Nghệ thuật thì ở ngay quanh mình, ở trong những cái hàng ngày và ở ngay trong mình. Ấy thế nhưng con đường đi đến nghệ thuật thì lại rất dài. Dài đến mức, hiểu như ý của nhà Phật: Không có con đường đến niết bàn. Niết bàn là con đường.
Niết bàn/nghệ thuật là bến, là bờ bên kia nhưng để đến được cái bến ấy, để “sang sông” thì có trăm ngàn cách, chẳng ai giống ai, mỗi thân mỗi phận, mỗi nợ mỗi duyên, mỗi người chọn một ga khởi hành cho riêng mình, chọn một lối đi cho mình.
Như đã nói, hạnh phúc là ở ngay trên con đường đến với nghệ thuật. Dễ đấy mà cũng khó khăn làm sao. Nhưng ngẫm cho thấu đáo thì chọn thế nào được? Mỗi người một tạng, cái tạng tính của mình thế nào thì nó sẽ đưa đẩy mình vào con đường đó.
Có hai điều không nên và không thể cố là yêu và làm nghệ thuật. Cố là bất tự nhiên, trong khi nghệ thuật thì làm cả đời, cố thì cũng được nhưng chắc chỉ được vài lần. Tự nhiên là ban đầu mà cũng là chung cuộc.
Làm nghệ thuật là làm mình, có sao thì vẽ vậy, viết vậy. Là về với mình. “Sang sông” thì đúng rồi nhưng rốt ráo thì “ngoái đầu là bờ.” “Mưa rơi không cao thấp/Cành hoa có ngắn dài.” Đói ăn, khát uống, mệt nghỉ, “tìm một cái sáo không có lỗ để thổi.”
Dông dài vậy nhưng cũng không hẳn vì vừa viết vừa nghĩ về những bức tranh của Hoàng Long Hải, chính xác là 10 bức, 1 video và 1 bản nhạc. Cậu ta đâu có chọn con thuyền nào để “sang sông,” cậu ta đâu có cố ý làm nghệ thuật. Thích thì tập đàn, thích thì làm thơ, nghe nhạc, đọc sách, thích thì thiết kế (graphic design), chụp ảnh.
Sống, làm nghệ thuật, vẽ và Hoàng Long Hải là một. Tự nhiên vậy thôi. Chất liệu đâu quá quan trọng, sơn dầu trên toan cũng được mà sơn nước trên toan cũng hay nếu chất liệu ấy hòa được vào cảm xúc của mình, thậm chí là băng dính, lá khô.
Tôi hỏi Hải: Bạn đang cần gì?
Hải đáp ngay: Chẳng cần gì!
Tôi hiểu, đó là vô sở cầu, là tự nhiên. Không đặt ra mục đích đạt được gì, đến được đâu… “vô đắc.” Tự nhiên như nhiên.
Cứ tưởng những thơ, những nhạc, những ảnh, những thiết kế là ngoài hội họa, không phải đâu.
Năng khiếu giúp người ta đi từ cây số 0 đến cây số 1. Còn từ cây số 1 đến cây số 100 thì phải có cả tri thức nữa. Những bức tranh của Hải đều là đen trắng và ghi nhưng dưới những đen trắng ấy là những câu chuyện, nhỏ thôi của Hải, là vui buồn, được mất, thăng trầm…
Nó là nền móng để những bức tranh ấy, những bức tranh khổ lớn ấy đứng được. Nó làm cho những đen trắng ấy có mầu. Nó làm nên hình dáng của thủy tinh. Tên triển lãm lần đầu này, Hải đặt là “Dáng hình thủy tinh.” Vừa trong suốt vừa mong manh dễ vỡ, ấy là “ban đầu,” là 18 đôi mươi, là đất lành cho khởi thủy dù là “những mảnh thủy tinh vỡ.”
Vỡ cũng tự nhiên. Còn tuổi nào tự nhiên hơn thế? Thủy tinh là chính nó, mà vẫn nhận được thế giới xung quanh vào nó. Chân không thì mới diệu hữu, không thì mới có được chứ? Trong thủy tinh có tất cả dáng hình.
Phật nói: Một trong tất cả và tất cả trong một. Còn Hoàng Long Hải thích ý đó qua lời bài hát của ban nhạc Nirvana: all in all is all we are. Hải làm nghệ thuật bằng nhiều loại hình, trong Hải có tất cả và tất cả ấy có trong tranh Hải. Có những bức tranh đi ra từ 1 bài thơ, có những bài thơ đi ra từ tranh, có những bài thơ được dán lên mặt tranh, chữ cũng tham gia để tạo hình … Hải nghiêng về đa phương tiện, tranh của Hải thường là chất liệu tổng hợp.
Xin được chúc Hoàng Long Hải “luôn thấy bình minh” và trân trọng giới thiệu triển lãm này với các bạn yêu nghệ thuật.
Lê Thiết Cương
Triển lãm cá nhân “Dáng hình thủy tinh” của nghệ sỹ Hoàng Long Hải trưng bày 10 bức tranh trên chất liệu sơn nhà và tổng hợp trên toan, 1 video và 1 bản nhạc. Triển lãm diễn ra từ ngày 11/12 đến hết ngày 17/12 tại Nhà triển lãm Mỹ thuật, 16 Ngô Quyền, Hà Nội. |