli. (Nguồn: TTXVN)

Sli là một làn điệu dân ca đặc sắc trong kho tàng văn nghệ dân gian của đồng bào dân tộc Nùng ở Bắc Kạn nói riêng và khu vực Việt Bắc nói chung.

Ngày 9/3/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành quyết định đưa "Hát Sli của người Nùng, xã Xuân Dương, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn" vào Danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia.

Sli trong tiếng Nùng nghĩa là thơ, hát Sli là hình thức hát thơ được biểu diễn dưới dạng đối đáp giữa một bên nam và một bên nữ, thường do một đôi trai gái hoặc một vài đôi trai gái thể hiện trong các ngày hội, ngày chợ, ngày cưới, ngày vào nhà mới...

Thông thường, bao giờ cũng có người đứng ra Sli trước (kiểu mời gọi lĩnh xướng). Người hát trước thường là người có giọng vang, trong và phải có khả năng ứng đối khéo léo, tài tình và nhanh nhạy.

ttxvn-hat-sli-2344.jpg
Trao Bằng công nhận nhận Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia 'Hát Sli của người Nùng' cho các nghệ nhân. (Ảnh: Vũ Hoàng Giang/TTXVN)

Khi bên này vừa ngừng tiếng Sli (hỏi) thì bên kia cũng phải có người nhanh chóng cất lời Sli để đáp lại với lối hát bè, hòa thanh giọng cao, giọng thấp, không có nhạc đệm, không có vũ đạo kèm theo. Khi hát, người hát tự phối bè với nhau, giao lưu, trình diễn theo một chủ đề, cốt truyện nhất định do người hát tự biên, tự diễn thể hiện qua nét mặt, qua một vài cử chỉ, điệu bộ của tay để diễn tả nội dung khi hát.

Không gian diễn xướng của Sli không bị giới hạn mà rất đa dạng. Sli có thể diễn ra ở ngoài trời trong các dịp như các ngày chợ phiên, các lễ hội truyền thống. Khi đi chợ hoặc tham gia lễ hội, họ gặp nhau, kết thành nhóm hát và chọn địa điểm để hát. Đó có thể là quán nhỏ ven đường, dưới gốc cây to, ven rừng, ven suối...

Thông thường, Sli có 3 lối hát cơ bản là hát nói (đọc thơ); xướng Sli (ngâm thơ); dằm Sli hoặc nhằm Sli (lên giọng hát).

Song song với các lối hát trên, hát Sli có hai hình thức hát gồm thể tự do và thể có bài bản, tổ chức thành cuộc hát. Tuy nhiên, chúng chỉ mang tính chất phân tách tương đối và có quan hệ biện chứng bổ sung cho nhau từng chủ đề tình huống, tình cảnh của cuộc hát.

Một cuộc hát Sli thường diễn ra theo ba chặng, chặng thứ nhất là những bài hát chào mời thăm hỏi. Đây cũng là giai đoạn đầu tiên để bắt đầu một cuộc hát Sli.

Chặng thứ hai là những bài hát trao đổi tâm tư tình cảm. Đây chính là giai đoạn lôi cuốn nhất của hát Sli. Ở giai đoạn này, hai bên sẽ đối đáp, lời đối đáp của họ xoay quanh những vấn đề trong cuộc sống hằng ngày.

Chặng thứ ba là những bài tiễn biệt dặn dò, là lúc họ trao nhau những lời chúc, lời hẹn ước với nhau, mong một ngày tái ngộ để lại được cùng nhau say đắm trong những câu ca Sli.

Nhìn chung, về kết cấu, Sli là những bài thơ, bài văn vần có độ dài ngắn khác nhau, thường được thể hiện theo thể thất ngôn bát cú, thất ngôn tứ tuyệt. Cơ bản các bài Sli chỉ khoảng 4 đến 8 câu, cá biệt có những bài Sli chỉ có từ 5 đến 7 chữ, có những bài dài đến hàng trăm câu.

Là loại hình dân ca độc đáo của người Nùng, hát Sli chứa đựng và truyền tải những giá trị nhân văn, được đúc kết và gìn giữ qua bao thế hệ.

hat-sli-1-5079.jpg
Trình diễn hát Sli tại Hội chợ Văn hóa Truyền thống xã Xuân Dương, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn. (Nguồn: Cổng Thông tin Điện tử tỉnh Bắc Kạn)

Thông qua nội dung, chủ đề các bài hát Sli thể hiện những quan niệm về đạo đức, chứa đựng những giá trị nhân bản, nội dung tư tưởng mang tính hướng thiện và có tác dụng giáo dục sâu sắc, thể hiện bản chất tốt đẹp và mang đậm bản sắc của dân tộc Nùng, gắn liền với những ý thức và đạo lý cơ bản như: ý thức về cội nguồn, về đạo lý đối nhân xử thế “uống nước nhớ nguồn," sự tôn kính, lòng biết ơn ông bà, tổ tiên.

Là một hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng, Sli không những tạo lập không gian, môi trường diễn xướng đáp ứng nhu cầu giao lưu, sáng tạo, hưởng thụ văn hóa mà còn là nơi gặp gỡ, trao đổi, giao lưu tình cảm, thể hiện sự đoàn kết, gắn bó chặt chẽ trong nhân dân, tạo sự gắn kết giữa văn hóa cổ truyền và hiện đại.

Xã Xuân Dương, huyện Na Rì được xem là cái nôi của loại hình nghệ thuật này. Đồng bào Nùng nơi đây vẫn duy trì được Chợ tình Xuân Dương vào ngày 25/3 âm lịch để những điệu Sli ngân bổng vang xa./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục