Hội nghị thượng đỉnh bất thường của EU: Những nút thắt khó gỡ

Kết thúc 2 ngày họp Hội nghị thượng đỉnh EU, ngoài những lời kêu gọi và cam kết thì không có quyết định cụ thể nào được đưa ra, cả với cuộc xung đột tại Ukraine lẫn cuộc khủng hoảng người di cư.
Hội nghị thượng đỉnh bất thường của EU: Những nút thắt khó gỡ ảnh 1Toàn cảnh một Hội nghị thượng đỉnh bất thường của EU. (Nguồn: AA)

Hội nghị thượng đỉnh bất thường của Liên minh châu Âu (EU) diễn ra cuối tuần này với một chương trình nghị sự có phần khác thường. Thay vì ưu tiên giải quyết các vấn đề nội khối, cuộc xung đột Nga-Ukraine một lần nữa lại chi phối diễn đàn của 27 nước thành viên.

Mặc dù vậy, kết thúc 2 ngày họp, ngoài những lời kêu gọi và cam kết, không có quyết định cụ thể nào được đưa ra, cả với cuộc xung đột tại Ukraine lẫn cuộc khủng hoảng người di cư, vấn đề mà các nhà lãnh đạo EU dự kiến đặt lên hàng đầu trong chương trình nghị sự hội nghị.

Chuyến thăm bất ngờ của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đến một loạt nước châu Âu cũng như việc ông tham dự hội nghị thượng đỉnh EU được cho là nhân tố khiến chương trình nghị sự có phần thay đổi.

Chủ đề Ukraine được đẩy lên và chi phối nhiều hơn nghị trình của 27 nước thành viên. Một lần nữa, sự hiện diện của ông Zelensky được chào đón bằng những lời cam kết tiếp tục cung cấp hỗ trợ chính trị, tài chính và quân sự cho Ukraine; tăng cường quan hệ và mở rộng hợp tác; sát cánh với Kiev xây dựng lại một Ukraine hiện đại và thịnh vượng.

Hầu hết những vấn đề mà Tổng thống Zelensky đề cập trong các cuộc gặp riêng rẽ với các nhà lãnh đạo châu Âu như Thủ tướng Anh, Tổng thống Pháp, Thủ tướng Đức cũng như Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đều nhận được những lời tái khẳng định ủng hộ hoặc cam kết thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ của EU đối với Ukraine.

Ngay cả đề xuất siết chặt trừng phạt Nga, EU tuyên bố sẽ áp đặt gói trừng phạt thứ 10 trước ngày 24/2, thời điểm đúng một năm Moskva triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng những nội dung trên hầu như không thay đổi so với kết quả của hội nghị thượng đỉnh EU-Ukraine tại Kiev đúng một tuần trước đó.

Mặc dù thể hiện sự đoàn kết, thống nhất, song dường như không có chuyển động trong việc đẩy nhanh tiến trình xem xét đơn xin gia nhập “ngôi nhà chung” của Ukraine, cũng như chưa có quyết định cụ thể liên quan đến đề nghị gửi máy bay chiến đấu do lo ngại điều này làm leo thang xung đột.

Có thể thấy việc EU không đưa ra quan điểm để rút ngắn tiến trình Ukraine gia nhập EU cũng là dễ hiểu, bởi trong bối cảnh châu Âu đang đối mặt với nhiều thách thức, cả đối nội lẫn đối ngoại, cộng với nỗi lo kinh tế suy thoái đang khiến giới lãnh đạo “lao tâm khổ tứ," việc “gánh” thêm Ukraine thực sự là điều phải cân nhắc vì nếu được kết nạp, Ukraine sẽ là quốc gia nghèo nhất trong EU.

Một số quốc gia thậm chí không muốn trao tư cách thành viên nếu Ukraine thiếu những cải cách kinh tế quan trọng.

Ngoài vấn đề Ukraine, EU cũng chưa tìm được tiếng nói chung trong một chủ đề nóng khác, đó là di cư.

[Chủ tịch Hội đồng châu Âu kêu gọi EU hỗ trợ tối đa cho Ukraine]

Sau gần 3 năm chống chọi với đại dịch COVID-19 và những tác động chưa từng có tiền lệ tới các lĩnh vực kinh tế-xã hội chi phối, vấn đề người di cư trở lại “chiếm sóng” khá nhiều tại hội nghị thượng đỉnh EU lần này.

Cuộc tranh cãi nổi lên khi có tới hơn 330.000 lượt người vượt biên trái phép vào châu Âu năm 2022, tăng 64%, cao hơn so với thời kỳ đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng năm 2015 và 2016.

Trong khi đó, số đơn xin tị nạn cũng tăng 46%, lên gần 924.000 người. Riêng tuyến đường Địa Trung Hải (qua Italy), số người vượt biên đã tăng 51%, tuyến Tây Balkan (qua Serbia) và phía Đông Địa Trung Hải (qua Hy Lạp), tăng lần lượt là 136% và 108%.

Cùng với gần 8 triệu người tị nạn từ Ukraine, trong đó 5 triệu người đã được đăng ký thông qua chương trình bảo vệ tạm thời của EU hoặc các chương trình bảo vệ quốc gia tương tự, rõ ràng vấn đề người di cư đang tạo ra những áp lực không hề nhỏ cho Lục địa Già.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, trong thư gửi các nhà lãnh đạo trước thềm hội nghị, đã viết: “Di cư đang là một thách thức lớn của châu Âu và cần phải có phản ứng của châu Âu."

Mặc dù các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí áp dụng các quy định nghiêm ngặt hơn để kiểm soát người nhập cư trái phép ở biên giới, như có thể trục xuất các trường hợp xin tị nạn bị từ chối; tài trợ để tăng cường hệ thống camera giám sát cũng như lực lượng bảo vệ biên giới, nhưng khẳng định không thanh toán chi phí cho việc xây dựng các tường rào, một biện pháp mà EU cho rằng không hợp lý để ngăn chặn người di cư từ các quốc gia láng giềng không thuộc EU.

Cho đến nay, các nước thành viên vẫn chia rẽ trong vấn đề quốc gia nào chịu trách nhiệm tiếp nhận cũng như nghĩa vụ hỗ trợ người di cư từ các nước láng giềng và đối tác.

Trường hợp Áo và Hà Lan phủ quyết việc Bulgaria và Romania gia nhập Schengen, khu vực tự do đi lại trong EU, không phải hoàn toàn vô cớ.

Ngoài lý do những nước này chưa có các biện pháp bảo vệ biên giới một cách hiệu quả, Bộ Nội vụ Áo cho biết có tới 40% số người di cư đến Áo đã đi qua Bulgaria.

Không chỉ là quốc gia tiếp nhận người di cư lớn thứ tư, mà tính theo tỷ lệ dân số, Áo đang là nước có số người xin tị nạn lớn nhất trong EU.

Giới phân tích thừa nhận rằng các nút thắt tồn tại ở mọi bước của quá trình di cư. Việc chia sẻ gánh nặng hạn chế và các cơ quan quản lý nhập cư quốc gia quá tải, không thể ngăn người di cư nộp đơn xin tị nạn ở nhiều nước đã dẫn đến một hệ thống khủng hoảng gần như vĩnh viễn.

Ứng phó với Đạo luật giảm lạm phát (IRA) của Mỹ và phương cách duy trì sức mạnh kinh tế của thị trường chung châu Âu trong bối cảnh mới cũng là một vấn đề được quan tâm tại hội nghị.

Chủ tịch EC Ursula von der Leyen từng tuyên bố rằng: “EU phải có hành động để tái cân bằng sân chơi," và giải quyết những quan ngại liên quan đến IRA của Mỹ có tổng ngân sách lên tới 430 tỷ USD.

Nhằm cải thiện khả năng thu hút đầu tư và tính cạnh tranh của các lĩnh vực chiến lược như công nghiệp số và chuyển đổi xanh, đặc biệt là đối phó với đạo luật IRA của Mỹ, Ủy viên phụ trách Thị trường nội địa châu Âu, ông Thierry Breton cũng từng kêu gọi thành lập “Quỹ chủ quyền châu Âu” với ngân sách vào khoảng 2% GDP của EU, tương đương khoảng 350 tỷ euro (gần 380 tỷ USD) để hỗ trợ cho ngành công nghiệp của EU.

Người đứng đầu Ủy ban Thương mại của Nghị viện châu Âu Bernd Lange thậm chí còn nói rằng, việc gây sức ép với Mỹ để viết lại IRA là lãng phí thời gian và thay vào đó, EU nên đệ đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Mặc dù các bên thừa nhận cần phải phối hợp tìm giải pháp để đảm bảo có thể đạt được tham vọng chung về một tương lai xanh và bền vững hơn mà vẫn có thể bảo vệ hệ thống thương mại đa phương và tôn trọng các quy tắc của WTO, song giới phân tích cho rằng quá trình giải quyết vấn đề không phải câu chuyện một sớm một chiều.

Hiện, việc trông đợi một giải pháp dựa trên đàm phán được xem là khó khăn khi châu Âu cho rằng việc thống nhất những thay đổi nhỏ trong IRA sẽ không làm thay đổi bản chất của đạo luật, mà khiếu nại lên WTO mới gửi đi thông điệp rằng đạo luật IRA không phù hợp với các quy định của tổ chức này.

Đây là hội nghị thượng đỉnh EU đầu tiên trong nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên của Thụy Điển với mục tiêu thúc đẩy EU như một "cửa ngõ toàn cầu." Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nút thắt khó gỡ cản trở EU đạt được nhất trí để hướng tới mục tiêu chung. Điều đó cho thấy EU còn phải đối mặt với nhiều thách thức./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục