Hồ nước ngọt lớn nhất Tây Nguyên đang bị xâm hại

Hiện nay hồ Lắk, hồ nước ngọt lớn nhất Tây Nguyên, thuộc thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk đang bị xâm hại nghiêm trọng.

Cách thành phố Buôn Ma Thuột 56km về phía Nam theo quốc lộ 27, hồ Lắk, thuộc thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk, Đắk Lắk đã trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách gần xa. Thế nhưng, gần đây, hồ nước ngọt lớn nhất Tây Nguyên này đang bị xâm hại nghiêm trọng.

Điểm du lịch nguyên sơ, kỳ thú...


Khi đến với Đắk Lắk, người ta thường nhắc tới huyền thoại về hồ Lắk - một trong những hồ nước ngọt tự nhiên lớn thứ hai cả nước (sau hồ Ba Bể), nối với sông Krông Ana, rộng khoảng 500ha, nằm ở độ cao hơn 500m so với mặt nước biển. Đã từ lâu, cùng với Bản Đôn, hồ Lắk là một điểm du lịch sinh thái độc đáo thu hút du khách trong và ngoài nước, với một vẻ đẹp tự nhiên thơ mộng của núi và rừng bao quanh.

Không những vậy, vùng đất này còn lưu giữ được nhiều nét đẹp truyền thống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Đó là những mái nhà dài nằm thấp thoáng dưới tán cây xanh, là những cô gái cần mẫn bên chiếc khung dệt thổ cẩm, là những bản hùng ca, ngợi ca chiến công của người con nơi núi rừng đại ngàn. Du khách đến đây sẽ cảm nhận được vẻ nguyên sơ, thanh bình, yên ả của một vùng đất giàu truyền thống lịch sử.

Đến với hồ Lắk, du khách có thể đi thuyền độc mộc để ngắm cảnh hồ. Khi lên bờ du khách có thể thực hiện những cuộc dã ngoại vào buôn làng M’Nông hoặc đi sâu vào trong rừng để khám phá những điều bí ẩn trong cuộc sống của chim chóc, muông thú.

Đồng bào sống xung quanh hồ chủ yếu là người M’Nông vẫn giữ được những nét văn hóa dân tộc truyền thống. Những nghề thủ công, lễ hội truyền thống, nghề dệt thổ cẩm, nhiều vật dụng sinh hoạt như ghế Kpal, trồng H’gơr, chiêng, ché cổ và những ngôi nhà dài truyền thống của người M’Nông sẽ là điểm đến thu hút sự quan tâm của du khách. Bên cạnh đó, du khách có thể thưởng thức các vũ điệu truyền thống sôi động hay nghe người làng kể chuyện và thưởng thức các món ăn đặc sản.

... đang bị xâm hại nghiêm trọng

Hồ Lắk được mệnh danh là “hòn ngọc xanh” của Tây Nguyên. Hàng năm khu du lịch này đón hàng trăm ngàn lượt du khách trong nước và quốc tế đem lại doanh thu lớn cho ngành du lịch Đắk Lắk. Thế nhưng, dưới bàn tay “nhào nặn” của con người, hồ Lắk đang bị xâm hại nghiêm trọng. Điều này đã khiến cho điểm du lịch này ngày càng kém hấp dẫn du khách.

Nguyên nhân đầu tiên là tình trạng chặt phá rừng tràn lan khiến cho cảnh quan ven hồ không còn xanh tươi như thuở trước. Theo số liệu thống kê của Hạt Kiểm lâm huyện Lắk, trước đây, quanh hồ Lắk có gần 14.000ha rừng, nay chỉ còn khoảng 10.000ha, chất lượng rừng rất kém. Bao quanh hồ Lắk giờ đây là những đồi núi trọc, những cây lớn đã bị chặt phá gần hết.

Ông Võ Văn Tụ, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Lắk cho biết vì mất rừng nên khi mùa mưa đến, đất đai bị xói mòn cuốn trôi xuống làm bồi lấp lòng hồ. Trước đây, vào mùa khô, diện tích mặt hồ Lắk rộng hơn 500ha, nay còn khoảng 300ha.

Bên cạnh đó, nhiều người lấn chiếm hồ đổ đất làm nhà, mặt nước thì đầy rác thải không được dọn dẹp, lại thêm nhiều người dân từ nơi khác đến giăng lưới đánh bắt cá tôm. Mặt hồ chằng chịt các loại đăng bắt cá, nước hồ có màu đục chứ không còn xanh như trước, ven bờ, nhiều rác thải bốc mùi hôi thối. Những vạt đất quanh hồ đã thành ruộng lúa…

Ông Bùi Văn Đức, Chủ nhiệm Hợp tác xã Du lịch Buôn Jun, huyện Lắk cho biết hồ Lắk ngày càng kém hấp dẫn du khách bởi cảnh đẹp ở đây không được chăm chút. Phần lớn du khách chỉ đến đây một lần rồi không quay trở lại.

Tỉnh Đắk Lắk đã quy hoạch hồ Lắk cùng với Bản Đôn, cụm thác Gia Long, Đray Sáp, Đray Nu, Trinh Nữ là những địa điểm trọng yếu để phát triển du lịch cho trung tâm Tây Nguyên. Song hiện nay, dường như hồ Lắk không đủ sức thu hút khách du lịch./.

Anh Dũng (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục