Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU: Đà Nẵng sẵn sàng tâm thế

Nhằm chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cho EVFTA, Đà Nẵng chủ động đẩy mạnh tuyên truyền, tháo gỡ những vướng mắc về hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, tập trung xúc tiến thương mại.
Công nhân đang sản xuất hàng may mặc tại Công ty Cổ phần Dệt may 29/3. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)
Công nhân đang sản xuất hàng may mặc tại Công ty Cổ phần Dệt may 29/3. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (Hiệp định EVFTA) đã được ký kết.

Nhằm chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cho hiệp định này, Đà Nẵng đã chủ động đẩy mạnh tuyên truyền, tháo gỡ những vướng mắc về hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và tập trung xúc tiến thương mại tới các thị trường trong Hiệp định.

Để Hiệp định EVFTA thực sự đi vào chiều sâu sau khi được ký kết, Đà Nẵng thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền nội dung cũng như các cam kết Hiệp định EVFTA về hội nhập kinh tế quốc tế trên địa bàn thành phố.

Ngày 29/8/2016, Ủy ban Nhân dân thành phố đã có Quyết định số 5860/QĐ-UBND ban hành Kế hoạch thông tin, tuyên truyền về hội nhập kinh tế quốc tế đến năm 2020 của thành phố Đà Nẵng.

Căn cứ kế hoạch này, trong những năm qua, các sở, ban, ngành, địa phương trong phạm vi lĩnh vực quản lý đã chủ động hoặc phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, các hiệp hội ngành nghề... tổ chức nhiều lớp tập huấn nghiệp vụ, các hội nghị, hội thảo, các buổi nói chuyện chuyên đề, cũng như biên soạn, đăng tải thường xuyên thông tin tuyên truyền về hội nhập kinh tế quốc tế trên các chuyên mục của các báo, đài phát thanh-truyền hình địa phương và các website của các sở, ban, ngành…

Thông qua triển khai các hoạt động trên, những thông tin cũng như tình hình cập nhật về Hiệp định EVFTA và các cam kết trong EVFTA ở các lĩnh vực khác nhau được tuyên truyền khá tích cực và đều đặn đến cộng đồng doanh nghiệp, người dân và các đối tượng có liên quan.

Ông Nguyễn Hà Bắc, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Đà Nẵng cho biết, bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền, Đà Nẵng còn tập trung tháo gỡ về thủ tục hành chính, cơ chế chính sách của địa phương, sở ngành cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiếp cận thị trường.

[Hiệp định Thương mại tự do EVFTA: Thông điệp tích cực của châu Âu]

Trong những năm qua, công tác cải cách hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp luôn được Đà Nẵng chú trọng. Các sở, ban, ngành của thành phố triển khai đồng bộ nhiều đề án, chương trình, cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp.

Đối với hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường, Sở Công Thương Đà Nẵng đã tham mưu Ủy ban Nhân dân thành phố ban hành Quyết định về Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động xúc tiến xuất khẩu.

Ngoài ra, trong năm 2018, Sở Công Thương Đà Nẵng đã tham mưu Ủy ban Nhân dân thành phố văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, đơn vị triển khai Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu.

Bên cạnh đó, hàng năm, Đà Nẵng tổ chức thường xuyên các đoàn doanh nghiệp tham gia hội chợ triển lãm, khảo sát thị trường và kết nối cung cầu trong và ngoài nước. Sở Công Thương Đà Nẵng đã giới thiệu, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các chương trình giao thương kết nối với các doanh nghiệp Nhật Bản, Thái Lan, Lào, Trung Quốc.... trong các sự kiện đối ngoại, ngoại giao kinh tế của thành phố.

Doanh nhân Lê Phi Hùng, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Du lịch Vẻ đẹp Á Châu) cho biết, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trên địa bàn, các ngành chức năng của Đà Nẵng đã chú trọng phát triển thương hiệu cho doanh nghiệp như hướng dẫn doanh nghiệp đăng ký hồ sơ tham gia chương trình Thương hiệu Quốc gia; thực hiện quảng bá, tuyên truyền Tuần lễ Thương hiệu quốc gia, lễ công bố các doanh nghiệp đạt Thương hiệu quốc gia; Chương trình Tọa đàm “Thương hiệu Quốc gia-Nâng tầm doanh nghiệp Việt.”

Tổ chức Sàn Thương mại điện tử thành phố Đà Nẵng (www.danangtrade.com.vn) giúp doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá sản phẩm và kinh doanh trên môi trường trực tuyến…

Có thể thấy, khi Hiệp định EVFTA được ký kết, doanh nghiệp Đà Nẵng sẽ có những thuận lợi nhất định. Vì Liên minh châu Âu (EU) là một trong những thị trường xuất khẩu chính của các doanh nghiệp ngành dệt may và thủy sản tại thành phố Đà Nẵng.

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU: Đà Nẵng sẵn sàng tâm thế ảnh 1Chế biến cá tra xuất khẩu. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Phần lớn các doanh nghiệp dệt may và thủy sản của thành phố, nhất là các doanh nghiệp lớn (tiêu biểu như Hòa Thọ, 29/3, Vinatex, Thuận Phước, Thủy sản Miền Trung) đã có mối quan hệ làm ăn lâu năm với các đối tác EU nên các doanh nghiệp này đã đạt được khá nhiều chứng chỉ chứng nhận cấp quốc tế, đảm bảo đáp ứng yêu cầu khá cao về chất lượng hàng hóa xuất khẩu sang EU.

Phần lớn các doanh nghiệp của Đà Nẵng, khi đã xác định nhu cầu xuất khẩu sang thị trường nào, đều chủ động có chiến lược, kế hoạch để đầu tư sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng theo yêu cầu của thị trường đó.

Vấn đề quan trọng là để được hưởng các ưu đãi về thuế khi xuất khẩu sang các thị trường Liên minh châu Âu khi EVFTA có hiệu lực, ngoài đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật của EU, hàng hóa của doanh nghiệp phải đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ, được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận hoặc tự chứng nhận nếu đủ năng lực và có đăng ký với cơ quan có thẩm quyền.

Tuy nhiên, để chủ động trong việc tham gia một cách tích cực vào Hiệp định EVFTA, các doanh nghiệp của Đà Nẵng cũng như các ngành chức năng đã chủ động tìm hiểu những khó khăn, thuận lợi để từ đó đề ra hướng sản xuất kinh doanh, xúc tiến thương mại đến thị trường Liên minh châu Âu.

Trên cơ sở thực tế, có thể thấy rằng EU là thị trường xuất khẩu truyền thống của các ngành chủ lực tại thành phố Đà Nẵng. Vì vậy, khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, khả năng hàng hóa của các doanh nghiệp vốn đã xuất khẩu được sang EU sẽ có nhiều thuận lợi hơn góp phần gia tăng xuất khẩu cho doanh nghiệp. Đây là nền tảng để doanh nghiệp phát triển sản xuất, nâng cao công suất sản xuất sản phẩm.

Đối với các ngành hàng khác chưa có hoạt động xuất khẩu sang EU hoặc xuất khẩu sang EU còn hạn chế, Sở Công Thương Đà Nẵng sẽ tích cực phối hợp hỗ trợ để các doanh nghiệp có sự nghiên cứu kỹ lưỡng và tiếp cận tốt đối với thị trường này thông qua các hoạt động như cung cấp thông tin thị trường, mặt hàng, nhu cầu cần mua bán của các đối tác; kết nối doanh nghiệp, tổ chức các đoàn doanh nghiệp đi khảo sát thị trường, tham dự hội chợ triển lãm; tranh thủ sự hỗ trợ của các thương vụ, tham tán Việt Nam tại các nước thành viên EU, từ Bộ Công Thương, các bộ chuyên ngành để nắm bắt và cung cấp thông tin kịp thời cho doanh nghiệp....

Để từ đó, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố có thể hoạch định chiến lược phát triển cho phù hợp với năng lực của doanh nghiệp và yêu cầu của thị trường, tiếp cận và đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường EU…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục