Chuyện hiến tặng Quốc ca

"Hiến tặng Quốc ca là tâm nguyện của ông Văn Cao"

"Đúng tâm nguyện của ông nhà tôi là Quốc ca không của riêng ông nên tôi xin hiến tặng Nhà nước, Quốc hội," người bạn đời của nhạc sĩ Văn Cao tâm sự.
Nếu ai đã đến nghĩa trang Mai Dịch thăm mộ nhạc sĩ Văn Cao, hẳn sẽ không khỏi bồi hồi trước dòng chữ đề dưới bức phù điêu nổi trên bia mộ “Tác giả quốc ca Việt Nam.” Tóc bồng bềnh như mây trên bia mộ của ông, khiến phút giây ta ngỡ rằng ông như còn đây với những câu hành khúc thiêng liêng, tự hào: “Đoàn quân Việt Nam đi...”

"Nốt nhạc xanh quyện bóng anh về..."


Đến thăm gia đình nhạc sĩ Văn Cao vào một ngày thu giữa một cơn mưa ngâu dang dở, chúng tôi gặp bà Nghiêm Thúy Băng, người bạn đời của nhạc sĩ đang ngước lên ban thờ ông. Tấm ảnh đen trắng của người nhạc sĩ tài hoa như đang lấp lóa ánh nhìn thương yêu, đôn hậu. Bà Thúy Băng năm nay đã ở tuổi 80 nhưng trên gương mặt vẫn ghi dấu những nét đẹp của thời trẻ xuân sắc yêu kiều.

Và đặc biệt hơn nữa là qua câu chuyện với bà, có thể thấy rõ bà vẫn tràn đầy niềm yêu thương với nhạc sĩ Văn Cao như ông vẫn đang ở bên. Trong bài thơ "Nốt nhạc xanh" bà viết trong nghẹn ngào thương nhớ: "Anh không chết/ Không bao giờ chết/ Nốt nhạc xanh/ Quyện hồn em/ Quyện hồn nước/ Quyện tình yêu bạn bè/ Hồn thơ anh/ Phảng phất/ Dáng anh/ Trong mây/ Lướt/ Nốt nhạc xanh/ Quyện bóng/ Anh về..."

Bà Văn Cao là một trong những minh chứng để ta thêm tin rằng tình yêu không có tuổi. Mặc dù người chồng tài hoa của bà đã qua đời 15 năm. Nhưng bà vẫn luôn ấp ủ những dòng thơ làm trong thương nhớ: "Mùa đông dài/ và lạnh/ Lòng em buồn/ vô tận/ Anh ra đi lâu rồi/ Không ngoái lại/ tìm em/ Đêm nay/ em không ngủ/ Thao thức.../vì nhớ anh/ Anh bây giờ ở đâu.../Trong giấc mơ /của em/ Ủ lòng em/ ấm lại/ mùa đông dài/ và lạnh/...Giấc mơ tình yêu/ Đọng lại/ Trong em..."

Bà Nghiêm Thúy Băng sinh năm 1929, là con gái thứ của một gia đình đại tư sản. Những người cùng thời đã khẳng định, bà có vẻ kiêu sa của một người đã được giáo dục cẩn thận. Chẳng thế mà nhiều chàng trai đương thời thường mơ ước được nhìn bà từ xa.

Bà Nghiêm Thúy Băng nhớ lại: “Cũng là duyên số của tôi với ông nhà tôi rất sâu nặng. Hồi trước nhiều người đến hỏi tôi lắm, họ đều là bác sĩ... nhưng tôi thấy không ưng ai cả.”

Là tiểu thư nên những sinh hoạt của bà Thúy Băng thời trẻ từ miếng ăn giấc ngủ đều có kẻ hầu người hạ. Vậy mà cuối năm 1945, tình yêu gõ cửa trái tim khi người chiến sĩ Việt Minh, Văn Cao, xuất hiện trước cổng nhà in của gia đình bà.

Bà kể: “Thời gian bén duyên cùng tôi, ông Văn Cao đã nổi tiếng với một loạt ca khúc lãng mạn như Thiên Thai, Suối Mơ, Tiến quân ca... và tôi đã thích những bài hát ấy trước khi gặp nhà tôi.”

“Hồi đó cha mẹ tôi rất cẩn thận, trước khi quyết định gả con gái cho Văn Cao, gia đình đã bí mật điều tra lý lịch, bởi vì có người do ghen tức đã tung tin anh đã yên bề gia thất tại quê nhà. Phải nhờ các mối tin tưởng, thân quen với gia đình tôi, anh ấy mới sáng tỏ là người độc thân trong sáng,” bà Thúy Băng bồi hồi nhớ lại.

Sau này, khi chung sống bà càng hiểu ông hơn. Bà xúc động kể: “Ban ngày, xung quanh ồn ào, nhà tôi vẽ tranh, khi đêm xuống, muốn sáng tác nhạc trên piano, ông ấy lấy tấm khăn nhung phủ lên các búa đàn để tiếng đàn nhỏ lại, không làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của vợ con mình.”

Bà Thúy Băng khẽ bảo: “Chẳng bao giờ tôi để ông ấy phải động tay vào việc nhà, để cho ông toàn tâm toàn ý với nghệ thuật.”

Thời còn ở Việt Bắc, cô tiểu thư Hà thành đã từng nuôi cả một đàn gà 40 con để lấy trứng mang ra chợ bán, mua gạo nuôi chồng con.

Chuyện kể không khi nào cũ

Câu chuyện về hoàn cảnh sáng tác của bài Quốc ca được bà Thúy Băng kể không biết bao lần mà chưa khi nào cũ. Bà nhẹ nhàng nói: "Đó là mùa đông năm 1944, ông Văn Cao gặp Vũ Quý, một cán bộ Việt Minh, ở ga Hàng Cỏ. Vũ Quý là người từng quen biết Văn Cao và đã động viên ông viết những bài hát yêu nước như Đống Đa, Thăng Long hành khúc ca...”

Vũ Quý đề nghị Văn Cao thoát ly hoạt động cách mạng và nhiệm vụ đầu tiên là sáng tác một bài hành khúc cho đội quân Việt Minh. Ông nhận lời Vũ Quý và ngay hôm đó chính thức gia nhập Việt Minh, bắt tay vào việc sáng tác ngay một bài hát với thể loại hành khúc của một đội quân, khác với những ca khúc trữ tình ông thường quen sáng tác mỗi khi có xúc cảm trong tâm hồn.

Ông Văn Cao viết Tiến quân ca trong nhiều ngày tại căn gác số 45 Nguyễn Thượng Hiền. Ông từng nói rằng, tên và lời ca của bài hát này là một sự tiếp tục từ ca khúc Thăng Long hành khúc ca: "Cùng tiến bước về phương Thăng Long thành cao đứng" và bài Đống Đa: "Tiến quân hành khúc ca, thét vang rừng núi xa"...

Bài “Tiến quân ca” đã ra đời như thế. Khi ấy Văn Cao mới 21 tuổi.

Bà Thúy Băng kể tiếp: "Bài hát viết xong, anh Văn Cao gặp và hát cho Vũ Quý nghe. Vũ Quý rất hài lòng và giao cho anh ấy tự tay viết bài hát lên đá in. Lần đầu tiên Tiến quân ca được in trên trang văn nghệ của báo Độc Lập tháng 11 năm 1944 bằng bản in đá do chính tay Văn Cao viết."

Thư ngỏ lời được hiến tặng tác phẩm “Tiến quân ca”

Ngày 21/6/ 2010, Cục Bản quyền tác giả nhận được Thư ngỏ lời được hiến tặng tác phẩm Tiến quân ca. Nội dung bức thư đã được mở đầu: “Tôi là Nghiêm Thúy Băng, 80 tuổi, vợ cố nhạc sĩ Văn Cao- tác giả quốc ca Việt Nam (đã mất từ 7/1995), đại diện cho gia đình đang thừa kế các tác phẩm âm nhạc của ông, xin trân trọng ngỏ lời hiến tặng công chúng, Đảng, Quốc hội và Nhà nước tác phẩm Tiến quân ca đang là Quốc ca Việt Nam từ năm 1946 đến nay là 64 năm.”

Trong Thư ngỏ lời có đoạn: “Từ ngày 1/7/2006, tác phẩm này đã chính thức được Nhà nước bảo hộ đầy đủ vô thời hạn về các quyền tác giả (bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản, quyền liên quan đến tác giả có thời hạn bảo hộ suốt cuộc đời tác giả và năm mươi năm tiếp theo năm tác giả chết” (Điều 27.2.b Luật Sở hữu trí tuệ)… “không phụ thuộc vào việc có trình diễn hay không trình diễn như mọi tác phẩm khác.”

Khi phóng viên Vietnam+ đã hỏi thì bà Nghiêm Thúy Băng về việc tại sao bà có Thư ngỏ lời hiến tặng Quốc ca và bao giờ sẽ diễn ra việc hiến tặng thì bà cho biết: "Đúng tâm nguyện của ông nhà tôi là Quốc ca không của riêng ông nên tôi xin hiến tặng Nhà nước, Quốc hội.

Tuy nhiên đây không đơn thuần là một ca khúc âm nhạc nên gia đình chúng tôi không thể trao tặng cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mà chúng tôi muốn trao tặng cho Quốc hội. Vì Quốc hội đã là cơ quan chính thức chọn Tiến quân ca thành Quốc ca Việt Nam năm 1946"./.

Nguyễn Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục