Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) dự kiến diễn ra từ ngày 31/10-12/11 tại Glasgow của Scotland được kỳ vọng sẽ tạo bước tiến quan trọng trong việc đặt ra các mục tiêu về khí thải trên toàn thế giới nhằm làm chậm lại quá trình Trái Đất ấm lên.
Tại Việt Nam, chuyển đổi năng lượng theo hướng tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo đang là xu thế và yêu cầu cấp thiết để chống biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, các cơ chế, chính sách ở Việt Nam liệu đã đủ để thực hiện? Việt Nam cần “cởi mở” hay thận trọng trong vấn đề này?
Xung quanh câu chuyện này, phóng viên TTXVN đã có trao đổi với bà Vũ Chi Mai, Trưởng hợp phần dự án 4E-EVEF, Chương trình Hỗ trợ Năng lượng GIZ.
- Việt Nam đang trong quá trình chuyển dịch cơ cấu năng lượng theo hướng tăng tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, nguồn năng lượng này vốn được nhìn nhận khá “đỏng đảnh” và khó kiểm soát. Bà đánh giá như thế nào về vai trò của năng lượng tái tạo với các nguồn năng lượng khác như than, dầu khí… ở Việt Nam thời gian tới?
Bà Vũ Chi Mai: An ninh năng lượng nghĩa là an ninh quốc gia và phát triển kinh tế, một mặt phải đảm bảo những nguồn chạy nền, tuy nhiên vẫn tìm giải pháp dài hơi hơn, chủ động năng lượng thông qua năng lượng tái tạo. Tất nhiên, năng lượng tái tạo thì “đỏng đảnh” nhưng yếu tố này hoàn toàn có thể kiểm soát được bằng những hệ thống dự báo tốt.
[VN thể hiện vai trò chủ động, tích cực trong ứng phó biến đổi khí hậu]
Việt Nam hoàn toàn có thể biết được công suất năng lượng tái tạo bằng bao nhiêu và điều phối một cách hợp lý bởi vì Việt Nam vẫn có nguồn điện chạy nền là thủy điện và nhiệt điện. Điện Mặt Trời có ban ngày, không có ban đêm nhưng điện gió có ban đêm. Tương lai nữa, điện gió ngoài khơi cũng hoàn toàn có thể đóng vai trò lớn.
Điện sinh khối hay (biomass power) cũng có tiềm năng. Điện sinh khối thể kết hợp cùng than trong những nhà máy để đồng phát. Công nghệ có thể đắt hơn nhưng lại có yếu tố cạnh tranh là những dự án đồng phát sử dụng điện sinh khối rơi vào mùa khô khi thủy điện không có.
Nếu nhìn vào bức tranh tổng thể, vai trò của các nguồn điện tại từng thời điểm để kết hợp thì tất cả các dạng năng lượng sẽ hỗ trợ nhau rất tốt. Tôi không nghĩ câu chuyện loại trừ điện than là ổn ở Việt Nam. Bên cạnh năng lượng tái tạo, chúng ta vẫn nhìn thấy than, dầu khí có vai trò nhất định.
- Thách thức lớn nhất hiện nay với chuyển dịch năng lượng của Việt Nam là gì, thưa bà?
Bà Vũ Chi Mai: Thách thức lớn nhất với Việt Nam hiện nay là các cơ chế chính sách thu hút đầu tư. Thực tế hiện nay, Việt Nam có thể sẽ thiếu điện những năm tới bởi nguồn nhiệt điện than dang gặp nhiều khó khăn trong đầu tư, thu xếp vốn. Đầu năm 2020, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ có yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Bộ Công Thương phải đảm bảo an ninh năng lượng.
Thời gian qua, với các chính sách hỗ trợ, điện mặt trời đã được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư, người dân. Tuy nhiên, vì điện mặt trời phát triển quá nhanh, vượt khỏi những dự báo và công nghệ mới ở Việt Nam nên những điều kiện về tiêu chuẩn kỹ thuật vẫn chưa được xây dựng đầy đủ và dẫn đến những hệ luỵ. Ở công tác quản lý, vì nó là công nghệ mới, các cấp quản lý khác nhau chưa có đủ thời gian để nhìn nhận các vấn đề và có chính sách, hướng dẫn xử lý. Điều này đã gây những hệ lụy không chỉ cho nhà đầu tư trong việc cắt giảm công suất mà cho cả đơn vị vận hành là EVN.
Tôi cũng nhìn thấy động thái khác và cũng rất mong rằng các nhà đầu tư hiểu, với tốc độ phát triển như vậy sẽ phải có những bước để điều chỉnh lại và Chính phủ cần có thời gian để thực hiện. Do vậy, việc những cơ chế hỗ trợ ở thời điểm này chưa được ra cũng là điều dễ hiểu bởi trong quá khứ, Chính phủ đã có những cơ chế hỗ trợ và chúng ta hoàn toàn không lường trước được những bước phát triển của năng lượng tái tạo nói chung và điện mặt trời nói riêng. Đây là bài học để cùng nhìn lại.
- Hiện nay, Trung Quốc cũng đang đẩy nhanh quá trình chuyển dịch năng lượng từ sơ cấp, sử dụng các năng lượng truyền thống như than, khí sang điện mặt trời và điện gió. Diễn biến giá nhiên liệu đã đẩy quốc gia này rơi vào khủng hoảng năng lượng. Điều đó đưa ra cho Việt Nam bài học như thế nào, thưa bà?
Bà Vũ Chi Mai: Trong vấn đề chuyển dịch năng lượng, Việt Nam cũng phải cân nhắc rất rõ, không làm bằng mọi giá. Chúng ta cần đánh giá xem hệ thống của Việt Nam, đang có cái gì trong tay, cái gì sẽ có thể đảm bảo chứ không phải bằng mọi giá. Lộ trình hoặc việc chuyển dịch năng lượng của Việt Nam là không thể tránh khỏi, tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo vào hệ thống là điều chắc chắn phải làm. Cân nhắc nhưng không nên quá thận trọng, bởi nếu quá thận trọng thì các nhà đầu tư hoặc những tổ chức tài chính quốc tế cũng sẽ cân nhắc rất nhiều đến việc có tiếp tục hỗ trợ, đầu tư vào Việt Nam không khi mà các cam kết chính trị, những ưu đãi cho nhà đầu tư vẫn ở mức thấp.
Đơn cử như với điện gió ngoài khơi, một số nhà đầu tư, nhà phát triển chiến lược họ đặt vấn đề là tại sao trong Tổng Quy hoạch điện VIII lúc thì là 0 GW, lúc là 2 GW, lúc lại là 5 GW; những điều này khiến họ rất băn khoăn. Trong khi đó, ngay gần chúng ta là Đài Loan (Trung Quốc) - một thị trường rất ổn định và có nhiều cơ hội đầu tư. Với những chính sách chưa thực sự rõ ràng, Việt Nam rất dễ sẽ mất cơ hội thu hút sóng đầu tư vào điện gió, đặc biệt là điện gió ngoài khơi.
- Xin cảm ơn bà!