Hiệp hội Lương thực: Giá gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long tăng khá tốt

Giá các mặt hàng gạo tăng khá tốt, như gạo 5% tấm có giá cao nhất 10.800 đồng/kg, giá bình quân 10.564 đồng/kg, tăng 179 đồng/kg; gạo 15% tấm có giá cao nhất 10.600 đồng/kg, giá bình quân 10.350 đồng.
Hiệp hội Lương thực: Giá gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long tăng khá tốt ảnh 1Giá các mặt hàng gạo tăng khá tốt. (Nguồn: TTXVN)

Trong tuần qua, số liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho thấy giá gạo các loại ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tăng khá tốt.

Giá lúa thường tại ruộng cao nhất là 6.550 đồng/kg, giá bình quân là 6.421 đồng/kg, tăng 79 đồng/kg. Trong khi đó, giá lúa thường tại kho lại giảm trung bình 25 đồng/kg, mở mức 7.525 đồng/kg; giá cao nhất là 8.050 đồng/kg.

Đặc biệt, giá các mặt hàng gạo tăng khá tốt. Gạo 5% tấm có giá cao nhất 10.800 đồng/kg, giá bình quân 10.564 đồng/kg, tăng 179 đồng/kg. Gạo 15% tấm có giá cao nhất 10.600 đồng/kg, giá bình quân 10.350 đồng/kg, tăng 175 đồng/kg.

Gạo 25% tấm có giá cao nhất 10.400 đồng/kg, giá bình quân 10.130 đồng/kg, tăng 144 đồng/kg. Riêng gạo xát trắng loại 1 tăng 213 đồng/kg, có giá trung bình là 11.300 đồng/kg.

Tại An Giang, hiện lúa OM 18 đang được thương lái thu mua tại ruộng với mức từ 6.700-6.800 đồng/kg; OM 5451 từ 6.400-6.600 đồng/kg; Đài thơm 8 từ 6.700-6.900 đồng/kg; Nàng hoa 9 từ 6.800-7.100 đồng/kg; IR 50404 là từ 6.400-6.600 đồng/kg.

Thời gian qua, ngành nông nghiệp An Giang rất quan tâm, tích cực triển khai nhiều mô hình liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản giữa hợp tác xã với doanh nghiệp.

[Thị trường nông sản tuần qua: Xuất khẩu gạo của Việt Nam giảm]

Theo kế hoạch, năm 2023 An Giang có 30 doanh nghiệp có kế hoạch liên kết tiêu thụ lúa, nếp với các hợp tác xã, hộ dân tổng diện tích 408.320ha; trong đó vụ Đông Xuân 2022-2023 doanh nghiệp liên kết tiêu thụ gần 151.300ha; vụ Hè Thu liên kết tiêu thụ hơn 148.150 ha; vụ Thu Đông 2023 liên kết tiêu thụ gần 109.000ha.

Các doanh nghiệp liên kết tiêu thụ với diện tích lớn như: Lộc Trời 290.000ha, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu An Giang 50.000ha, Công ty cổ phần Quốc Tế Gia 30.000ha...

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết tính đến cuối tháng 1, cả nước đã gieo cấy được 1,93 triệu ha lúa Đông Xuân.

Tại một số tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã cho thu hoạch khoảng 68.300ha, tăng 2,1% cùng kỳ; sản lượng thu hoạch đạt 423.100 tấn, tăng 3,5%.

Về xuất khẩu, giá gạo 5% tấm được chào bán ở mức 455-460 USD/tấn trong ngày 9/2.

Một nhà giao dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết các nhà giao dịch đang nối lại hoạt động mua gạo từ nông dân để chuẩn bị cho các hợp đồng mới sau kỳ nghỉ lễ.

Dữ liệu hải quan cho thấy xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tháng 1/2023 đã giảm 17,3% so với tháng trước xuống còn 359.310 tấn.

Một thương nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết nguồn cung vẫn ở mức thấp do vụ thu hoạch Đông Xuân vẫn chưa vào chính vụ cho đến tháng sau.

Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ tuần qua đã nới rộng đà tăng lên mức cao của gần hai năm, nhờ sức mua mạnh. Trong khi đó, giá gạo Thái Lan giảm tuần thứ hai liên tiếp do nhu cầu và đồng baht suy yếu.

Giá gạo đồ 5% tấm của nước xuất khẩu hàng đầu Ấn Độ được chào bán ở mức từ 395-402 USD/tấn, tăng so với mức từ 393-398 USD/tấn trong tuần trước.

Một nhà giao dịch tại Mumbai cho hay giá gạo của Ấn Độ đang tăng lên, nhưng các khách hàng vẫn tiến hành mua hàng cho tháng Ba và tháng 4/2023.

Giá gạo 5% tấm của Thái Lan được chào bán ở mức từ 480-490 USD/tấn trong ngày 9/2, giảm so với mức 495 USD/tấn trong tuần trước.

Một thương nhân tại Bangkok cho hay giá gạo giảm do tỷ giá hối đoái nhưng nhu cầu cũng yếu do các nhà xuất khẩu nhận thấy mức giá hiện tại khá cao. Một thương nhân khác cho biết nguồn cung giảm cũng duy trì mức giá hiện tại.

Tại Bangladesh, giá gạo trong nước vẫn tăng cao bất chấp một vụ mùa bội thu, trong đó các quan chức đổ lỗi cho việc các thương nhân không trung thực trong kế hoạch tích trữ lương thực. Chính phủ cũng đang nhập khẩu gạo trong khi các nhà nhập khẩu tư nhân đã được phép nhập khẩu gạo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục