Hình tượng con mèo trong đời sống và văn hóa người Việt Nam

Mèo là một trong những loài vật được con người thuần chủng từ rất sớm, trong tình cảm của con người, mèo là con vật rất thân thuộc, gần gũi và trở thành vật cưng của rất nhiều gia đình.
Hình tượng con mèo trong đời sống và văn hóa người Việt Nam ảnh 1Mèo là loài vật quen thuộc và gắn bó với con người (Ảnh: Vietnam+)

Mèo là loài vật quen thuộc và gắn bó mật thiết với cuộc sống của con người từ bao đời nay. Tuy không mang lại lợi ích về kinh tế nhưng mèo được con người yêu quý bởi nhiều đặc tính như khả năng bắt chuột, sự thân thiện, tình cảm.

Loài mèo có đặc điểm là loài vật ưa sạch sẽ, thích nằm những chỗ ấm áp, thích sưởi nắng, có bản tính cẩn thận, gọn gàng, nhanh nhẹn. Trong cuộc sống, mèo là con vật biết giúp việc khá đắc lực cho con người, nó có thể bảo vệ hàng hóa nông sản, đồ vật,… khỏi bị lũ chuột tấn công.

Hình tượng mèo trong một số nền văn hóa

Một số tôn giáo cổ tin rằng mèo rất thông thái, là những linh hồn cao quý, người bạn đồng hành, hay người hướng dẫn cho con người.

Người Ai Cập cổ đại được tương truyền là những người đầu tiên trên Trái đất thuần hóa thành công mèo hoang thành mèo nhà. Loài vật có dáng đi uyển chuyển này được thần thánh với truyền thuyết về nữ thần Bast thường được miêu tả trong hình dạng mình người đầu mèo, khi có chiến tranh thì hóa thành một con sư tử cái.

Người La Mã cổ đại được cho là những người đã đưa loài mèo nhà từ Ai Cập đến châu Âu. Ở Roman Aquitaine, một văn bia thuộc khoảng thế kỷ thứ 1-2 mô tả hình ảnh một bé gái ôm mèo là một trong hai minh chứng sớm nhất về việc mèo xuất hiện ở La Mã.

Tuy nhiên có những nghiên cứu cho thấy mèo đã hiện diện ở nước Anh vào cuối thời kỳ đồ sắt, nên có thể mèo đã được nuôi ở châu Âu từ trước thời Đế chế La Mã.

Mèo nhà đã trở nên phổ biến khắp thế giới trong suốt Thời đại khám phá khi chúng được đưa lên những chiếc thuyền buồm của các thương nhân để diệt chuột nhằm bảo vệ thức ăn và hàng hóa.

Ở Trung Quốc cổ đại, mèo được xem như một con vật báo điềm lành và người ta bắt chước điệu bộ của nó cũng như con báo trong các điệu múa nông nghiệp.

Ở Campuchia, người ta vẫn nhốt mèo vào lồng rồi vừa đi vừa ca hát, rước nó từ nhà này sang nhà kia để cầu mưa.

Trong văn hóa Nhật Bản, mèo may mắn Maneki Neko, được thể hiện là một con mèo cộc đuôi trong tư thế ngồi bằng hai chân sau với một chân trước giơ lên cao, là một dạng linh vật cầu may phổ biến. Chúng được dùng với ý nghĩa cầu mong sức khỏe, tránh khỏi bệnh tật, mang lại nhiều may mắn cho gia chủ.

Mèo trong văn hóa người Việt Nam

Mèo là linh vật thứ 4 trong lịch can chi 12 con giáp ở Việt Nam, đại diện cho năm Mão. Trong 12 con giáp, có 7 con vật được thuần dưỡng từ lâu đời và đã trở thành vật nuôi trong nhà gồm trâu, mèo, ngựa, dê, gà, chó, lợn.

Theo các nhà nghiên cứu, mèo nhà (Felis Catus) chỉ mới được nuôi từ khoảng vài trăm năm trước công nguyên, tức vào cuối thời đại Hùng Vương-Thục Phán, mèo mới có mặt trong những ngôi nhà của người Việt và trở thành vật nuôi thân thiết, gắn bó với mọi gia đình.

[12 con giáp: Tết Quý Mão 2023 bàn chuyện về hình tượng con Mèo]

Trong văn hóa, mèo xuất hiện trong hai bức tranh Đông Hồ là "Đám cưới chuột""Trạng chuột vinh quy."  

Tranh “Đám cưới chuột” mô tả hình ảnh tiến sỹ chuột vinh quy cưới vợ, trong lễ rước tưng bừng có một con mèo to béo chễm chệ giơ tay nhận quà của bầy chuột.

Hình tượng con mèo trong đời sống và văn hóa người Việt Nam ảnh 2Tranh Đông Hồ "Đám cưới chuột"

Bức tranh không có chú thích nhưng là sự ẩn dụ tinh tế của người xưa nhằm châm biếm, đả kích sâu sắc về chế độ phong kiến bất công.

Tranh “Trạng chuột vinh quy” hơi giống “Đám cưới chuột,” cũng diễn tả một “đám rước chuột” vinh quy nhưng phẩm vật cống nạp cho mèo già đã bị lược đi bớt con chim câu, chỉ còn mỗi cá chép.

Hình tượng con mèo trong đời sống và văn hóa người Việt Nam ảnh 3Tranh Đông Hồ "Trạng chuột vinh quy"

Cả 2 tranh "Trạng chuột vinh quy""Đám cưới chuột" cùng là những minh họa sống động và hóm hỉnh cho quan hệ mạnh hiếp yếu trong xã hội.

Việt Nam còn có một pho tượng mèo thuộc loại cổ nhất đang được lưu giữ trong Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Đây là bức tượng trang trí bằng gốm hoa nâu, được xác định có niên đại từ thời Lý, thế kỷ 11-13.

Tượng chỉ cao khoảng 7,5 cm, thể hiện hình ảnh chú mèo trong tư thế ngồi, 2 chân trước dựng thẳng, hai tai vểnh, đuôi cong sát thân mình. Dù có kích thước nhỏ, bức tượng được tạo hình theo lối tả thực rất chi tiết và sống động.

Đặc biệt, mèo còn xuất hiện trong nghệ thuật điêu khắc đình làng ở Bắc Bộ. Đây là điều hiếm gặp bởi thường chỉ có các loài “tứ linh” như rồng, phượng, hay tiên nữ, hoặc các hình ảnh mô tả đời sống sinh hoạt mới được chạm khắc trang trí vì kèo đình làng.

Nhưng ở đình Đại Phùng , xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, Hà Nội, có một ngôi đình tiêu biểu về kiến trúc nghệ thuật đời hậu Lê ở xứ Đoài vẫn lưu lại một bức chạm gỗ độc đáo mang chủ đề “Mèo ngoạm cá.”

Bức chạm “Mèo ngoạm cá” nằm ở gian giữa của ngôi đình Đại Phùng, ở trên cao bên phía trái, sát với mái đình. Hình ảnh mèo và cá được chạm khắc rất tỉ mỉ, chi tiết.

Chú mèo có đôi tai vểnh lên, mồm ngoạm ngang con cá. Toàn thân chú mèo dương như đang chuẩn bị tha “chiến lợi phẩm” nhảy phốc ra chỗ khác. 

Hình tượng con mèo trong đời sống và văn hóa người Việt Nam ảnh 4Chạm khắc “Mèo ngoạm cá” ở đình Đại Phùng, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, Hà Nội.

Cũng là môtíp mèo ngoạm cá là bức chạm còn lưu giữ tại đình Bình Lục (xã Hồng Phong, Đông Triều, Quảng Ninh) được xây dựng khoảng năm 1705.

Trên bộ vì kèo còn được lưu lại thể hiện rõ hình ảnh chú mèo với thân hình được cách điệu không theo khuôn thức, hai chân sau có đùi to khỏe cùng chiếc đuôi dài được đục thô, đơn giản, mộc mạc nhưng sống động và lý thú. Riêng chú cá trong miệng mèo được thể hiện chi tiết, hàng vảy trên thân cá được đục nổi (3D) với vây cá, đuôi cá được thể hiện rất sinh động.

Mèo còn xuất hiện trong chi tiết chạm nổi trên bia đá chùa Linh Quang (Linh Quang thiền tự) ở An Dương, Hải Phòng, xây dựng vào năm 1719.

Hình ảnh trang trí được chạm khắc quanh bia thể hiện các loài vật quen thuộc như hổ, báo, chim, ngựa, hươu; ngoài racòn có con mèo trong dáng đang chuẩn bị vồ mồi với dáng lưng cong vồng lên, đầu nhìn về phía trước, mắt mở to, nhìn rõ 2 chiếc răng nanh.

Trong văn học Việt Nam, mèo cũng được nhắc nhiều đến trong thành ngữ, tục ngữ, ca dao... mang nhiều ý nghĩa đúc kết cuộc sống, có cả tính khuyên răn và châm biếm.

Chẳng hạn “Mèo già hóa cáo;" Mèo con bắt chuột cống; “Mèo khen mèo dài đuôi;” “Mèo nhỏ bắt chuột con;" “Nam thực như hổ, nữ thực như miu;" “Ăn như mèo;" “Chó treo mèo đậy;" “Con mèo mà trèo cây cau/Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà/Chú chuột đi chợ đàng xa/Mua mắm, mua muối giỗ cha chú mèo”.../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục