Ngày 30/11, Cục Thống kê quốc gia (NBS) của Trung Quốc công bố số liệu cho thấy hoạt động sản xuất của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng mạnh trong tháng 11 do tình trạng thiếu điện được cải thiện và một số chi phí nguyên liệu thô giảm.
Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) - một thước đo quan trọng của hoạt động sản xuất - của Trung Quốc đã tăng lên 50,1, vượt trở lại mốc 50 điểm, "kéo" tăng trưởng khỏi suy giảm sau 2 tháng. Dữ liệu mà NBS vừa công bố cũng cao hơn mức 49,7 mà các nhà phân tích của Bloomberg dự báo.
Nhà thống kê cấp cao Zhao Qinghe của NBS khẳng định một loạt biện pháp chính sách gần đây nhằm tăng cường đảm bảo nguồn cung năng lượng và ổn định giá cả thị trường đã phát huy hiệu quả.
Việc tăng nguồn cung điện trong tháng này đã tạo đà cho sản xuất tăng, trong khi giá một số nguyên liệu thô đầu vào cũng "giảm đáng kể." Trong bối cảnh phục hồi kinh tế toàn cầu, mùa Giáng sinh đang đến gần, hoạt động ngoại thương cũng tiếp tục được cải thiện.
[FDI vào Trung Quốc dự kiến tăng trưởng hai con số năm 2021]
Tuy nhiên, chỉ số PMI phi sản xuất của Trung Quốc đã giảm nhẹ từ mức 53,4 trong tháng 10 xuống còn 52,3 trong tháng 11, trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phải đối phó với các đợt bùng phát mới dịch COVID-19 trong nước.
Giới phân tích dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ chậm lại sau khi nước này ghi nhận các ca nhiễm mới COVID-19 vào cuối tháng 10 và dịch đã lan rộng ra 21 tỉnh, thành kéo theo các biện pháp hạn chế đi lại và đóng cửa.
Nhà kinh tế trưởng phụ trách Trung Quốc tại Tập đoàn dịch vụ tài chính toàn cầu Nomura, ông Lu Ting còn đề nghị thận trọng khi đánh giá dữ liệu PMI mới nhất, cho rằng sự phục hồi này không đồng nghĩa với lĩnh vực sản xuất đã phục hồi hoàn toàn.
Nhiều khả năng hoạt động sản xuất của Trung Quốc sẽ lại giảm sút trong tháng 12 khi Chính phủ Trung Quốc bắt đầu hạn chế sản lượng của các ngành gây ô nhiễm cao để đảm bảo môi trường trong sạch cho Olympic mùa Đông Bắc Kinh, dự kiến khai mạc vào ngày 4/2/2022./.