Hóa giải điểm 'nghẽn' giúp ngành da giày tận dụng tốt CPTPP và EVFTA

Theo các chuyên gia, để tận dụng tốt các hiệp định thương mại tư do như EVFTA và CPTPP, ngành da giày cần tháo gỡ các điểm 'nghẽn' như công nghiệp phụ trợ, nguyên phụ liệu...
Hóa giải điểm 'nghẽn' giúp ngành da giày tận dụng tốt CPTPP và EVFTA ảnh 1Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải phát biểu tại diễn đàn Ngành da giày Việt Nam - đón đầu cơ hội CPTPP và EVFTA. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngành da giày Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn từ các hiệp định thương mại như Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA)…

Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội này thì ngành cần giải quyết các điểm "nghẽn" như công nghiệp phụ trợ, nguyên phụ liệu còn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu…

Đây cũng là đề xuất đưa ra tại diễn đàn “Ngành da giầy Việt Nam - đón đầu cơ hội CPTPP và EVFTA,” do Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Báo Nhân Dân tổ chức ngày 13/12, tại Thành phố Hồ Chí Minh.

[Giày da Việt Nam nhận được sự chú ý từ các bạn hàng quốc tế]

Số liệu đưa ra tại diễn đàn cho thấy năm 2018, Việt Nam đã xuất khẩu sản phẩm giày dép tới hàng trăm nước, trong đó trên 50 nước có kim ngạch xuất khẩu hơn 1 triệu USD.

Trong khi đó, thị trường nội địa cũng đầy tiềm năng với dân số 95 triệu người. Ước tính, nhu cầu tiêu thụ giày dép tại Việt Nam năm 2018 khoảng 190 triệu đôi (bình quân 1,9 đôi/người/năm) và tiếp tục tăng do người dân có thu nhập ngày càng cao.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh nhờ những bước chuyển mình trong thời gian qua, ngành da giày Việt Nam luôn duy trì được vị thế trên thị trường thế giới, đứng thứ hai chỉ sau Trung Quốc.

Đặc biệt, ngành da giày đang có cơ hội lớn đến từ các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới. Cụ thể hơn theo ông, khi các hiệp định này có hiệu lực hoàn toàn, hàng rào thuế quan vào thị trường các nước EU và các nước thành viên CPTPP được gỡ bỏ sẽ mở ra cơ hội tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ hơn nữa cho ngành da giày Việt Nam.

Song để tận dụng được các cơ hội trên, lãnh đạo Bộ Công Thương đề nghị ngành da giày cần đặc biệt chú trọng đến nâng cao năng suất, chất lượng nguồn nhân lực... Cùng với đó, ngành cũng cần hình thành các chuỗi giá trị và cụm liên kết, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao giá trị tạo ra trong nước và giữ chân các nhà đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.

Cùng với ý kiến của lãnh đạo Bộ Công Thương, tại diễn đàn, các chuyên gia đến từ các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp cũng chia sẻ những khó khăn, điểm "nghẽn" và từ đó đưa ra những giải pháp, đề xuất trong bức tranh tổng quan của ngành da giày Việt Nam.

Những chia sẻ, kinh nghiệm và các khuyến nghị này cũng là cơ sở để cơ quan Chính phủ xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển ngành da giầy trong bối cảnh các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đi vào hiệu lực./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục