Ngày 24/11, các nguồn thạo tin cho biết tiến trình đàm phán hòa bình giữa Chính phủ Afghanistan và phiến quân Taliban đang diễn ra tại thủ đô Doha của Qatar sắp chuyển sang giai đoạn tiếp theo.
Hai bên đã đàm bắt đầu đàm phán trực tiếp từ tháng Chín vừa qua, sau khi Mỹ và Taliban ký kết thỏa thuận hồi tháng Hai.
Theo thỏa thuận, Mỹ cam kết rút toàn bộ lực lượng nước ngoài khỏi Afghanistan vào giữa năm 2021 trong khi Taliban đưa ra các đảm bảo về an ninh và cam kết tiến hành hòa đàm với chính quyền Kabul. Tuy nhiên, hai bên phát sinh nhiều bất đồng về chương trình nghị sự, khung thảo luận và vấn đề tôn giáo, khiến đàm phán rơi vào bế tắc.
Theo các nguồn thạo tin, tới nay, hai bên đã đạt thỏa thuận về mọi vấn đề gây cản trở. Tuy nhiên, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani phản đối cách gọi "đánh đồng" chính phủ của ông và Taliban là "các bên tham chiến." Hiện một thành viên của đoàn đàm phán đang trở lại Kabul để tham vấn Tổng thống Ghani về vấn đề này.
[EU, Iran hoan nghênh LHQ ủng hộ lệnh ngừng bắn ở Afghanistan]
Về phần mình, Taliban đã đồng ý từ bỏ đòi hỏi các cuộc đàm phán hiện nay hay bất kỳ thỏa thuận nào trong tương lai đều phải căn cứ vào luật Hồi giáo dòng Sunni.
Các nhà đàm phán của Chính phủ Afghanistan cho rằng đòi hỏi này của Taliban có thể dẫn tới phân biệt đối xử với cộng đồng người Hazaras chủ yếu theo dòng Shiite cũng như các sắc tộc thiểu số khác ở Afghanistan.
Bất chấp tiến trình hòa đàm đang diễn ra, trong những tuần gần đây, tình trạng bạo lực vẫn tiếp diễn tại Afghanistan. Ngày 24/11, một vụ đánh bom kép xảy ra tại thành phố Bamiyan có đa số người Hazaras sinh sống, khiến ít nhất 14 người thiệt mạng.
Tuần trước, Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo sẽ sớm rút khoảng 2.000 binh sỹ ra khỏi Afghanistan để đẩy nhanh lịch trình rút quân trong thỏa thuận với Taliban./.