Hậu Morales, nguồn nhiên liệu then chốt của Bolivia bị đặt dấu hỏi lớn

Việc quốc hữu hóa các nguồn tài nguyên, đi đôi với việc sử dụng nguồn thu từ nó để trợ cấp cho việc phát triển xã hội, đã đóng một vai trò quan trọng.
Hậu Morales, nguồn nhiên liệu then chốt của Bolivia bị đặt dấu hỏi lớn ảnh 1Cựu Tổng thống Bolivia Evo Morales phát biểu với báo giới tại Mexico City, Mexico ngày 13/11/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo eurasiareview.com, Tổng thống Bolivia Evo Morales đã bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự ngày 10/11.

Ông đang ở Mexico. Trước khi rời khỏi nhiệm sở, ông Morales đã tham gia một kế hoạch lâu dài nhằm mang lại một nền dân chủ xã hội và kinh tế cho đất nước bị bóc lột lâu nay của mình. Cần phải nhớ rằng Bolivia từng trải qua nhiều cuộc đảo chính, chủ yếu do quân đội và những tên đầu sỏ chính trị nhân danh các công ty khai mỏ liên quốc gia tiến hành.

Ban đầu, đây chỉ là những công ty thiếc, song thiếc đã không còn là mục tiêu chính tại Bolivia, mà là những mỏ lithium dồi dào, nguyên liệu quan trọng để sản xuất ôtô điện.

Trong 13 năm qua, ông Morales đã nỗ lực xây dựng một mối quan hệ khác biệt giữa đất nước ông và các nguồn tài nguyên quốc gia. Ông không muốn những tài nguyên này sinh lời cho các công ty khai mỏ liên quốc gia, mà phải cho chính người dân của nước ông. Một phần trong lời hứa đó đã được thực hiện với việc tỷ lệ nghèo đói giảm, và người dân Bolivia đã có thể cải thiện những hoàn cảnh xã hội của mình.

Việc quốc hữu hóa các nguồn tài nguyên, đi đôi với việc sử dụng nguồn thu từ nó để trợ cấp cho việc phát triển xã hội, đã đóng một vai trò quan trọng. Thái độ của chính phủ Morales đối với các công ty liên quốc gia đã kích động một sự phản ứng gay gắt từ họ, và đa phần trong số này đã đệ đơn kiện Bolivia.

Trong vài năm qua, Bolivia đã phải vật lộn để gia tăng đầu tư vào việc phát triển các nguồn dự trữ lithium theo một cách có thể khôi phục sự thịnh vượng cho đất nước, mang lại lợi ích cho nhân dân.

Phó Tổng thống của Morales Alvaro Garcia Linera từng nói rằng lithium là “nguồn nhiên liệu sẽ nuôi dưỡng toàn thế giới." Bolivia đã không thể ký kết được các thỏa thuận với các công ty liên quốc gia phương Tây; nên đã quyết định hợp tác với các công ty Trung Quốc. Điều này khiến chính phủ của ông Morales dễ bị tổn thương.

Xung đột với các công ty đa quốc gia

Khi ông Evo Morales và Phong trào vì Chủ nghĩa Xã hội lên cầm quyền vào năm 2006, chính phủ đã ngay lập tức tìm cách loại bỏ hàng thập kỷ trộm cắp của các công ty khai mỏ liên quốc gia. Chính phủ Morales đã giành lại một số hoạt động khai mỏ của các công ty mạnh nhất như là Glencore, Jindal Steel & Power, Anglo-Argentine Pan America Energy, và South America Silver (hiện là TriMetals Mining). Điều này đã gửi đi một thông điệp rằng các hoạt động làm ăn như trước sẽ không thể tiếp diễn.

[Bolivia: Cựu Tổng thống Morales có thể không tham gia bầu cử]

Tuy nhiên, các công ty lớn này vẫn tiếp tục các hoạt động của mình - dựa theo các hợp đồng cũ, trong một số lĩnh vực của đất nước.

Ngày 1/8/2012, chính phủ Morales - dựa theo Sắc lệnh Tối cao số 1308, đã hủy bỏ hợp đồng với South America Silver (TriMetal Mining), công ty này sao đó đã tìm cách đòi bồi thường và đề nghị tòa án quốc tế phân xử.

Chính phủ Canada của Thủ tướng Justin Trudeau - với tư cách một lực đẩy lớn nhân danh các công ty khai mỏ Canada tại Nam Mỹ, đã gây áp lực rất mạnh với Bolivia. Tháng 8/2019, TriMetals đã đạt được một thỏa thuận bồi thường với chính phủ Bolivia trị giá 25,8 triệu USD, tương đương khoảng 1/10 số tiền mà họ đã yêu cầu được bồi thường trước đó.

Về phần mình, Jindal Steel, một tập đoàn đa quốc gia Ấn Độ, sau khi chấm dứt hợp đồng khai thác quặng sắt với El Muntún của Bolivia vào tháng 7/2012, đã tìm cách đề nghị quốc tế phân xử và đòi bồi thường cho sự đầu tư của mình. Năm 2014, họ đã giành được 22,5 triệu USD từ Bolivia theo một phán quyết của Phòng Thương mại Quốc tế tại Paris. Trong một vụ khác, Jindal đòi bồi thường đến 100 triệu USD.

Nặng nề nhất là Pan America đã kiện đòi chính phủ Bolivia bồi thường 1,5 tỷ USD vì tước đoạt cổ phần của công ty Anglo-Argentinian trong tập đoàn sản xuất khí đốt Chaco của nhà nước. Bolivia đã đền bù 357 triệu USD vào năm 2014.

Quy mô của những khoản chi trả này là rất lớn. Ước tính vào năm 2014, những chi trả tư và công cho việc quốc hữu hóa các lĩnh vực then chốt này đã lên tới ít nhất 1,9 tỷ USD (GDP của Bolivia lúc đó là 28 tỷ USD). Ngay cả Tạp chí Thời báo Tài chính trong năm này cũng đã nhất trí rằng chiến lược của ông Morales là hoàn toàn không thích hợp.

Hậu Morales, nguồn nhiên liệu then chốt của Bolivia bị đặt dấu hỏi lớn ảnh 2Một nhà máy của Pan American. (Nguồn: resourceworld.com)

Lithium

Nguồn trữ lượng quan trọng của Bolivia chính là lithium, nguyên liệu không thể thiếu trong sản xuất ôtô điện. Bolivia tuyên bố sở hữu đến 70% trữ lượng lithium trên toàn thế giới, chủ yếu ở khu vực sa mạc có chứa muối Salar de Uyuni. Sự phức tạp trong việc khai mỏ và xử lý đồng nghĩa với việc Bolivia không có khả năng tự mình phát triển ngành công nghiệp lithium. Ngành này đòi hỏi phải có vốn và chuyên môn.

Bolivia cần nhiều giải pháp kỹ thuật, và điều này cũng có nghĩa là họ cần nhiều sự đầu tư. Chính sách quốc hữu hóa của chính phủ Morales và sự phức tạp về địa lý của khu vực Salar de Uyuni đã khiến một số công ty khai mỏ đa quốc gia từ bỏ. Các công ty không ký hợp đồng với Bolivia như Eramet (Pháp), FMC (Mỹ, và Posco (Hàn Quốc) đang hoạt động tại Argentina.

Morales đã nói rõ rằng bất kỳ sự khai thác lithium nào đều phải hợp tác cùng Comibol - công ty khai mỏ quốc gia Boliva, và Yacimientos de Litio Bolivanos (YLB) - công ty lithium quốc gia Boliva, như những đối tác bình đẳng. Năm 2018, sau Hệ thống ACI của Đức đã nhất trí một thỏa thuận với Bolivia. Sau làn sóng biểu tình từ người dân ở khu vực Salar de Uyuni, Morales đã hủy bỏ thỏa thuận này vào ngày 4/11 vừa qua.

Các công ty Trung Quốc như Tập đoàn TBEA và Tập đoàn Công nghệ Máy móc Trung Quốc - đã ký một thỏa thuận với YLB. Ngoài ra, có thông tin cho biết Tập đoàn Lithium Tianqui của Trung Quốc, vốn đang hoạt động tại Argentina, cũng sẽ tiến tới ký hợp đồng với YLB. Cả hai công ty này của Trung Quốc và Bolivia đều đã thử nghiệm những phương pháp mới để vừa khai thác lithium vừa chia sẻ những lợi ích của lithium.

Về phần mình, cả Tesla của Mỹ và Pure Energy Minerals của Canada đều đã thể hiện sự quan tâm lớn đến việc đầu tư trực tiếp vào ngành lithium của Bolivia. Họ không thể ký một hợp đồng khi phải cân nhắc đến những thông số mà chính phủ Morales đặt ra. Bản thân ông Morales cũng là một trở ngại trực tiếp đối với các công ty đa quốc gia không phải của Trung Quốc trong việc tiếp quản các mỏ lithium. Vì vậy ông ấy phải ra đi. Sau vụ đảo chính, cổ phiếu của Testal đã tăng chóng mặt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục