Theo Insidetrade.com ngày 20/10, Hội đồng châu Mỹ đã gửi thư cho Tổng thống Joe Biden khuyến nghị chính quyền thành lập một cơ chế công-tư tập trung vào tăng cường khả năng tự cường của chuỗi cung ứng, có thể cho phép các nước tham gia Hiệp định Đối tác vì sự thịnh vượng kinh tế ở châu Mỹ (APEP) gia nhập Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA).
Hội đồng châu Mỹ là một hiệp hội gồm doanh nghiệp hoạt động nhiều trong lĩnh vực năng lượng, khai khoáng, sản xuất và công nghệ...
Để thúc đẩy trụ cột chuỗi cung ứng của APEP, Hội đồng châu Mỹ khuyến nghị Mỹ đưa ra một số cơ chế công-tư thường trực về tự cường chuỗi cung ứng nhằm giúp các nước châu Mỹ hưởng lợi và phát triển các chuỗi cung ứng toàn diện và đa dạng trong khu vực.
Đồng thời, Hội đồng châu Mỹ cũng đề nghị Mỹ xem xét mở rộng USMCA với sự tham gia của các thành viên của Hiệp định thương mại tự do Cộng hòa Dominica-Trung Mỹ và các đối tác khác.
[Mexico: Không rút khỏi Hiệp định Thương mại Mỹ-Mexico-Canada]
Đối với trụ cột về năng lượng sạch của APEP, Hội đồng châu Mỹ khuyến nghị chính quyền của Tổng thống Biden thăm dò khả năng xây dựng một hiệp định thương mại tự do về công nghệ sạch với các thành viên APEP để thúc đẩy đổi mới, việc làm xanh và bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, Hội đồng châu Mỹ cũng khuyến nghị việc thực hiện nhanh chóng và hiệu quả USMCA, tạo thuận lợi thương mại của Tổ chức Thương mại thế giới để thúc đẩy thương mại bao trùm và bền vững.
USMCA được đánh giá sẽ đem lại lợi ích chung và nâng cao khả năng cạnh tranh của khu vực. USMCA sẽ kết nối gần nửa tỷ người tiêu dùng trong một thị trường chung chiếm tới khoảng 27% GDP toàn thế giới.
Hiệp định này được kỳ vọng sẽ mang lại kim ngạch thương mại trị giá 1.200 tỷ USD hàng năm giữa 3 nước thành viên.
USMCA có hiệu lực trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với nhiều bất ổn do khủng hoảng mà đại dịch COVID-19 gây ra, trong khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo các nền kinh tế khu vực Bắc Mỹ sẽ suy giảm nghiêm trọng và tình trạng này có thể kéo dài hơn nữa.
USMCA sẽ thay thế Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) sau khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã xóa bỏ NAFTA vào hồi năm 2016 với lý do NAFTA không công bằng và đã khiến lao động Mỹ bị mất việc làm.
Động thái này đã dẫn tới việc ba nước thành viên là Mỹ, Canada và Mexico phải khởi động lại đàm phán./.