Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận công nghệ nội sinh

Bộ trưởng Nguyễn Quân khẳng định Bộ Khoa học và Công nghệ tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận với công nghệ nội sinh.
Tại chuỗi hoạt động “Trình diễn, kết nối cung-cầu công nghệ khu vực Đồng bằng sông Hồng 2013” do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình tổ chức từ ngày 15-16/8 tại Thái Bình, việc làm thế nào để thúc đẩy sâu rộng công tác nghiên cứu khoa học và ứng dụng, chuyển giao, phát triển các sản phẩm vùng Đồng bằng sông Hồng và của từng địa phương trong vùng, được các nhà quản lý, nhà khoa học và các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân đã có cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN về nội dung này.

- Hoạt động kết nối cung-cầu do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức trong thời gian qua tại các địa phương đã mang lại kết quả như thế nào về kinh tế-xã hội, thưa Bộ trưởng?

- Bộ trưởng Nguyễn Quân: Có thể nói hoạt động kết nối cung-cầu công nghệ cũng là một phiên bản của Chợ công nghệ (Techmart) nhưng được tổ chức một cách thiết thực hơn, đối tượng thu hẹp hơn. Đối với kết nối cung cầu, hai lực lượng được huy động chính ở đây là nhà khoa học và doanh nghiệp và có vai trò của cơ quan quản lý nhà nước kết nối họ. Đây là sự kiện thứ ba về kết nối cung cầu sau hai sự kiện đã được tổ chức ở địa phương khác. Kết quả ban đầu của sự kiện này rất đáng khích lệ.

Thông qua sự kiện này các doanh nghiệp đã tìm được công nghệ của Việt Nam, sản phẩm của các nhà khoa học Việt Nam để có thể chuyển giao và ứng dụng cho sản xuất kinh doanh của mình. Đồng thời, rất nhiều viện nghiên cứu, trường đại học cũng đã tìm được địa chỉ đưa sản phẩm của họ vào thương mại hóa. Hiệu quả trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như hỗ trợ cho hoạt động nghiên cứu có thể nhìn thấy rất rõ.

Chính vì thế, mặc dù tổ chức ở quy mô nhỏ, nhưng số lượng các doanh nghiệp, các viện nghiên cứu tham gia tương đối đông. Hoạt động kết nối cung-cầu năm nay đã thu hút nhiều doanh nghiệp nước ngoài quan tâm, giới thiệu công nghệ và sản phẩm để doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp nhận và chuyển giao công nghệ.

- Xin Bộ trưởng cho biết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các hoạt động kết nối cung-cầu thời gian qua?


- Bộ trưởng Nguyễn Quân:
Chắc chắn khó khăn đầu tiên là vấn đề kinh phí để tổ chức những sự kiện. Bộ Khoa học và Công nghệ đã có Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia và giao cho Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ làm đầu mối. Nhờ nguồn kinh phí của Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia cũng như nỗ lực của một số viện, trường, doanh nghiệp, chúng tôi mới tổ chức được những sự kiện như thế này.

Khó khăn thứ hai là khoảng cách về địa lý, Việt Nam có 63 tỉnh, thành phố trải dài từ Bắc tới Nam nên tổ chức ở khu vực nào cũng đều khó khăn cho đơn vị ở xa.

Thứ ba do quy mô nhỏ nên phải hạn chế đối tượng. Chỉ những doanh nghiệp khoa học công nghệ hoặc các doanh nghiệp có năng lực nghiên cứu, triển khai, ứng dụng công nghệ mới được mời tham gia. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp dù có nhu cầu rất lớn nhưng vẫn không thể tham gia. Vì vậy, song song với sự kiện kết nối cung-cầu, Bộ vẫn chủ trương đẩy mạnh các hoạt động khác như Techmart, các sàn giao dịch công nghệ của địa phương và Trung ương để tất cả các doanh nghiệp đều có điều kiện tiếp cận với công nghệ nội sinh. Qua đó, các doanh nghiệp có thể liên hệ với các nhà khoa học, nhận chuyển giao công nghệ vào sản xuất...

- Có một thực tế đang diễn ra qua các kỳ Techmart và hoạt động kết nối cung-cầu là nhiều văn bản ghi nhớ, hợp đồng được ký kết nhưng việc triển khai vào thực tế không nhiều, xin Bộ trưởng cho biết lý do?

- Bộ trưởng Nguyễn Quân:
Các Techmart trước đây và sự kiện tương tự đều có tổ chức ký kết giữa nhà khoa học với doanh nghiệp, giữa cơ quan quản lý với doanh nghiệp hoặc giữa nhà khoa học với cơ quan quản lý. Tuy nhiên có một thực tế là tỷ lệ thực hiện các hợp đồng không cao. Điều này diễn ra do nhiều lý do, trong đó lý do chính là nguồn lực thực sự của doanh nghiệp có thể đầu tư vào những dự án này thường không đáp ứng được. Khi ký, doanh nghiệp có thể thấy công nghệ đó rất tốt, thấy nhu cầu của mình là có thực, nhưng khi triển khai thì đòi hỏi vốn đầu tư lớn hoặc phải theo đuổi sản phẩm đó cho đến cùng trong khi có quá nhiều khó khăn... Do vậy, các doanh nghiệp đã quyết định không tiếp tục đầu tư. Vì vậy các hợp đồng được thực sự triển khai chiếm tỷ trọng không lớn.

Tuy nhiên, trong hoạt động kết nối cung-cầu, chúng tôi hy vọng hiệu quả cao hơn, vì các doanh nghiệp, viện, trường đều đã nghiên cứu rất kỹ những sản phẩm và nhu cầu của nhau, nên những hợp đồng được ký thường có tính khả thi cao, Hơn nữa, với quy mô hợp đồng không quá lớn, từ 5-7 tỷ đồng hoặc 40-50 tỷ đồng là vừa với khả năng của các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là những doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Chúng tôi hy vọng tỷ lệ hợp đồng được ký kết trong sự kiện này sẽ được thực hiện nhiều hơn so với những sự kiện khác.

- Để thúc đẩy hoạt động kết nối cung-cầu, trong thời gian tới Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ đưa ra những giải pháp gì, thưa Bộ trưởng?

- Bộ trưởng Nguyễn Quân: Chúng tôi đã trình Thủ tướng Chính phủ Đề án về Phát triển thị trường công nghệ và đang chờ phê duyệt, đồng thời vừa qua, trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế cũng như Luật Khoa học và Công nghệ vừa được Quốc hội thông qua đã có những điều khoản quan trọng về phát triển thị trường công nghệ. Trong đó, ngoài việc phải nuôi dưỡng nguồn cung bao gồm cả nguồn cung nội địa và nguồn cung nhập khẩu, tức là các kết quả nghiên cứu, các sáng chế, bí quyết công nghệ và công nghệ thông qua việc hỗ trợ của Nhà nước cho các tổ chức khoa học công nghệ, các viện, trường đại học nghiên cứu và kể cả nhập khẩu công nghệ, mua bí quyết công nghệ, mua thiết kế của nước ngoài thì cũng phải nuôi dưỡng cả định chế trung gian.

Hiện nay, các tổ chức định chế trung gian, tức là các tổ chức làm nhiệm vụ môi giới và dịch vụ trong thị trường công nghệ để kết nối giữa nguồn cung và cầu ở nước ta gần như chưa có và rất yếu kém, nên không giúp được các doanh nghiệp trong việc định giá, giám định các kết quả nghiên cứu, khả năng thương mại hóa, cũng như không giúp được các nhà khoa học thương mại hóa kết quả nghiên cứu thông qua các sự vụ kiểm định, môi giới, đánh giá, định giá. Chính vì vậy, các nhà khoa học chưa thuyết phục được doanh nghiệp về khả năng thương mại hóa cũng như hiệu quả sử dụng kết quả nghiên cứu trong sản xuất kinh doanh. Ngược lại, các doanh nghiệp chưa đủ lòng tin vào các sản phẩm của nhà khoa học...

Việc hình thành được các tổ chức trung gian như vậy sẽ giúp nguồn cung, nguồn cầu đến với nhau, tin tưởng nhau để triển khai tốt hơn. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước phải nắm bắt được nhu cầu của doanh nghiệp và hỗ trợ để họ tìm kiếm được công nghệ, đổi mới công nghệ tạo ra sự đổi mới cho chính họ. Tất cả những việc đó cần phải tiến hành một cách đồng bộ. Cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Khoa học và Công nghệ, các sở khoa học và công nghệ, cơ quan sự nghiệp của nhà nước, viện nghiên cứu, trường đại học đều phải tham gia tích cực vào thị trường công nghệ.

- Đối với những khó khăn trong hoạt động kết nối cung-cầu công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có những giải pháp như thế nào, thưa Bộ trưởng?

- Bộ trưởng Nguyễn Quân: Bộ Khoa học và Công nghệ đã có nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trong hoạt động kết nối cung-cầu. Riêng về mặt tài chính, ngay từ năm 1999, Chính phủ đã ban hành Nghị định 119/1999/NĐ-CP để hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, trong đó quy định ngân sách Nhà nước có thể hỗ trợ tới 30% tổng kinh phí đầu tư một dự án đổi mới công nghệ của doanh nghiệp. Tuy nhiên, nguồn kinh phí của Chính phủ lúc đó hỗ trợ cho Chương trình này còn hạn chế, cho nên mới chỉ có khoảng 200 doanh nghiệp tiếp cận được và có kết quả thành công. Tại sự kiện kết nối cung - cầu năm nay, nhiều doanh nghiệp đã có những thành công ban đầu từ các dự án của Nghị định 119.

Sau này, Chính phủ cho phép Bộ Khoa học và Công nghệ thành lập một Chương trình quốc gia về đổi mới công nghệ và Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, dự kiến năm 2014 sẽ đi vào hoạt động.

Như vậy với cơ chế của Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia và với nguồn hỗ trợ rất lớn từ Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, chắc chắn sẽ có một số lượng lớn doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp khoa học và công nghệ có thể tiếp cận được với sự hỗ trợ của Chính phủ với mức hỗ trợ rất cao, thậm chí có những dự án được tài trợ gần như 100% kinh phí... Đồng thời, Nhà nước có thể bảo lãnh cho các doanh nghiệp khi tham gia Chương trình được vay vốn từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam. thậm chí có thể bảo lãnh vay vốn từ ngân hàng thương mại với lãi suất ưu đãi để doanh nghiệp có nguồn lực đủ lớn.

Ngoài ra, Nhà nước vẫn tiếp tục hỗ trợ cho các cơ sở nghiên cứu là nguồn cung của thị trường công nghệ với cơ chế chính sách mới như tài chính, cơ chế thuận lợi hơn, nội dung chi được bổ sung, định mức chi được nâng cao và thủ tục thanh toán các nhiệm vụ khoa học và công nghệ thông thoáng hơn. Hy vọng với hệ thống đồng bộ các cơ chế chính sách như vậy thì việc chuyển giao công nghệ từ các cơ sở nghiên cứu cho doanh nghiệp sẽ tốt hơn rất nhiều./.

Nguyễn Bích Thủy (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục