Hội nghị An ninh Munich 2021 và những điều đặc biệt

Tại Hội nghị An ninh Munich 2021, một số nhà lãnh đạo kêu gọi xây dựng mô hình chủ nghĩa đa phương hiệu quả và bao trùm hơn, vượt ra ngoài những quan điểm của phương Tây và ngoài phương Tây.
Hội nghị An ninh Munich 2021 và những điều đặc biệt ảnh 1Lãnh đạo Mỹ, Đức, Pháp tham gia hội nghị An ninh Munich trực tuyến. (Nguồn: securityconference.org)

Theo Tân Hoa Xã/CNBC, ngày 19/2 tại Hội nghị An ninh Munich trực tuyến, các nhà lãnh đạo từ châu Âu và Mỹ đã gửi đi một thông điệp rõ ràng về việc hồi sinh các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Tuy nhiên, ý chí và hiện thực rất có thể sẽ có nhiều khác biệt.

Nhận thấy tác động của đại dịch COVID-19 và những thách thức toàn cầu lâu dài như biến đổi khí hậu đã khoét sâu hơn rạn nứt giữa châu Âu và Mỹ, một số nhà lãnh đạo và chuyên gia tại hội nghị kêu gọi xây dựng mô hình chủ nghĩa đa phương hiệu quả và bao trùm hơn, vượt ra ngoài những quan điểm của phương Tây và ngoài phương Tây.

Phát biểu tại hội nghị trực tuyến, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh: “Tôi đang gửi một thông điệp rõ ràng đến thế giới: Nước Mỹ đã trở lại. Liên minh xuyên Đại Tây Dương đã trở lại. Chúng ta không nên nhìn lại phía sau… Vài năm qua là những căng thẳng và thử thách đối với mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương ... Mỹ quyết tâm tái gắn kết với châu Âu."

Đáp lại, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết Mỹ đưa ra cam kết “ở thời điểm không thể nào tốt hơn,” đồng thời nhấn mạnh biến đổi khí hậu và các sáng kiến trong không gian kỹ thuật số là 2 lĩnh vực mà hai bên có thể thúc đẩy để củng cố liên minh.

Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg nhìn nhận đây là "cơ hội lịch sử" để Mỹ và châu Âu "lấy lại lòng tin" và "củng cố sự thống nhất", đồng thời kêu gọi các bên tăng cường cam kết phòng thủ tập thể và góp phần chia sẻ gánh nặng chi phí quốc phòng một cách công bằng hơn.

Cuộc họp đặc biệt được triệu tập chỉ vài giờ sau khi Washington chính thức trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Trong bài phát biểu của mình, Biden kêu gọi các đồng minh châu Âu tăng gấp đôi cam kết chống biến đổi khí hậu, cảnh báo về một "cuộc khủng hoảng liên quan đến sự tồn vong của toàn cầu."

Khúc mắc giữa hai bờ Đại Tây Dương

Dù nhiều nhà lãnh đạo châu Âu hoan nghênh phát biểu của Tổng thống Biden và tái khẳng định nền tảng của liên minh xuyên Đại Tây Dương, một số người tham gia hội nghị đã nhắc đến nhiều lập trường khác nhau của châu Âu và Mỹ suốt vài năm qua.

Tuyên bố Đức ủng hộ một "chương mới" trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương, Thủ tướng Angela Merkel thừa nhận rằng "các lợi ích của chúng ta có thể không phải lúc nào cũng hội tụ," kêu gọi thúc đẩy chủ nghĩa đa phương trong việc ứng phó đại dịch, biến đổi khí hậu và các thách thức an ninh khác.

[Hội nghị An ninh Munich 55: Thế giới bên bờ vực khủng hoảng lòng tin]

Michael Schumann, Chủ tịch hội đồng quản trị Hiệp hội Phát triển Kinh tế và Ngoại thương Liên bang Đức, chia sẻ với phóng viên Tân Hoa Xã: “Thế giới đã thay đổi, châu Âu đã thay đổi, và Đức bắt đầu nhận ra rằng có nhiều lĩnh vực mà lợi ích quốc gia của họ không hội tụ với những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Mỹ."

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi châu Âu tăng cường quyền tự chủ chiến lược trong NATO và giảm sự phụ thuộc vào Mỹ. Nhà lãnh đạo Pháp nhấn mạnh rằng "đóng góp tốt nhất có thể" của châu Âu trong NATO là "chịu trách nhiệm nhiều hơn về an ninh của chính mình và quyền tự chủ chiến lược.”

Giáo sư danh dự Bertrand Badie - làm việc tại trường Đại học Khoa học Po của Pháp và là một chuyên gia về quan hệ quốc tế - cho rằng sự mơ hồ chiến lược trong các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương có thể sẽ còn kéo dài.

Trong khi đó, học giả Douglas H. Paal, làm việc tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, cho rằng những sai lầm chồng chất trong ba thập kỷ qua của quan hệ xuyên Đại Tây Dương sẽ không biến mất trong "một sớm một chiều."

Hướng đến chủ nghĩa đa phương

Với chủ đề "Beyond Westlessness" (tạm dịch: “Không chỉ mất tính phương Tây”), Hội nghị An ninh Munich năm nay cố gắng tạo bước đột phá so với các cuộc thảo luận về "Westlessness" (Mất tính phương Tây) và hướng đến xây dựng lập trường chung của phương Tây.

Theo Schumann, việc nói về những điều trừu tượng của phương Tây và phương Đông “chỉ làm tăng thêm những định kiến cũ, tạo ra sự hiểu lầm và cản trở mối quan hệ thực sự. Chúng ta phải vượt qua những khuôn mẫu suy nghĩ của quá khứ và xây dựng những cầu nối mới.”

Các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị An ninh Munich đều nhất trí rằng các biến cố trong năm 2020 đã làm gia tăng nhu cầu duy trì chủ nghĩa đa phương trên thế giới sau quãng thời gian bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi tăng cường chủ nghĩa đa phương và củng cố tính bao trùn của chủ nghĩa này trong bối cảnh thách thức toàn cầu đang "ngày càng trở nên lớn hơn và phức tạp hơn" còn phản ứng trên toàn thế giới vẫn "rời rạc và chưa đủ."

Theo quan điểm của ông, để củng cố chủ nghĩa đa phương, người ta cần liên kết các tổ chức toàn cầu và khu vực, các thực thể kinh tế và chính trị; và một chủ nghĩa đa phương bao trùm nên thu hút các doanh nghiệp, thành phố, trường đại học và các phong trào vì bình đẳng giới, vì khí hậu và công bằng chủng tộc.

Cùng quan điểm này, Tổng thống Pháp Macron nhấn mạnh tới một chủ nghĩa đa phương "hiệu quả, hữu ích" trong giải quyết bất bình đẳng vấn đề phân bổ vaccine. Ông nói: “Nếu chúng ta muốn có một chủ nghĩa đa phương hiệu quả, thách thức của chúng ta hiện nay là đảm bảo tất cả các nước trên thế giới bao gồm cả các nước mới nổi và các nước nghèo có thể tiếp cận với vắcxin.”

Xulio Rios, Giám đốc Tổ chức Quan sát Chính trị Trung Quốc có trụ sở Tây Ban Nha, cho biết những thách thức toàn cầu như đại dịch và biến đổi khí hậu đã cho thấy các nhà lãnh đạo thế giới cần hợp tác để tìm ra các giải pháp chung.

Ông nói: “Do đó, ý tưởng kích động một cuộc Chiến tranh Lạnh mới bắt nguồn từ những thù địch trong quá khứ sẽ khiến người ta phân tâm khỏi những thách thức lớn mà nhân loại phải đối mặt trong thế kỷ này, điều đáng lo ngại nhất trong tất cả các hiểm họa cấp bách.”

Theo Rios, EU có những lợi ích và chiến lược riêng trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế và liên minh có thể có những đóng góp quan trọng vào quá trình chuyển đổi hòa bình hướng tới một trật tự quốc tế phù hợp với nhiều quốc gia lớn hơn, chẳng hạn như Trung Quốc.

Tâm điểm mới 

Không khó để người ta nhận ra rằng đằng sau những tuyên bố về tái gắn kết, về hồi sinh liên minh Đại Tây Dương, là sự thừa nhận ngày càng rõ ràng của giới chức cấp cao trong chính quyền Biden và các đối tác châu Âu về khó khăn trong nỗ lực kiềm chế sự độc tài của Trung Quốc, đặc biệt khi quốc gia này nổi lên với tư cách nền kinh tế lớn đầu tiên ngăn chặn thành công dịch COVID-19 để khôi phục tăng trưởng và thậm chí là thúc đẩy chiến lược ngoại giao vaccine và đem về lợi ích cho thị trường khoảng 1,4 tỷ người tiêu dùng của mình.

Do đó, chính quyền Biden cần phải phát triển một cách tiếp cận sáng tạo hơn, chuyên sâu hơn và hướng đến hợp tác hơn, chú trọng các đồng minh châu Á và châu Âu của mình hơn bao giờ hết. Thúc đẩy mục tiêu toàn cầu chung chưa bao giờ quan trọng đến thế này và cũng chưa bao giờ khó khăn đến thế. 

Trước hết, mọi chính sách của Mỹ đều phải đề cập Trung Quốc với tư cách là đối tác thương mại hàng đầu của hầu hết các đối tác lớn của Mỹ, kể cả việc nền kinh tế này đã vượt qua Mỹ để trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Liên minh châu Âu trong năm 2020.

Thực tế này khiến hầu hết các nước châu Âu, và đặc biệt là Đức, không muốn cân nhắc bất kỳ ý tưởng nào về việc tách khỏi nền kinh tế Trung Quốc hoặc bước vào một cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Mỹ phải thận trọng xem xét các nhu cầu chính trị và kinh tế của đối tác, nhận thức rõ rằng họ khó có thể chia sẻ cùng chung với Mỹ quan điểm về Trung Quốc mà không tính đến lợi ích quốc gia của riêng mình. 

Thứ hai, những nghi ngờ của châu Âu về độ tin cậy của mối quan hệ đối tác với Mỹ sẽ vẫn tồn tại, nhất là bởi sức ảnh hưởng của cựu Tổng thống Trump, sức hút chính trị của các chính sách “Nước Mỹ trước tiên” và vai trò lâu dài của ông trong nền chính trị của đảng Cộng hòa sau khi ông được Thượng viện tuyên bố “trắng án.”

Điều này có thể dẫn đến việc nhiều quan chức châu Âu trở nên thận trọng hơn trong mối quan hệ với Mỹ để tránh rủi ro. Một cuộc khảo sát mà Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu mới tiến hành cho thấy 57% số người được hỏi cho rằng chiến thắng của Biden có lợi cho EU, nhưng khoảng 60% lại tin rằng Trung Quốc sẽ trở nên hùng mạnh hơn Mỹ trong thập kỷ tới và 32% cảm thấy Mỹ có thể không còn đáng tin cậy.

Thứ ba, chính quyền Biden và các đối tác châu Âu phải nỗ lực giải quyết hoặc đối phó với các vấn đề tồn đọng, tránh để những khúc mắc này hủy hoại những cơ hội mới.

Trong số đó phải kể đến những khoản thuế và lệnh trừng phạt mà chính quyền Trump từng ban hành, các tranh cãi thương mại giữa Airbus-Boeing, cho đến xích mích Đức-Mỹ về việc hoàn thành đường ống dẫn Dòng chảy phương Bắc 2 từ Nga đến Tây Âu.

Cuối cùng, sự miễn cưỡng của chính quyền Biden trong việc tham gia các cuộc đàm phán thương mại mới - hay việc thiếu sự ủng hộ cần thiết của các nghị sỹ Dân chủ hoặc Cộng hòa đối với những thỏa thuận này - sẽ khiến Mỹ phải cạnh tranh với Bắc Kinh với “một bàn tay bị trói sau lưng.”

Trong khi đó, Trung Quốc đã và đang mạnh mẽ tiếp cận các đối tác châu Á thông qua Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) gồm 15 quốc gia và Hiệp định Toàn diện Mới về Đầu tư (CAI) giữa EU và Trung Quốc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục